Ngoại giao trong chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975: Thành tựu và bài học

Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch quyết chiến chiến lược, kết thúc trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất non sông về một mối. Đó là kết quả của hành trình đấu tranh 21 năm không ngưng nghỉ, trải qua nhiều giai đoạn chiến lược của toàn dân tộc.

Khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc tham gia hợp luyện diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc tham gia hợp luyện diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trong trang sử vô cùng hào hùng, chói lọi đó, ngoại giao đã đồng hành, trưởng thành cùng dân tộc, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi chung.

Ngoại giao, mặt trận có ý nghĩa chiến lược

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 13 (27/01/1967) khẳng định: Đấu tranh ngoại giao không chỉ phản ánh tình hình chiến trường mà còn giữ vai trò quan trọng, chủ động và tích cực. Tiếp đó, Nghị quyết số 188-NQ/TW ngày 10/5/1969 của Bộ Chính trị nhấn mạnh: Ngoại giao là một mặt trận chiến lược có ý nghĩa đặc biệt.

Quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghị quyết, ngoại giao đã tích cực, chủ động đẩy mạnh hoạt động, mở mặt trận đấu tranh, thông tin tuyên truyền sâu rộng trên toàn thế giới về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Cuộc đấu tranh ngoại giao kiên trì, khéo léo, sáng tạo không những làm thất bại thủ đoạn xuyên tạc của địch mà còn làm cho các nước dân chủ, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới hiểu rõ, đồng cảm, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc, nhân dân Việt Nam.

Một sự kiện nổi bật là hành trình đàm phán ký kết Hiệp định Paris (1968-1973), cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử Việt Nam và thế giới. Chúng ta kết hợp chặt chẽ giữa mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, giữa đánh và đàm, giữa đấu tranh trên chiến trường với đấu tranh trên bàn đàm phán. Phát huy cao nhất sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế rộng rãi.

Hiệp định Paris năm 1973 buộc Mỹ phải rút quân trong khi ta vẫn duy trì hoàn toàn lực lượng trên chiến trường, thực hiện mục tiêu chiến lược “đánh cho Mỹ cút”, tạo thế và lực có lợi, tạo bước ngoặt, cục diện chiến lược mới, chuyển sang giai đoạn “đánh cho Ngụy nhào”. Đồng thời, Hiệp định là cơ sở pháp lý góp phần ngăn chặn âm mưu can thiệp trở lại của đế quốc Mỹ.

Hậu phương quốc tế

Điều độc đáo là chúng ta không những xây dựng hậu phương tại chỗ, hậu phương lớn, hậu phương chiến lược của cả nước mà còn sáng tạo “hậu phương quốc tế”. Đó là liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương và sự ủng hộ cả vật chất và tinh thần của các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô, Trung Quốc và sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ.

Những người vẫy cờ Việt Nam bên ngoài Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris, Pháp trong ngày ký kết Hiệp định Paris, 27/1/1973. (Nguồn: Getty Images)

Những người vẫy cờ Việt Nam bên ngoài Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris, Pháp trong ngày ký kết Hiệp định Paris, 27/1/1973. (Nguồn: Getty Images)

Chỉ tính từ năm 1973 đến 1975, Liên Xô viện trợ 654 triệu Ruble, Trung Quốc viện trợ 3.250 triệu Nhân dân tệ (Hậu phương chiến tranh nhân dân Việt Nam, Nxb. QĐND, H.1997, tr.399). Có hơn 10 Ủy ban quốc tế, hơn 200 tổ chức, phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam ở hầu hết các nước. Có trên 50 nước tổ chức phong trào quyên góp ủng hộ Việt Nam. Ngay tại Mỹ, hầu hết các bang có tổ chức chống chiến tranh, 16 công dân tự thiêu để phản đối chiến tranh (Tổng kết tác chiến chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Nxb. QĐND, H.2005, tr. 925).

Có thể nói, nhân loại tiến bộ đã tạo nên mặt trận đoàn kết ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam chống Mỹ, cứu nước, có ý nghĩa như “hậu phương quốc tế”. Sự ủng hộ, giúp đỡ hết sức to lớn, quý báu đó nhờ đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam, đồng thời có sự đóng góp quan trọng của ngoại giao.

Cánh quân thứ sáu

Để bảo đảm việc thực thi Hiệp định Paris, hai miền Việt Nam đã cử hai đoàn cán bộ gần 300 người tham gia Ban Liên hợp quân sự tại trại Davis. Đoàn đại biểu quân sự, những nhà ngoại giao - chiến sĩ là lực lượng đặc biệt, độc đáo, đội quân hợp pháp, công khai, hoạt động trong lòng địch, ngay tại sào huyệt, cơ quan đầu não của ngụy quân, ngụy quyền.

