Ngoại giao nhân dân của nữ Trung tướng ngành Y

Dù là khi làm chính ủy của Bệnh viện 108, hay là sau này đảm nhiệm thêm công việc ngoại giao, nữ Trung tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam Lê Thu Hà vẫn giữ nguyên quan điểm 'mềm như nước mà cũng mạnh như nước' khi làm việc.

Ngoại giao nhân dân

Trung tướng Lê Thu Hà từng có quãng thời gian 5 năm học làm phó tiến sĩ y khoa tại Bulgaria.

Cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Bulgaria lúc này đang trải qua một trận khủng hoảng trên diện rộng cả về kinh tế, chính trị và xã hội. Mặc dù không được tận hưởng những sự sung túc về vật chất như nhiều lứa du học sinh trước đó, ấn tượng về xứ sở hoa hồng của bà Hà vẫn tràn đầy ấm áp và hào hiệp.

Trung tướng Lê Thu Hà với các nữ quân nhân BV 108.

Trung tướng Lê Thu Hà với các nữ quân nhân BV 108.

Đó cũng là lý do, khi về hưu được đề nghị làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Bulgaria TP Hà Nội bà Hà đã cố gắng nhận lời dù cùng thời điểm bà vẫn phải đảm nhận công việc chuyên môn của nhiều hội, nhóm khác.

Năm năm kể từ khi nhận nhiệm vụ này, Hội Hữu nghị Việt Nam - Bulgaria TP Hà Nội do bà Hà cầm trịch đã góp phần bắc những nhịp cầu nối tình hữu nghị bền chắc giữa nhân dân hai nước. Đơn cử, vào năm ngoái, khi cùng trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn ĐHQG Hà Nội tham gia giới thiệu dự án từ điển Việt - Bulgaria phiên bản 2, Hội đã tổ chức một cuộc tiếp đón gây được ấn tượng sâu sắc cho các thầy, cô giáo từng là người dạy tiếng Bulgaria cho rất nhiều thế hệ du học sinh người Việt.

“Chúng tôi quyết định làm một chương trình tên là “Trở về miền ký ức” và mời các thầy cô đến dự. Có cô giáo rớm nước mắt kể rằng, khi bà đến Việt Nam những năm 80 sau chiến tranh, xuống sân bay thấy cả thế giới tràn ngập một màu đen, của nghèo khó, của thiếu thốn. Phụ nữ Việt thời điểm ấy toàn mặc quần đen, mặt mũi ai cũng khắc khổ, tất bật. Ấn tượng sâu đậm đến nỗi lần trở lại này, bà giáo người Bun còn đang lo phải tìm một cái quần đen để mặc cho khỏi lạc thời. Nhưng những gì bà chứng kiến tại Việt Nam hôm nay là những điều mà bà không tưởng tượng nổi. Nhóm thầy cô giáo được chúng tôi đưa đi nhiều nơi, đến các thành phố, thăm các làng nghề… và càng đi họ càng xót xa. Bởi vì, chỉ sau mấy chục năm, Việt Nam từ hậu chiến nghèo khổ và lạc hậu thì bây giờ như “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, còn đất nước thịnh vượng của họ hiện vẫn đang loay hoay chưa qua khỏi cơn sang chấn Đổi mới. Nhiều người đã tự lên kế hoạch trở lại Việt Nam với tư cách cá nhân. Câu chuyện về Việt Nam của họ được đưa lên mạng, lên youtube chuyển về Bulgaria gây nên một hiệu ứng truyền thông vô cùng tốt. Nhiều đoàn khách của Bulgaria sau đó đã sang Việt Nam, trong đó có những nhà báo. Họ gọi Việt Nam là một sự thay đổi thần kỳ”. Bà Hà kể.

Nhiều năm làm chính ủy của Viện 108, Trung tướng Lê Thu Hà hiểu rõ sức mạnh của những câu chuyện từ trái tim đến trái tim. Và Hội Hữu nghị Việt Nam - Bulgaria TP Hà Nội đã luôn hoạt động theo phương châm này. Trong thời kỳ dịch Covid bùng phát, một số du học sinh của Bulgaria sang Việt Nam học vì không đủ tiền đóng cách ly, qua những thông tin lan truyền trên mạng xã hội, đã tìm đến Hội Hữu nghị Việt Nam - Bulgaria TP Hà Nội nhờ trợ giúp. Những cựu du học sinh người Việt trong một thời gian rất ngắn đã đặt khách sạn, tiếp tế thuốc men, lương thực, thậm chí cung cấp cả sim điện thoại cho các du học sinh người Bulgaria. Về sau, nhóm có hoạt động gì, ở Hạ Long, Hải Phòng, Bắc Ninh… cũng đều mở rộng cửa để các học sinh này tham gia.

