'Ngồi xổm' khi dùng WC công cộng, cô gái phải nằm viện 14 ngày

Tư thế nửa ngồi xổm để tránh tiếp xúc với bồn cầu bẩn ở nhà vệ sinh công cộng khiến cô gái trẻ phải đi cấp cứu và nằm viện 14 ngày, rất mệt mỏi và đau đớn.

Nhiều người lo ngại về vấn đề vệ sinh của bồn cầu công cộng nên thường lót giấy hoặc lau bằng cồn trước khi sử dụng. Khi không có điều kiện làm sạch bồn cầu, nhiều phụ nữ "né" vi khuẩn bằng cách ngồi xổm nhưng không chạm vào bề mặt bồn cầu, giống như tư thế "đứng tấn" hay squat trong môn thể hình. Điều ít ai ngờ đến là thói quen sử dụng bồn cầu trong tư thế này lại có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Theo chia sẻ của bác sỹ chuyên khoa tiết niệu Quy Gia Hào ở Đài Loan (Trung Quốc), một cô gái trẻ ở Chương Hóa, Đài Loan đã phải nằm viện 14 ngày vì viêm bàng quang và bể thận sau chuyến du lịch. Theo bác sỹ Quy, cô gái này vì sợ bẩn nên luôn cố gắng "đứng tấn" khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng, khiến cơ sàn chậu không thể thư giãn hoàn toàn. Điều này gây ứ đọng nước tiểu trong bàng quang. Nếu nước tiểu sạch thì không vấn đề gì, nhưng trong trường hợp của cô, nước tiểu có vi khuẩn, dẫn đến viêm bàng quang.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Kết thúc chuyến du lịch, vừa về đến nhà, cô gái đã xuất hiện triệu chứng tiểu ra máu, sốt cao, thậm chí nước tiểu trào ngược vào thận dẫn đến viêm bể thận, tình huống nguy kịch. Cô phải nhập viện cấp cứu và điều trị bằng kháng sinh tại bệnh viện trong 14 ngày, rất mệt mỏi và đau đớn.

Qua trường hợp này, bác sỹ Quy nhấn mạnh: "Tư thế đứng tấn hay nửa ngồi xổm khiến đùi không thể thư giãn, cơ sàn chậu co lại một cách vô thức, khiến người ta đi tiểu không hết". Ông khuyên rằng nếu lo ngại về vấn đề vệ sinh, chị em có thể sử dụng giấy lau một lần hoặc lót giấy vệ sinh, xịt cồn lên bệ ngồi để cảm thấy an tâm, thoải mái hơn khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng.

Ngoài ra, việc xả nước trước khi sử dụng cũng có thể giúp tránh tình trạng nước tiểu của người dùng trước bắn vào mình. Tuy nhiên, bác sỹ lưu ý khi xả nước phải đậy nắp bồn cầu. Thao tác xả nước có thể giảm số lượng vi khuẩn trong bồn cầu tại thời điểm đó và miễn là nước trong bồn cầu không tiếp xúc trực tiếp với cơ thể, về cơ bản sẽ không tạo nguy cơ nhiễm trùng.

Tùy Ý (Nguồn: Ettoday)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ngoi-xom-khi-dung-wc-cong-cong-co-gai-phai-nam-vien-14-ngay-ar890306.html
Zalo