Ngữ liệu đề thi ngữ văn nằm ngoài SGK không làm khó học sinh

Với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ngữ văn là môn thay đổi nhiều nhất khi ngữ liệu quen thuộc trong sách giáo khoa sẽ không xuất hiện trong đề kiểm tra đánh giá cũng như đề thi.

Ngữ liệu học và thi khác nhau

Tại Công văn 3935/BGDĐT năm 2024 về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024 - 2025 do Bộ GD&ĐT ban hành, Bộ GD&ĐT một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu không lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa (SGK) làm đề kiểm tra định kỳ môn ngữ văn nhằm giúp học sinh làm quen với định hướng đề thi chuyển cấp.

Thực tế, điều này đã không còn lạ với các học sinh học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Học sinh tham dự kỳ thi lớp 10 năm học 2024 - 2025.

Học sinh tham dự kỳ thi lớp 10 năm học 2024 - 2025.

Trước đó, tháng 7/2022, trong Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục trong đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp học thì tránh dùng lại các văn bản đã học trong SGK làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Thực hiện văn bản trên, từ năm học 2022 - 2023 đến nay, việc kiểm tra định kỳ, thường xuyên môn ngữ văn được thực hiện đúng hướng dẫn. Như vậy, năm nay là năm thứ 3, các đơn vị, nhà trường không sử dụng ngữ liệu quen thuộc trong SGK để đưa vào đề kiểm tra, đánh giá.

Các thầy cô thừa nhận, ban đầu, việc đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn là khó khăn, thách thức rất lớn đối với cả thầy và trò bởi nếu đọc một văn bản lạ lẫm, học sinh chưa từng nghe thì các em sẽ khó hiểu được ý nghĩa sâu xa của tác phẩm; từ đó không dễ dàng khi phân tích, cảm thụ tác phẩm để có bài viết tốt.

“2 năm trước em từng rất lo lắng khi nghe thông tin về đổi mới dạy và kiểm tra đánh giá ngữ văn vì đây vốn không phải sở trường của em. Vậy nhưng, được học chương trình mới dưới sự hướng dẫn của thầy cô, em dần hình thành được tư duy và biết cách làm bài văn theo cảm nhận của mình một cách độc lập” - Bùi Duy Anh, học sinh lớp 9 tại Cầu Giấy cho biết.

Nỗ lực của cả thầy và trò

Tinh thần đổi mới trong dạy, học và kiểm tra đánh giá với môn ngữ văn đã được thầy cô thông điệp, nhắn nhủ học sinh ngay khi vừa nhận được hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Thầy và trò cùng đồng hành và nỗ lực trong dạy và học theo chương trình mới.

Thầy và trò cùng đồng hành và nỗ lực trong dạy và học theo chương trình mới.

Theo cô Trần Thanh Mai - giáo viên dạy ngữ văn Trường THCS Chu Văn An, huyện Thanh Trì, Hà Nội, ngữ văn là môn học có thay đổi mạnh mẽ nhất trong chương trình mới, đó là học sinh được học và thi với những ngữ liệu hoàn toàn khác nhau.

Trước đây, học sinh chỉ cần hiểu kiến thức, hiểu nhân vật là làm được bài nhưng giờ phải hiểu mỗi thể loại được khai thác dưới góc nhìn như thế nào mới có thể viết bài văn tốt. Chương trình cũ, các kiến thức trong tác phẩm học sinh đã được học và ôn đi ôn lại còn chương trình mới thì học sinh phải nắm được tư duy và cách làm.

Nhiệm vụ của giáo viên trong quá trình dạy là làm sao để học sinh yêu thích môn văn, tránh nói nhiều, dạy ôm đồm mà phải bám sát yêu cầu của chương trình. Thầy cô chủ yếu tập trung vào hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, dạy học sinh viết văn; tư duy cấu trúc bài văn, tư duy hành văn, lập ý tưởng dàn ý và nắm chắc kỹ năng, cách viết để không còn tình trạng văn mẫu hay học thuộc.

Cô Trần Thanh Mai cũng cho hay, không phải đến bây giờ các thầy cô mới hướng dẫn cho học sinh những nội dung này mà ngay khi tiếp xúc SGK mới, Sở GD&ĐT có nhiều buổi hướng dẫn, tập huấn để trong đề kiểm tra định kỳ từ lớp 6, học sinh đã được làm quen với ngữ liệu mới hoàn toàn.

Mặt khác, trong chương trình SGK mới của môn ngữ văn có phần đọc mở rộng. Việc học sinh đọc ngữ liệu mới không có trong sách trở thành hoạt động thường xuyên được quy định trong chương trình. Giáo viên thường xuyên khuyến khích học sinh đọc mở rộng thông qua CLB đọc sách, phiếu đọc, dự án đọc… để các em làm quen với ngữ liệu mới. Do vậy, phụ huynh có thể yên tâm vì các con không quá bỡ ngỡ về điều này.

Cô Nguyễn Thị Nga - giáo viên ngữ văn tại quận Thanh Xuân chia sẻ, đa số học sinh rất hào hứng với hướng triển khai môn ngữ văn theo Chương trình mới. Lý do bởi, quá trình học đỡ nặng mà các em có cơ hội được sáng tạo nhiều hơn.

Điều này được thể hiện rõ qua kết quả các bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ của học sinh. Nhiều em thực sự có cách viết và tư duy vượt ngoài sự mong đợi của giáo viên; các em biết đưa dẫn chứng thực tế hay lồng ghép cả nội dung của các môn học khác vào bài viết một cách chính xác, sinh động và thuyết phục. Theo cô Nga, đó là thành công của việc đổi mới dạy, học cũng như kiểm tra đánh giá môn ngữ văn theo chương trình mới.

Để giáo viên có định hướng dạy học và triển khai đề kiểm tra đánh giá các môn học theo chương trình mới, nhất là với học sinh khối 9, Sở GD&ĐT vừa tổ chức tập huấn cho giáo viên các bộ môn, trong đó có giáo viên ngữ văn. Tham gia lớp tập huấn, các giáo viên đã được hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm và thu nhận nhiều kiến thức hữu ích; từ đó tự tin, vững vàng hơn trong việc thực hiện mục tiêu của chương trình là phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ngu-lieu-de-thi-ngu-van-nam-ngoai-sgk-khong-lam-kho-hoc-sinh.html
Zalo