Ngủ ngáy có phải là bệnh?
Tình trạng ngủ ngáy xuất hiện khá phổ biến, khoảng 57% ở nam giới và 40% ở nữ giới. Người mắc bệnh phổi mạn tính thường đồng mắc loại bệnh này.

Ngủ ngáy là biểu hiện của bệnh về đường thở. Ảnh: Freepik.
Ngủ ngáy là tình trạng phát ra âm thanh lớn khi ngủ, thường gây khó chịu cho người xung quanh nhưng người mắc lại không nhận thức được điều này. Theo TS.BS Phạm Thị Phương Nam, Trưởng khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng), nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là giảm trương lực cơ khi ngủ.
Trương lực cơ đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho đường thở luôn mở. Khi ngủ, trương lực cơ giảm, không đủ để giữ đường thở trên mở rộng, đặc biệt khi hít vào sẽ tạo ra áp suất âm trong lòng phổi, khiến đường thở bị thu hẹp. Điều này làm tăng vận tốc luồng khí, dẫn đến rung động các mô mềm, gây ra tiếng ngáy.
Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ ngủ ngáy bao gồm:
Lệch vách ngăn mũi
Lưỡi to hoặc có khối u vùng vòm họng
Thừa cân, béo phì
Bác sĩ Nam cho biết trong nhiều trường hợp, ngủ ngáy có thể vô hại. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, một tình trạng nguy hiểm tiềm ẩn.
Người mắc chứng này thường gặp các biểu hiện như:
Buồn ngủ ban ngày, mệt mỏi dù đã ngủ đủ giấc
Thức dậy đột ngột với cảm giác nghẹt thở hoặc thở hổn hển
Tiếng ngáy to, ngáy gián đoạn do có những khoảng ngưng thở khi ngủ (trên 5 lần mỗi giờ)
Mặc dù ngủ ngáy đơn thuần không gây hại, nếu liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:
Tăng huyết áp, nguy cơ đột quỵ
Rối loạn nhịp tim, suy tim, suy thận
Rối loạn chuyển hóa và nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Nếu bạn hoặc người thân nhận thấy các dấu hiệu bất thường như ngáy to kéo dài, gián đoạn thở khi ngủ, buồn ngủ quá mức vào ban ngày hoặc khó thở khi ngủ, hãy thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa hô hấp hoặc tai mũi họng.
“Đừng chủ quan với tình trạng ngủ ngáy. Phát hiện và điều trị sớm không chỉ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ mà còn phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm về tim mạch và hô hấp”, bác sĩ Phạm Thị Phương Nam khuyến cáo