Ngọc lục bảo – niềm hy vọng mới của Taliban để hồi sinh nền kinh tế

Chính quyền Taliban đang trông cậy vào nguồn tài nguyên đá quý và khoáng sản dồi dào của Afghanistan sau khi mất hàng tỷ USD viện trợ quốc tế.

Các quan chức tỉnh đang kiểm tra một viên ngọc lục bảo trong cuộc đấu giá hàng tuần tại Bazarak, thủ phủ tỉnh Panjshir ở Afghanistan. Ảnh: New York Times

Các quan chức tỉnh đang kiểm tra một viên ngọc lục bảo trong cuộc đấu giá hàng tuần tại Bazarak, thủ phủ tỉnh Panjshir ở Afghanistan. Ảnh: New York Times

Trong một căn phòng lạnh lẽo ở Afghanistan, hàng đống ngọc lục bảo mới khai thác tỏa sáng dưới ánh đèn bàn khi những người buôn đá quý kiểm tra độ tinh khiết và chất lượng của chúng, trước khi được đưa ra cuộc đấu giá đá quý hàng tuần do chính quyền Taliban tổ chức.

Những đợt bán diễn ra tại tỉnh Panjshir giàu ngọc lục bảo ở miền đông Afghanistan là một phần trong nỗ lực của Taliban nhằm thu lợi từ tiềm năng khoáng sản và đá quý khổng lồ của đất nước.

Kể từ khi nắm quyền vào tháng 8/2021, Taliban cho biết họ đã ký hợp đồng với hàng chục nhà đầu tư để khai thác đá quý, vàng, đồng, sắt và các khoáng sản có giá trị khác, như cromit. Những kho báu bị chôn vùi này có thể là một nguồn sinh lợi tiềm năng cho một nền kinh tế yếu ớt.

Tại Afghanistan, Trung Quốc đang dẫn đầu về đầu tư theo Sáng kiến Vành đai và Con đường, một nỗ lực mạnh mẽ nhằm mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh trên toàn thế giới. Các nhà đầu tư Nga và Iran cũng đã ký các giấy phép khai thác, lấp đầy khoảng trống do sự rút lui hỗn loạn của Mỹ vào năm 2021 để lại.

Chính phủ Mỹ ước tính rằng ít nhất 1 nghìn tỷ USD khoáng sản đang nằm bên dưới cảnh quan gồ ghề của Afghanistan. Đất nước này giàu đồng, vàng, kẽm, crom, coban, lithium và các khoáng sản công nghiệp khác, cũng như các loại đá quý và bán quý như ngọc lục bảo, hồng ngọc, sapphire, garnet và lapis lazuli.

Quang cảnh một phiên bán đấu giá đá quý do chính quyền Taliban tổ chức, với phí thu là 10%. Ảnh: NYT

Quang cảnh một phiên bán đấu giá đá quý do chính quyền Taliban tổ chức, với phí thu là 10%. Ảnh: NYT

Theo Văn phòng Tổng thanh tra đặc biệt về Tái thiết Afghanistan của Mỹ, Afghanistan cũng nắm giữ một kho báu các nguyên tố đất hiếm, mà thế giới đang rất cần cho ngành công nghệ hiện đại.

Chính quyền Taliban đang cố gắng làm những gì chính phủ Mỹ không thể làm trong suốt 20 năm triển khai lực lượng quân sự ở nước này. Washington đã chi gần một tỷ USD để phát triển các dự án khai thác mỏ ở Afghanistan, nhưng "tiến độ thực tế là không đáng kể và không bền vững" - Tổng thanh tra đặc biệt kết luận trong một báo cáo được công bố vào tháng 1/2023.

Nhiều rào cản từ thời điểm đó đến nay vẫn tồn tại: thiếu an ninh, cơ sở hạ tầng kém, nạn tham nhũng, chính sách không nhất quán và nhân sự chính phủ không ổn định. Tuy nhiên, Taliban vẫn đang nỗ lực tìm giải pháp trong cơn tuyệt vọng sau khi Afghanistan đột ngột mất nguồn viện trợ do Mỹ rút quân.