Trong hơn hai năm, đoàn đại biểu quân sự ta đã có gần 1.000 công hàm phản đối, tố cáo Mỹ, Ngụy quyền vi phạm hiệp định; giương cao ngọn cờ hòa bình, chính nghĩa, góp phần phát huy phong trào đấu tranh ngoại giao, tạo tiếng vang lớn, thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế; triệt để cô lập địch, ngăn chặn âm mưu phá hoại Hiệp định Paris.

Các cán bộ ở trại Davis tận dụng thời cơ, thông qua tiếp xúc với nhiều đối tượng, nắm tình hình, âm mưu, thủ đoạn và trạng thái tâm lý, tinh thần của ngụy quân, ngụy quyền; kịp thời thu thập thông tin, báo cáo về Trung ương những đánh giá, dự báo quan trọng. Cùng với nguồn tin từ các kênh khác, ngoại giao góp phần cung cấp thông tin quan trọng để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh hạ quyết tâm, quyết sách, trong đó có kế hoạch chiến lược tổng tiến công giải phóng miền Nam.

Sự bình thản duy trì nhịp sinh hoạt, các cuộc họp, công tác bình thường của đoàn đại biểu quân sự ở trại Davis khiến ngụy quân, ngụy quyền cho rằng đại quân ta chưa có kế hoạch tổng tiến công vào Sài Gòn, có thể thông qua tiếp xúc để thương lượng - một đòn nghi binh chiến lược, góp phần tạo thế bí mật, bất ngờ.

Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh xác nhận, trại Davis là đơn vị trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Cùng với hoạt động của các cơ quan, tổ chức ngoại giao trong và ngoài nước, đoàn đại biểu quân sự ta là mũi tiến công đặc sắc, độc đáo, là “cánh quân thứ sáu”, cùng với năm cánh quân hình thành các hướng tiến công chiến lược về Sài Gòn, tạo thế áp đảo.

Một hoạt động của đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Trại Davis. (Ảnh tư liệu)

Một hoạt động của đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Trại Davis. (Ảnh tư liệu)

Với thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 20/4/2012, hai đoàn đại biểu quân sự được trạo tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trại Davis được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, biểu tượng độc đáo của mặt trận đấu tranh ngoại giao.

Thành tựu và bài học

Những sự kiện, phân tích trên khẳng định, mặt trận đấu tranh ngoại giao chủ động triển khai chiến lược ngoại giao đúng đắn, đúng thời điểm, mở ra kênh đàm phán, thực hiện vừa đánh, vừa đàm, thể hiện thiện chí hòa bình của Việt Nam, được quốc tế ủng hộ, gây mâu thuẫn giữa Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Mặt trận ngoại giao luôn kết hợp chặt chẽ với mặt trận chính trị, quân sự; tạo sức mạnh cộng hưởng to lớn cho thắng lợi chính trị; trực tiếp góp phần vào thắng lợi trên chiến trường.

Hoạt động ngoại giao trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung, chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975 nói riêng, nổi lên những bài học:

Thứ nhất, quán triệt sâu sắc và tích cực, chủ động tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng trong thực tiễn chiến tranh là nhân tố quyết định thành công của ngoại giao.

Thứ hai, kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa đấu tranh ngoại giao với đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự theo một chiến lược thống nhất; luôn hỗ trợ, bổ sung và phát huy cao nhất hiệu quả của từng mặt trận.

Thứ ba, luôn kiên định nguyên tắc, linh hoạt về sách lược phù hợp với điều kiện cụ thể, thực hiện “dĩ bất biến, ứng vạn biến” là phương châm chỉ đạo xuyên suốt của ngoại giao.

Thứ tư, ngoại giao đồng hành, trưởng thành cùng dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức, bám sát thực tiễn, nhiệm vụ cách mạng, chủ động, tích cực, sáng tạo, tìm cách đóng góp thiết thực, hiệu quả nhất vào thắng lợi chung.

Thứ năm, cùng với tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, xây dựng mặt trận đoàn kết quốc tế rộng rãi, tham gia phát hiện xu thế, dự báo, đánh giá đúng tình hình, đối tác, đối tượng là thế mạnh, đóng góp quan trọng của ngoại giao.

***

Năm mươi năm trôi qua, nhưng vai trò, đóng góp của ngoại giao mãi ghi dấu trong lòng dân tộc, nhân dân. Đó là truyền thống, là sức mạnh của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, là hành trang để ngoại giao cùng đất nước, dân tộc bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Càng tự hào về lịch sử, chúng ta càng tin tưởng ngoại giao sẽ thực hiện tốt sứ mệnh, vươn mình, thu hút nguồn lực bên ngoài, định vị tốt quốc gia trên trường quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc; xứng đáng là đội quân tiên phong, cùng với quốc phòng, an ninh thực hiện nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.

TS. Vũ Đăng Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-trong-chien-thang-lich-su-mua-xuan-1975-thanh-tuu-va-bai-hoc-312335.html
Zalo