Ngộ độc thực phẩm - Nỗi ám ảnh của dân du lịch

Để bảo đảm một chuyến đi an toàn và trọn vẹn, du khách cần đặc biệt lưu ý đến quy trình chế biến và bảo quản thực phẩm tại các địa điểm ăn uống.

Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi ta ăn phải thực phẩm bị nhiễm bẩn hoặc chưa được nấu chín, thường do vi khuẩn và các độc tố do chúng sản sinh, nhưng thỉnh thoảng cũng có thể là do vi-rút hoặc ký sinh trùng nguyên sinh. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện tại bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình chế biến, xử lý và phục vụ bữa ăn.

Khi các thành viên trong đoàn cùng bị ốm sau khi ăn, đó thường là bằng chứng của ngộ độc thực phẩm. Các triệu chứng điển hình là tiêu chảy và nôn mửa, đôi khi kèm theo sốt, ớn lạnh và đau bụng. Tùy thuộc vào thể trạng cũng như loại độc tố vi khuẩn, triệu chứng ngộ độc thực phẩm của một người có thể kéo dài từ vài giờ đến hơn 24 giờ.

Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong chuyến du lịch của bạn. Ảnh: Getty Images.

Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong chuyến du lịch của bạn. Ảnh: Getty Images.

Đặc biệt nguy hiểm nếu cơ thể bị nhiễm loại khuẩn Salmonella chuyên gây ra các bệnh nhiễm trùng đường ruột. Khi xâm nhập vào cơ thể thông qua thực phẩm hoặc nước uống bị ô nhiễm, Salmonella có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, từ các triệu chứng nhẹ như tiêu chảy, đau bụng, sốt và nôn mửa, thường kéo dài vài ngày, đến các biến chứng nghiêm trọng hơn. Đặc biệt ở trẻ em, người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu, nhiễm trùng Salmonella có thể gây mất nước nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Những loại thức ăn nào nên tránh khi đi du lịch?

Hãy ưu tiên ăn các loại thực phẩm đã được nấu chín kỹ và vẫn còn nóng. Tránh ăn hải sản sống như hàu, tôm... hoặc các loại gỏi cá hay thịt sống được chế biến bằng phương pháp "tái chanh" (dùng axít trong chanh để làm chín thức ăn).

Cũng cần lưu ý khi du lịch đến những vùng có nguồn nước sinh hoạt không bảo đảm an toàn. Khi đó, hãy hạn chế ăn trái cây hoặc các loại sa-lát rau củ vì chúng có thể đã được rửa qua bằng nguồn nước này.

Đồng thời, hãy cảnh giác với những viên đá lạnh. Nếu đá được làm từ nước bị ô nhiễm thì chúng không an toàn. Nếu bạn thấy không an tâm với đồ uống có đá, hãy dùng nước uống đóng chai từ tủ lạnh.

Nguyên tắc "ăn chín, uống sôi" có thể giúp bạn tránh được việc bị ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, các buổi tiệc buffet thường ít chú trọng nguyên tắc này. Trong tiệc buffet, thức ăn sau khi chế biến thường được bày biện trên bàn tiệc trong một khoảng thời gian dài để phục vụ thực khách. Việc tiếp xúc lâu với nhiệt độ phòng tiệc có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn gây ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là với các loại hải sản vốn dễ bị ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách.

Ưu tiên ăn các loại thực phẩm được nấu chín kỹ để tránh bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Pexels.

Ưu tiên ăn các loại thực phẩm được nấu chín kỹ để tránh bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Pexels.

Có cần tiêm phòng trước khi đi du lịch?

Mặc dù không trực tiếp gây ra ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh liên quan đến đường ruột, nhưng vi-rút gây viêm gan A (Hepatitis A virus – HAV) thường gây ra các triệu chứng liên quan đến tiêu hóa.

Khi một người nhiễm vi-rút viêm gan A, vi-rút này sẽ tấn công và gây viêm gan. Tuy nhiên, các triệu chứng ban đầu và thường gặp nhất của bệnh viêm gan A lại là các triệu chứng tiêu hóa, bao gồm: buồn nôn và nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy (ít gặp) và chán ăn. Sau giai đoạn này, cơ thể người bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm gan như vàng da, vàng mắt.

Vì vậy, du khách đều được khuyên nên tiêm phòng vắc-xin viêm gan A trước khi đi du lịch. Tại đa số quốc gia phát triển và đang phát triển, việc tiêm vắc-xin viêm gan A lên trẻ nhỏ là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, cũng có vài trường hợp thanh niên lẫn người cao tuổi đều chưa được tiêm phòng loại vắc-xin này.

Cần mang theo gì trong hành trang của bạn?

Trước ngày lên đường, hãy bảo đảm trong hành lý có một bộ thuốc và dụng cụ sơ cấp cứu cơ bản, bao gồm thuốc trị đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, cảm lạnh và một số bông băng y tế, thuốc khử trùng vết thương...

Trong hành lý cần có sẵn bộ dụng cụ y tế để dùng khi cần thiết. Ảnh: Getty Images.

Trong hành lý cần có sẵn bộ dụng cụ y tế để dùng khi cần thiết. Ảnh: Getty Images.

Bạn cũng có thể mang theo sẵn các gói dung dịch bù nước dạng uống. Về cơ bản, đây là một dạng hỗn hợp của đường, muối và kali có thể pha với nước ấm để uống nhằm bổ sung nước và chất điện giải cho cơ thể.

Một số du khách kỹ tính và có tiền sử mắc các chứng bệnh liên quan đến dạ dày hoặc đường ruột có thể liên hệ bác sĩ để mua các loại thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, sự chuẩn bị này không đồng nghĩa với việc bạn có thể xem nhẹ việc tìm kiếm sự trợ giúp y tế khi bị ngộ độc thực phẩm.

Riêng đối với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần chủ động tìm hiểu thông tin các cơ sở y tế tại địa phương nơi gia đình đến du lịch để có sự chủ động khi cần. Mặt khác, cũng cần nắm bắt các triệu chứng dị ứng thức ăn ở trẻ để có hướng xử lý kịp thời. Song song đó, hãy chuẩn bị một danh sách các loại thực phẩm gây dị ứng ở trẻ nhỏ để lưu ý với nhân viên quán ăn.

Cần làm gì nếu có triệu chứng ngộ độc thực phẩm?

Điều tối quan trọng cần làm chính là giữ cho cơ thể luôn đủ nước. Bạn có thể sử dụng các loại nước điện giải trong tập luyện thể thao, hoặc dung dịch bù nước để giúp cơ thể không bị mất nước đến kiệt quệ. Đối với trẻ nhỏ, việc mất nước có thể xảy ra nhanh hơn. Vì vậy, phụ huynh cần nhanh chóng giúp các bé bù nước.

Hãy liên tục theo dõi tình trạng cơ thể. Nếu các đợt nôn mửa và tiêu chảy thường xuyên lặp đi lặp lại, hay tệ hơn, là sốt và đau bụng dữ dội, bạn không nên chần chừ trong việc đến thăm khám cơ sở y tế gần nhất.

Nguyễn Bảo

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/khoe-de-di/ngo-doc-thuc-pham-noi-am-anh-cua-dan-du-lich-c30a94162.html
Zalo