Nền kinh tế Afghanistan đã suy giảm 26% trong hai năm qua – theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới vào tháng 4. Ngân hàng cho biết sự sụt giảm mạnh về viện trợ quốc tế đã khiến Afghanistan "không có bất kỳ động lực tăng trưởng nội địa nào".

Afghanistan sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào ngọc lục bảo và các loại đá quý khác. Ảnh: NYT

Afghanistan sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào ngọc lục bảo và các loại đá quý khác. Ảnh: NYT

Thêm nữa, lệnh cấm sản xuất thuốc phiện của Taliban đã khiến nông dân thiệt hại 1,3 tỷ USD thu nhập, tương đương 8% tổng sản phẩm quốc nội và mất 450.000 việc làm.

Lúc này, hoạt động khai khoáng có thể giúp thay thế cây thuốc phiện trở thành nguồn thu nhập ổn định. Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, cùng với Trung Quốc và Iran, đã đầu tư vào các mỏ sắt, đồng, vàng tại Afghanistan.

Taliban cũng đã tiến hành thu thuế từ việc bán ngọc lục bảo. Dưới thời chính phủ trước, hoạt động buôn bán ngọc lục bảo là một hoạt động bị thả nổi và tham nhũng. Các lãnh chúa và những người buôn bán có quan hệ chính trị thống trị hoạt động này, và việc thu thuế diễn ra rất tùy tiện.

Nhưng khi chính quyền Taliban thiết lập các cuộc đấu giá ngọc lục bảo hàng tuần, họ đã kiểm soát và đánh thuế tất cả các hoạt động bán hàng. Những người buôn bán ngọc lục bảo tại các cuộc đấu giá sẽ không nhận được đá quý cho đến khi họ trả khoản thuế 10%. Chính quyền cũng đang đánh thuế các loại đá quý khác như hồng ngọc, lam ngọc.

Tại tỉnh Panjshir, nơi khai thác hầu hết ngọc lục bảo của Afghanistan, chính phủ đã cấp 560 giấy phép khai thác ngọc lục bảo cho các nhà đầu tư nước ngoài và Afghanistan – theo Bộ Mỏ và Dầu khí cho biết. Bộ này cũng đã cấp giấy phép khai thác hồng ngọc ở các tỉnh Panjshir và Kabul và đang có kế hoạch cấp giấy phép khai thác ngọc lục bảo và đá quý ở ba tỉnh khác.

Hầu hết các viên ngọc lục bảo được mua tại các cuộc đấu giá hàng tuần đều được bán lại cho người mua nước ngoài. Trong số những người bán ngọc lục bảo vào một ngày tháng 11/2024 có Haji Ghazi, người bán đá quý ở trung tâm thành phố Kabul. Ghazi cho biết bộ ngọc lục bảo lớn nhất của ông có giá trị khoảng 250.000 USD.

Ở một góc phòng, ông Ghazi chất những khối đá nặng có vân xanh dày của đá lapis lazuli, một loại đá bán quý. Phần lớn nguồn cung cấp đá lapis của thế giới được khai thác ở miền bắc Afghanistan. Ghazi cho biết doanh số không mạnh như trong 13 năm ông được phép bán đá quý một ngày một tuần tại một cửa hàng nhỏ nằm trong một căn cứ quân sự của Mỹ. Ngày nay, ông Ghazi phải đi công tác để tăng doanh số. Ông mở một cửa hàng ở Trung Quốc, còn tại Kabul, ông bán cho những người mua từ Dubai, UAE cũng như từ Pakistan, Iran và một số quốc gia khác.

Ghazi có rất ít khách hàng Afghanistan.“Không nhiều người Afghanistan có đủ khả năng chi trả 1.000 - 2.000 đô la để mua một viên đá làm nhẫn”, ông nhún vai nói.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo New York Times)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ngoc-luc-bao-niem-hy-vong-moi-cua-taliban-de-hoi-sinh-nen-kinh-te-20250107163906898.htm
Zalo