“Về nước, nhóm học sinh tự dựng lại những điệu múa quạt đã được xem ở Việt Nam, biểu diễn cho người trong nước xem, rồi quay thành video gửi lại sang bên này. Nhiều người Việt xem được rất ngạc nhiên vì trước nay chỉ có mình học múa của họ, chứ chưa từng có chuyện ngược lại. Có người sau đó đã nhận xét, đây chính là sức mạnh của ngoại giao nhân dân”, Trung tướng Lê Thu Hà chia sẻ.

Trong năm năm bà Hà làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Bulgaria TP Hà Nội, năm nào Hội cũng nhận được bằng khen của Thành phố, của Liên hiệp Hữu nghị Hà Nội. Đầu tháng 1 vừa rồi, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Rossen Dimitrov Jeliazkov đã trao Kỷ niệm chương của Quốc hội Bulgaria tặng 6 cá nhân Việt Nam góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa nhân dân hai nước. Trung tướng Lê Thu Hà là một trong sáu cá nhân xuất sắc ấy.

Trung tướng Lê Thu Hà thăm bệnh viện Bulgaria

Trung tướng Lê Thu Hà thăm bệnh viện Bulgaria

Nữ trung tướng đầu tiên của quân đội

Tính đến thời điểm này, PGS.TS.BS Lê Thu Hà là nữ quân nhân đầu tiên và duy nhất được phong quân hàm Trung tướng. Nhắc đến những thành tựu y khoa của bà, người ta thường nhắc đến kỹ thuật lọc màng bụng tại nhà cho những bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối.

Trong bối cảnh y tế Việt Nam ở thời điểm đầu những năm 2000, hầu hết các bệnh nhân suy thận chỉ có duy nhất một lựa chọn là lọc máu nội trú tại bệnh viện, còn một biện pháp khác là thay thận nhưng cách này không dành cho số đông. Thời đó cả nước chỉ có vài bệnh viện là có kỹ thuật lọc máu. Có những quân nhân đơn vị, nhà ở xa, do vậy phải sống trong bệnh viện, gắn liền với phòng lọc máu. Mong ước lớn nhất của họ là được về nhà, được tiếp tục làm việc, có cuộc sống bình thường. Nhưng điều đơn giản này lại là bất khả thi.

Nhận thức được những hạn chế của phương pháp lọc máu truyền thống, đại tá Lê Thu Hà lúc đó cùng các cộng sự đã ấp ủ ý tưởng nghiên cứu ứng dụng một phương pháp điều trị thay thế hiệu quả và tiện lợi, nhân văn hơn cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Phương pháp này thế giới đã làm nhưng ở Việt Nam là mới mẻ.

Trong hai năm bà và các cộng sự đã nghiên cứu trong tư thế như đang làm cách mạng. Ngay các đồng nghiệp cũng không có nhiều người ủng hộ: phương pháp lọc máu cho bệnh nhân suy thận mà các viện đang áp dụng thật ra đơn giản hơn nhiều so với việc hướng dẫn bệnh nhân lọc màng bụng ở nhà. Ngoài việc phải huấn luyện đào tạo, hướng dẫn bệnh nhân lọc màng bụng, y bác sĩ còn phải đến từng nhà kiểm tra, theo dõi xem bệnh nhân có bị tai biến gì không, rồi cấp dịch hằng tháng...

Ưu điểm vượt trội của phương pháp này là bệnh nhân có thể tự thực hiện lọc màng bụng tại nhà, không cần đến bệnh viện thường xuyên. Ngoài việc được chủ động trong điều trị, họ còn có thể sống cùng gia đình và trở lại với công việc. Về sau, kỹ thuật lọc màng bụng tại nhà được áp dụng rộng rãi tại nhiều bệnh viện trên toàn quốc, giúp ích cho hàng trăm bệnh nhân suy thận. Từ thành công của đề tài này, năm 2011 bà Lê Thu Hà và các cộng sự đã được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao giải thưởng “Phụ nữ sáng tạo”.

Trung tướng Lê Thu Hà tốt nghiệp bác sĩ Học viện Quân y với điểm trung bình cao nhất toàn khóa.

Năm 2007, bà được phong Phó Giáo sư. Năm 2009, bà được phong hàm Thiếu tướng và phong Trung tướng năm 2014.

Cha của Trung tướng Lê Thu Hà là Trung tướng Lê Hai, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Chồng của bà cũng là một vị tướng - thiếu tướng Vũ Huy Nùng, nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân y. Mẹ bà là bác sĩ Mạc Thị Phúc (nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Tim mạch bệnh viện Trung ương quân đội 108).

Hạnh Đỗ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ngoai-giao-nhan-dan-cua-nu-trung-tuong-nganh-y-post1668043.tpo
Zalo