Ngồi thâu đêm chờ xem tổng duyệt diễu binh, cựu binh 81 tuổi nói 'đã mãn nguyện'

Cùng vợ ngồi thâu đêm đợi xem lễ tổng duyệt diễu binh, diễu hành kỷ niệm ngày 30/4, cựu chiến binh hơn 80 tuổi nói 'đã mãn nguyện' và hô vang: 'Hồ Chủ tịch muôn năm! Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!'.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng ngay trong đêm 26/4, ông Lê Xuân Mát (81 tuổi, ở Thanh Hóa) cùng vợ là bà Phạm Thị Mai (70 tuổi) vẫn đến ngồi trên vỉa hè đường Lê Duẩn (quận 1, TPHCM), đợi xem lễ tổng duyệt cấp nhà nước diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

Trước đó, ông Mát có kế hoạch đến TPHCM cùng đoàn vào ngày 28/4. Tuy nhiên, do quá háo hức, ông và vợ quyết định vào thành phố trước để tận hưởng không khí náo nhiệt của những ngày sát lễ kỷ niệm.

Đêm 26/4, vợ chồng ông Mát chọn ngồi bên một gốc cây lớn trên vỉa hè đường Lê Duẩn để đón xem lễ tổng duyệt diễu binh, diễu hành

Đêm 26/4, vợ chồng ông Mát chọn ngồi bên một gốc cây lớn trên vỉa hè đường Lê Duẩn để đón xem lễ tổng duyệt diễu binh, diễu hành

Ông Mát nhập ngũ năm 18 tuổi. Năm 1966, ông chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Sau này, ông nằm trong Ban cơ yếu của Quân khu Sài Gòn Gia Định và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

“Khi được lệnh vào chiến đấu tại chiến trường miền Nam, chúng tôi xác định tư tưởng đi là có thể hy sinh, không hẹn ngày về.

Thời gian ấy, vào mùa mưa thì ban ngày chúng tôi đầm mình dưới hồ lấy lá cây che mặt để ngụy trang. Đêm về, chúng tôi lại lên bờ đánh giặc.

Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi mang theo niềm tin chiến dịch sẽ hoàn toàn thắng lợi, đất nước sẽ thống nhất. Lúc tin thắng trận tràn về, những người lính như chúng tôi vui sướng đến không thể tả bằng lời” - ông Mát chia sẻ.

Sau 15 năm 6 tháng phục vụ trong quân ngũ, ông Mát trở về quê hương. Kể từ ngày 30/4/1975 đến nay, ông Mát chưa một lần đến TPHCM tham dự các lễ kỷ niệm ngày thống nhất đất nước. Vì lần này là lễ kỷ niệm lớn, ông quyết định vào TPHCM.

“Tôi vào đây với tinh thần phấn khởi, tự hào. Hôm nay, ngồi suốt đêm mệt thì có mệt nhưng tôi vẫn rất vui. Hôm sơ duyệt, tôi được các cháu thanh thiếu niên tặng hoa, chụp ảnh. Lúc trời mưa, các cháu che ô cho tôi. Các chiến sĩ công an, bộ đội lấy ghế cho tôi ngồi…

Sự nhiệt tình ấy của các cháu, các em khiến tôi rất xúc động. Với tôi, như vậy là đã mãn nguyện” - ông Mát chia sẻ thêm.

Cựu chiến binh Lê Xuân Mát

Cựu chiến binh Lê Xuân Mát

Ngồi bên cạnh, bà Mai không giấu được sự xúc động khi nghe chồng kể về những ngày đất nước còn khó khăn. Bà Mai gặp gỡ, nên duyên cùng ông Mát trong một lần ông về quê thăm nhà. Sau 2 năm yêu xa, năm 1976, ông bà quyết định về chung một nhà. Dẫu vậy, mới cưới được 21 ngày, ông lại được lệnh vào Tây Nguyên đánh Fulro.

Bà Mai nhớ lại: “Lúc được lệnh lên đường, ông ấy còn không được về nhà. Trên đường hành quân, đi ngang qua bưu điện, ông ấy chạy vào xin tờ giấy ghi lại dòng chữ “Anh phải đi ngay không về được” rồi gửi cho tôi.

Ông ấy đi mãi đến năm 1978 mới được về phép. Đến lúc này, chúng tôi mới có với nhau đứa con đầu lòng”.

Bà Mai kể ngày ông Mát đi, bà ở nhà không dám nghĩ hay buồn lòng. Cũng như nhiều phụ nữ khác cùng thời, bà chỉ mong không còn chiến tranh, chồng trở về yên ổn sinh sống.

"Và ông ấy trở về, dù trong hình hài thương binh, bệnh binh, tôi cũng hạnh phúc đến rơi nước mắt" - bà Mai nói.

Ông Mát khẳng định qua lễ kỷ niệm năm nay, không chỉ quân dân ta tự hào mà cả thế giới cũng được xem, biết đến đất nước, con người, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của nhân dân Việt Nam

Ông Mát khẳng định qua lễ kỷ niệm năm nay, không chỉ quân dân ta tự hào mà cả thế giới cũng được xem, biết đến đất nước, con người, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của nhân dân Việt Nam

Theo chồng đến TPHCM, bà Mai mang theo niềm tự hào lớn lao. Niềm tự hào ấy của bà đến từ không khí nô nức, náo nhiệt của người dân mà còn là sự đổi thay vượt bậc của đất nước.

Bà Mai nói so với 50 năm trước, hiện nay đất nước ta phồn vinh hơn rất nhiều lần. Bà ngỡ ngàng khi thấy nơi đâu đường sá cũng thênh thang, trải nhựa sạch sẽ, thẳng tắp, các tòa nhà cao tầng mọc lên khắp mọi miền Tổ quốc.

Ông Mát cũng chia sẻ: “50 năm trước, tôi vinh dự được đóng góp một phần xương máu của mình trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Hôm nay, Đảng và Nhà nước long trọng tổ chức diễu binh, diễu hành chào mừng kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, tôi càng thấy tự hào hơn.

Thông qua lễ kỷ niệm lần này, không chỉ quân dân ta tự hào mà cả thế giới cũng được xem, biết đến đất nước, con người, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc của nhân dân Việt Nam. Tôi luôn mơ ước đất nước ta phát triển ngày càng vững mạnh, ngang tầm thế giới”.

Hà Nguyễn

Xuân Ngọc

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ngoi-thau-dem-cho-xem-tong-duyet-dieu-binh-cuu-binh-81-tuoi-noi-da-man-nguyen-2395603.html
Zalo