Ngôi nhà lưu dấu ấn dòng gốm cổ hơn 300 năm ở Phú Yên

Nhà Quảng Đức Xưa nằm cạnh quốc lộ 1, thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, đầu đường qua cầu Lò Gốm, đến nhà thờ Mằng Lăng đi gành Đá Đĩa. Đây là nơi lưu dấu ấn dòng gốm cổ hơn 300 năm ở Phú Yên.

Bên trong nhà Quảng Đức Xưa. Ảnh: T.T

Bên trong nhà Quảng Đức Xưa. Ảnh: T.T

Khi đến Quảng Đức Xưa, du khách sẽ cảm nhận được “dòng chảy văn hóa” của một vùng đất trù phú cách đây vài thế kỷ, được chủ nhân dày công lưu giữ. Đó là phường lụa Ngân Sơn nổi tiếng một thời, bên này sông là làng gốm cổ Quảng Đức đã từng vang bóng.

Theo Cổng TTĐT UBND tỉnh Phú Yên, phường lụa Ngân Sơn và làng gốm Quảng Đức nổi tiếng hai bên sông Cái đã được hình thành và nổi tiếng từ rất sớm. Sau bao biến thiên lịch sử và thời gian, phường lụa Ngân Sơn và làng gốm Quảng Đức vang bóng một thời giờ đã thành quá vãng. Tiếng thoi đưa của làng lụa bên kia sông, những lò gốm đỏ lửa bên này sông, cảnh giao thương tấp nập trên bến dưới thuyền đã không còn.

Không gian xanh mát tại nhà Quảng Đức Xưa. Ảnh: T.T

Không gian xanh mát tại nhà Quảng Đức Xưa. Ảnh: T.T

Làng xưa không còn, nhưng di sản của nó vẫn được những người làm văn hóa, thích sưu tầm cổ vật lưu giữ, đó là gốm Quảng Đức, một dòng gốm được đánh giá là độc đáo trong các dòng gốm cổ của người Việt. Theo nhà sưu tầm, nghiên cứu gốm Quảng Đức Trần Thanh Hưng, Chủ tịch CLB UNESCO Nghiên cứu – Bảo tồn cổ vật Phú Yên, làng gốm Quảng Đức đã có lịch sử trên 300 năm, khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17.

Trước khi khám phá nhà Quảng Đức Xưa, du khách sẽ đi qua cổng gỗ nâu đen nhuốm màu thời gian. Bước vào trong là khoảng sân vườn rộng vừa phải, ở đó bày biện gần 100 cối đá xay bột, cối quết, hòn đá cà; bàn ghế ngồi được làm bằng thân cau ghép lại, bày biện đơn sơ, thoáng đãng dưới những gốc xoài, gốc mận.

Ngôi nhà lưu dấu ấn dòng gốm cổ Quảng Đức có lịch sử hơn 300 năm ở Phú Yên. Ảnh: T.T

Ngôi nhà lưu dấu ấn dòng gốm cổ Quảng Đức có lịch sử hơn 300 năm ở Phú Yên. Ảnh: T.T

Ngôi nhà gỗ thứ nhất được bài trí với khung dệt cổ của người làng nghề lụa Ngân Sơn cùng những vật dụng đánh bắt cá ven sông. Ngôi nhà cổ thứ hai được bài trí với những cổ vật của làng gốm Quảng Đức, một số đồ cổ bằng đồng thau. Đó là những chậu kiểng trồng hoa, hồ cá kiểng… cho dòng gốm không tráng men.

Ảnh: T.T

Ảnh: T.T

Ở dòng gốm tráng men là những chiếc bình vôi với nhiều màu men khác nhau, trong đó có những màu men quý như xanh ngọc, huyết dụ; những chum, chóe, nậm rượu… cũng với nhiều màu men và hoa văn đặc sắc, mỗi đồ vật là một độc bản.

Nguyên liệu để làm gốm Quảng Đức là đất sét lấy ở khu vực xã An Định. Nhiên liệu để đốt lò là củi từ gỗ bằng lăng, rất nóng, cháy đượm lâu tàn. Thai gốm (gốm thô mới nặn xong), sẽ được người thợ đưa vào bao nung, bỏ một ít vỏ sò huyết đầm Ô Loan. Theo đó, sau khi nung, bề mặt gốm sẽ phủ lớp men có hoa văn độc đáo.

Du khách sẽ được phục vụ một trong năm loại nước uống và món bánh ít lá gai – đặc sản của vùng đất Phú Yên khi đến nhà Quảng Đức Xưa. Ảnh: T.T

Du khách sẽ được phục vụ một trong năm loại nước uống và món bánh ít lá gai – đặc sản của vùng đất Phú Yên khi đến nhà Quảng Đức Xưa. Ảnh: T.T

Bên cạnh những điểm đến quen thuộc như nhà thờ Mằng Lăng, gành Đá Đĩa, thì nhà Quảng Đức Xưa cũng là nơi hấp dẫn du khách yêu thích tìm hiểu lịch sử, văn hóa. Với giá vé tham quan 80.000 đồng, du khách sẽ được phục vụ một trong năm loại nước uống và món bánh ít lá gai – đặc sản của vùng đất Phú Yên.

Theo Cổng TTĐT tỉnh Phú Yên

Đăng Huy

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/ngoi-nha-luu-dau-an-dong-gom-co-hon-300-nam-o-phu-yen/
Zalo