Nghiên cứu, vận dụng những bài học quý trong giai đoạn mới
Hội thảo khoa học 'Quân khu 4-Tiền tuyến kiên cường, hậu phương vững chắc' do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Bộ tư lệnh Quân khu 4 tổ chức ngày 3-4 đã nhận được gần 50 tham luận của thủ trưởng Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Quân khu 4; các anh hùng, tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nhân chứng lịch sử. Báo QĐND tiếp tục trích đăng một số tham luận.
Đồng chí NGUYỄN DOÃN ANH, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa:
Phát huy tinh thần xây dựng hậu phương và chi viện tiền tuyến
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân tỉnh Thanh Hóa đã giương cao ngọn cờ "quyết chiến, quyết thắng", trở thành hậu phương lớn của chiến trường miền Nam. Các phong trào nổi bật như “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Tiếng hát át tiếng bom”, “Hòn đá chống Mỹ”, “Ba giỏi” đã lan tỏa khắp các vùng miền. Nhiều mô hình điển hình như hợp tác xã Đông Phương Hồng, Xuân Thành, Yên Trường, Định Công đã được nhân rộng trên toàn miền Bắc.
Dù phải đối mặt với bom đạn giặc ngày đêm tàn phá, người dân Thanh Hóa vẫn kiên cường sản xuất, dỡ nhà làm cầu, lấy đá lát đường, cứu chữa phương tiện bị máy bay địch bắn phá. Các đoàn vận tải thuyền nan, xe đạp thồ và cơ giới trong gần 10 năm đã vận chuyển 15 triệu tấn hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Khoảng 250.000 thanh niên ưu tú lên đường nhập ngũ và gia nhập thanh niên xung phong.
Tỉnh Thanh Hóa cũng có gần 57.000 người con hy sinh và hơn 32.000 người mất đi một phần thân thể. Cầu Hàm Rồng, biểu tượng của chiến thắng và lòng kiên trung, đã trở thành huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa luôn đoàn kết, tích cực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Các đại biểu dự Hội thảo khoa học "Quân khu 4 - Tiền tuyến kiên cường, hậu phương vững chắc". Ảnh: TUẤN HUY
Phát huy tinh thần xây dựng hậu phương và chi viện tiền tuyến, trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực phấn đấu, đạt được bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng liên tục, đặc biệt từ năm 2010 đến nay, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 10,3%/năm, giai đoạn 2021-2024 ước đạt 10,06%, đứng thứ 4 cả nước. Quy mô GRDP năm 2024 của tỉnh ước đạt 316.995 tỷ đồng, cao nhất trong các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ...
----------
Đồng chí LÊ NGỌC QUANG, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình:
Quân dân Quảng Bình “ăn cơm bờ Bắc, đánh giặc bờ Nam”
Mặc dù cuộc sống trong thời chiến hết sức vất vả, khó khăn và thiếu thốn nhưng nhân dân Quảng Bình luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn để có nhiều đóng góp cho kháng chiến. Thực hiện lệnh tổng động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 7-1966), tỉnh Quảng Bình đã đưa 2.321 cán bộ, chiến sĩ ra mặt trận, 1.700 thanh niên xung phong và 621 nam, nữ thanh niên tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường, nhất là Mặt trận Trị-Thiên ruột thịt.
Liên tục trong các năm 1970, 1971 và 1972, các đơn vị LLVT tỉnh Quảng Bình thực hiện phương châm “ăn cơm bờ Bắc, đánh giặc bờ Nam”, tổ chức nhiều đợt chi viện cho quân ta đánh địch có hiệu quả. Đảng bộ tