Ngoại trưởng Đức lên tiếng lý giải về vụ 'bê bối bắt tay' trong chuyến thăm Syria
Bộ trưởng Ngoại giao Đức giải thích rằng khung cảnh khó xử do không có màn chào hỏi thông thường này đã được phía họ dự đoán từ trước.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và người đồng cấp Pháp, Jean-Noel Barrot, đã có chuyến thăm bất ngờ tới Syria trong hôm 3/1, gặp nhà lãnh đạo trên thực tế của đất nước, người đứng đầu nhóm thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham (HTS), Ahmed Hussein al-Sharaa, người nổi tiếng với cái tên du kích Abu Mohammad al-Julani.
Cuộc họp bắt đầu với một cảnh khó xử khi ông al-Sharaa đề nghị bắt tay ông Barrot nhưng rõ ràng tránh bắt tay bà Baerbock, thay vào đó đặt tay phải lên trái tim ông. Nhà lãnh đạo mới của Syria nổi tiếng với việc từ chối bắt tay phụ nữ do quan điểm Hồi giáo cứng rắn của ông.
Ngoại trưởng Pháp gần như đã tránh được bàn tay của al-Sharaa, trong khi bà Baerbock ban đầu dường như với tay về phía nhà lãnh đạo mới của Syria, nhưng thay vào đó bà lại vỗ tay.
Bà Baerbock đã nói với truyền thông Đức vào cuối ngày 3/1: “Khi tôi đến đây, tôi nhận thấy rõ ràng rằng sẽ không có những cú bắt tay thông thường. Nhưng cũng rõ ràng là không chỉ tôi mà cả Ngoại trưởng Pháp cũng không chia sẻ quan điểm này. Và do đó, Ngoại trưởng Pháp đã không đưa tay ra”.
Tuy nhiên, sự việc này đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng về các nghi thức chào hỏi chính trị toàn cầu, và được tờ Bild của Đức gọi là “vụ bê bối bắt tay”, đặc biệt khi đối tác đồng hành của bà Baerbock, ông Barrot, lại được mời bắt tay.
Trong cuộc gặp với ông al-Sharaa, hai vị Ngoại trưởng đã nêu vấn đề về quyền phụ nữ ở nước này và nhận được sự thừa nhận “từ chính quyền mới của Syria rằng sẽ có sự tham gia rộng rãi - đặc biệt là của phụ nữ - trong quá trình chuyển đổi chính trị”, ông Barrot nói trong một bài đăng trên X.
Sự cố ngoại giao mà bà Baerbock gặp phải gợi nhớ đến vụ "Sofagate" năm 2021, khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bị từ chối ghế lãnh đạo trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ngồi ghế danh dự.
Mặc dù vụ việc của bà Baerbock không gây tranh cãi như vụ việc trên nhưng nó vẫn cho thấy sự phức tạp trong ngoại giao giữa EU và chính quyền mới tại Syria.
Các nhóm phiến quân do các chiến binh thánh chiến HTS dẫn đầu đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ chống lại chính phủ của cựu Tổng thống Bashar al-Assad vào tháng 11 năm ngoái. Cuộc tấn công đã dẫn tới sự sụp đổ của quân đội Syria chỉ trong vài ngày và sự sụp đổ của chính phủ Assad.