Nghìn năm sau nhớ Lý Thường Kiệt

19 năm, từ năm 1082 đến năm 1101, trấn trị ở vùng đất Châu Ái (Thanh Hóa ngày nay) Lý Thường Kiệt đã có những đóng góp lớn trong việc khai mở, xây dựng đất nước và giữ yên bờ cõi phía Nam lúc bấy giờ mà đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích đáng tự hào.

Cổng chính vào đền Lý Thường Kiệt.

Cổng chính vào đền Lý Thường Kiệt.

Tại sao đền thờ Lý Thường Kiệt cổ nhất lại nằm ở Thanh Hóa, trong khi ông được sinh thành ở Thăng Long - Hà Nội, được vua ban quốc tính, và sự nghiệp hiển hách thường được nhắc tới với chiến công lẫy lừng trên sông Như Nguyệt (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh), làm tới chức Thượng trụ quốc, Thái úy, tước Khai quốc công. Năm 1082, ở vào tuổi 63, Lý Thường Kiệt rời nhiệm vụ tổng chỉ huy quân đội nhà Lý, từ chức Thái úy, hăng hái tự nguyện vào trấn thủ Thanh Hóa, để xây dựng và bảo vệ bờ cõi phía Nam Tổ quốc bấy giờ.

Ở Thanh Hóa, tổng trấn Lý Thường Kiệt đã chọn làng Ngọ Xá (nay là xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung) để xây dựng Lương Mục Đường làm nơi ở và làm việc. Sau đó không lâu, từ năm 1085 đến 1089, Lý Thường Kiệt cho xây dựng chùa Linh Xứng tọa lạc trên núi Ngưỡng Sơn.

Theo nội dung văn bia chùa Linh Xứng được đại sư Thích Pháp Bảo soạn năm 1126 trong “Thơ văn Lý Trần”, do GS. Huệ Chi dịch, Thái úy Lý Thường Kiệt cho rằng: “Cái mà kẻ trí người nhân ưa thích là núi, là sông; cái mà thế đại lưu truyền là danh, là đạo. Nếu mở núi mà làm cho “đạo” và “danh” rạng rỡ thì không đáng quý hay sao?”. Chùa Linh Xứng trở thành ngôi chùa cổ nhất khai sáng đạo Phật cho xứ Thanh và bia chùa Linh Xứng cũng là tấm bia quý hiếm thuộc loại cổ còn lưu lại đến ngày nay. Từ văn bia này, hậu thế đã được nhìn thấy cả một pho lịch sử cách đây gần một ngàn năm, đặc biệt là tấm lòng, tầm nhìn và công tích của danh nhân Lý Thường Kiệt.

Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, người dân đã góp công, góp của để xây dựng một ngôi đền mới rộng rãi, khang trang hơn, theo kiến trúc nhà 5 gian, 2 chái.

Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, người dân đã góp công, góp của để xây dựng một ngôi đền mới rộng rãi, khang trang hơn, theo kiến trúc nhà 5 gian, 2 chái.

Đánh giá về Lý Thường Kiệt, dựa trên các tư liệu lịch sử, các nhà nghiên cứu đã khẳng định, ông là người mộ đạo Phật. Ngoài việc xây dựng, ông còn đóng góp trong việc trùng tu cổ tự, trung hưng Phật giáo. Chùa Hương Nghiêm giáp Bối Lý (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa ngày nay) được xây dựng từ thời nhà Đinh, đến thời Tiền Lê, “vua Lê Đại Hành đi tuần du đến Giang Ngũ huyện, thấy chùa chiền đã đổ nát, liền cho xây đắp tu bổ lại. Rồi tiếp đến vua Thái Tông nhà Lý đi tuần phương Nam, tới Ái Châu, ghé thăm cảnh chùa, thấy cột kèo đã gãy hỏng, cũng bỏ sức trùng tu... Đến năm Đinh Mão (1087), chùa Hương Nghiêm lại bị hư hỏng, Lưu công trình đề xuất tu bổ chùa lên Thái úy Lý Thường Kiệt. Lý Thường Kiệt đã cho sắm sửa gỗ lạt, khởi công sửa chữa".

Văn bia chùa Linh Xứng, cũng có ghi: “Thái úy biết dân lấy no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc cho nên không để lỡ thời vụ”. Việc quan tâm đến nông vụ của một tổng trấn cho thấy tầm nhìn trong sự cai quản của ông. Ngoài ra, ông thân chinh đến giáp Bối Lý xử lý vụ tranh chấp ruộng đất. Bên cạnh đó, ông còn đốc suất thuộc hạ tìm ra nguồn đá quý ở núi Nhồi, tạo điều kiện phát triển nghề đá thủ công ở Thanh Hóa và là người góp phần mở mang, phát triển nghề đục đá. Ông trực tiếp chỉ huy việc đào vét kênh nhà Lê (kênh Đồng Cổ đào thời Lê Hoàn) để nối sông Mã với sông Lương ở địa bàn xã Yên Trung (Yên Định ngày nay) và cho lập ra trang A Đô ở thời kỳ này. Nhờ vào lòng đức độ, sự khoan dung, sáng suốt của Lý Thường Kiệt, người dân không chỉ được hưởng nhiều lợi ích trên nhiều lĩnh vực khác nhau mà còn đẩy mạnh sản xuất, xây dựng đất nước.

