Ngộ độc thực phẩm có chiều hướng tăng

Đầu năm 2023, tình hình ngộ độc thực phẩm trong tỉnh Kiên Giang gia tăng, trong đó có nhiều trường hợp tử vong do ngộ độc rượu và thực phẩm chứa độc tố. Các vụ ngộ độc này một lần nữa cảnh báo người dân không nên sử dụng quá nhiều rượu, nhất là rượu không rõ nguồn gốc và thực phẩm có thể chứa độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kiên Giang, 8 tháng năm 2023, tỉnh ghi nhận 111 trường hợp ngộ độc thực phẩm (năm 2022 tỉnh ghi nhận 61 trường hợp ngộ độc thực phẩm); trong đó có 4 trường hợp tử vong.

Cụ thể: Ngày 12-7, vụ ngộ độc thực phẩm tại huyện Châu Thành không rõ nguyên nhân, nghi ngờ do ăn cá lau kiếng làm bé gái 13 tuổi tử vong. Ngày 19-8, vụ ngộ độc cá nóc tại huyện Kiên Hải làm 3 người mắc, trong đó 1 người tử vong. Cùng ngày 19-8, vụ ngộ độc rượu do hàm lượng methanol vượt giới hạn cho phép tại D7-căn 20 đường số 2, khu đô thị Tây Bắc, phường Vĩnh Quang (TP. Rạch Giá) làm 3 người mắc, trong đó có 2 người tử vong.

Bác sĩ chuyên khoa II Dương Phước Đông - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cho biết: “Sau khi tiếp nhận các trường hợp ngộ độc, y, bác sĩ của khoa nỗ lực cấp cứu tích cực giành sự sống cho bệnh nhân như thở máy, lọc máu liên tục… Tuy nhiên, có những trường hợp ngộ độc nặng, tổn thương nhiều bộ phận không thể hồi phục”. Trước đó, năm 2022 vụ ngộ độc rượu do hàm lượng methanol vượt giới hạn cho phép tại huyện An Biên có 15 người mắc, trong đó 3 người tử vong.

Bệnh nhân ngộ độc rượu do hàm lượng methanol vượt giới hạn cho phép được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.

Bệnh nhân ngộ độc rượu do hàm lượng methanol vượt giới hạn cho phép được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kiên Giang Đặng Văn Bình, tình trạng ngộ độc rượu ngày càng gia tăng. Bản chất của rượu là điều chế từ ethanol, tạo ra từ quá trình lên men đường hoặc tinh bột được tổng hợp hóa học trong công nghiệp được dùng làm thực phẩm. Ethanol dễ dàng được hấp thu qua đường tiêu hóa. Nếu uống rượu đúng cách có thể mang đến lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu lạm dụng rượu sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe của người uống, thậm chí còn gây ngộ độc, tử vong.

Loại rượu tự pha chế nguy hiểm nhất là loại có chứa methanol. Đây là cồn công nghiệp, hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol. Nếu uống rượu tự pha chế bằng methanol, sau khi uống methanol được hấp thu nhanh, hoàn toàn qua đường tiêu hóa gây ngộ độc nhanh và nặng.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu, đồng chí Đặng Văn Bình khuyến cáo người dân tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu tự pha chế, đặc biệt rượu pha chế từ cồn công nghiệp (methanol); không uống rượu khi đói và không uống nhiều. Khi thấy người say rượu cần tìm cách để nạn nhân nôn hết. Đồng thời, cho nạn nhân uống một cốc sữa nóng hoặc trà đặc, cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa) càng lâu càng tốt. Tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái (tránh bị sặc).

Khi đã ngộ độc rượu, mọi người không cố gắng để làm cho nạn nhân nôn mửa vì người đã bị ngộ độc rượu đã bị giảm phản xạ có thể làm sặc chất nôn của chính họ hoặc vô tình hít chất nôn vào phổi, gây ra chấn thương phổi gây tử vong. Nếu người uống rượu có biểu hiện bất thường như co giật, thở không đều, mắt mờ, loạn nhịp tim cần phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay, không tự ý uống thuốc tại nhà.

“Để phòng, chống ngộ độc do độc tố có thể có trong thực phẩm như cá nóc, cá lau kiếng, sò biển, sam biển, nấm dại… người dân không nên đánh bắt, kinh doanh và sử dụng các loại động vật, thực vật độc, lạ có thể gây ngộ độc. Bên cạnh đó, mỗi người cần ăn chín uống sôi, không ăn các món có thịt cá sống hoặc tái, tránh sử dụng chiên, rán dầu mỡ nhiều lần hoặc cháy khét; nên ăn ngay khi vừa nấu xong, thức ăn thừa bảo quản trong tủ lạnh, khi sử dụng phải nấu lại kỹ. Người dân tuyệt đối không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng, có mùi vị lạ, bất thường hoặc bị ôi thiu, nổi nấm mốc...”, đồng chí Đặng Văn Bình khuyến cáo.

Ngộ độc thực phẩm không chỉ gây hại cho sức khỏe mà người bị ngộ độc có thể ảnh hưởng đến tính mạng tùy vào mức độ không đảm bảo vệ sinh của thực phẩm đó. Người bị ngộ độc thực phẩm thường biểu hiện với những triệu chứng lâm sàng như nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng...

Bài và ảnh: VĨ AN

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/y-te/ngo-doc-thuc-pham-co-chieu-huong-tang-16531.html
Zalo