Đánh giá về đức nghiệp của Lý Thường Kiệt, vị Hải Chiếu đại sư Pháp Bảo - một người làm việc dưới quyền ông trong những năm ông làm trấn thủ Châu Ái viết: “Giúp chính sự cho ba triều, dẹp yên loạn biên tái, chỉ khoảng vài năm mà tám phương yên lặng, công thật to lớn".

Làm việc ở Châu Ái 19 năm trời, đến năm 1101, vua Lý Nhân Tông mời ông trở về triều giữ lại chức Tể tướng. Lúc này ông đã 82 tuổi. Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn tình nguyện cầm quân đi đánh giặc Lý Giác ở Diễn Châu (năm 1103), dẹp giặc Chiêm Thành quấy nhiễu ở Bố Chính (năm 1104). Ông còn tổ chức lại quân đội, duyệt đổi lại các đơn vị từ cấm binh đến dân quân.

Ông mất năm 1105, thọ 86 tuổi. Khi mất được phong tặng Kiểm hiệu Thái úy bình chương quân quốc trọng sự, Việt quốc công, được lập đền thờ ở nhiều nơi.

Về xã Hà Ngọc (Hà Trung) vào những ngày xuân này, chúng tôi đến Di tích quốc gia đền thờ Lý Thường Kiệt - tọa lạc trên diện tích rộng lớn, hướng ra sông Lèn, xưa kia nằm giáp bên ngôi chùa lớn nhất trong vùng có tên là Linh Xứng tự. Kiến trúc gian chính ngôi đền gồm 5 gian 2 chái, mái lợp ngói âm dương, cột kèo và các “vì” được chạm khắc tinh xảo với các họa tiết hoa văn về các linh vật và cây cỏ thiên nhiên. Từ tên gọi ban đầu là miếu Ngưỡng Sơn, sau này là đền Ngưỡng Sơn - đền Lý Thái úy - đền Lý Đại vương... qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo song đền còn giữ được nhiều hiện vật cổ. Người dân vẫn truyền nhau những câu chuyện về tính thiêng của ngôi đền này. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là “địa đầu sóng gió” của Thanh Hóa, là huyết mạch giao thông tiếp tế vận chuyển vào mặt trận phía Nam, nhưng riêng đền thờ này vẫn không bị bom Mỹ dội...

Văn bia chùa Linh Xứng ghi chép công lao Lý Thường Kiệt trong 19 năm trấn trị ở Thanh Hóa được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Văn bia chùa Linh Xứng ghi chép công lao Lý Thường Kiệt trong 19 năm trấn trị ở Thanh Hóa được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Trong cuộc đời quan lộ của mình, Lý Thường Kiệt đã trải qua 3 đời vua: Lý Thái Tông (1028-1054), Lý Thánh Tông (1054-1072) và Lý Nhân Tông (1072-1127). Lý Thường Kiệt là một nhà quân sự kiệt xuất, có tài thao lược lỗi lạc, phá Tống bình Chiêm, đánh đâu thắng đấy. Ông cũng là một nhà chính trị tài giỏi và ngoại giao kiệt xuất. Lý Thường Kiệt là một nhân cách lớn, một anh hùng dân tộc bậc nhất của đời Lý mà tên tuổi và sự nghiệp mãi sáng chói trong lịch sử vinh quang của dân tộc. Công lao của ông đã được khắc ghi trên văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn do học giả Nhữ Bá Sĩ soạn vào năm 1860, đồng thời các triều đại phong kiến về sau đã truy tặng Lý Thái úy đến 258 mỹ tự (chữ vàng).

Ông Trần Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Ngọc, cho biết: "Trên địa bàn xã, ngoài đền Chầu Đệ tứ (hay còn gọi là đền Cây Thị) tọa lạc tại khu vực danh lam thắng cảnh của dãy núi Chung Chinh thì đền thờ Lý Thường Kiệt ở ngay núi Ngưỡng Sơn đã cho thấy tiềm năng kết nối du lịch tâm linh. Hiện, xã đang hoàn tất khâu chuẩn bị cho các hoạt động phục vụ lễ hội đền thờ Lý Thường Kiệt sẽ diễn ra ngày 25 tháng Giêng".

Những mảnh ghép đời thường có thể che mờ đi những chiến công của một vị tướng, song với Thái úy Lý Thường Kiệt, công lao của ông, tinh thần anh dũng của ông, đạo đức và tài năng của ông đã góp phần bảo vệ và xây dựng vương triều Lý hiển hách trong lịch sử dân tộc. Khoảng lùi của lịch sử giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về một con người, một vương triều.

Bài và ảnh: HUYỀN CHI

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nghin-nam-sau-nho-ly-thuong-kiet-35548.htm
Zalo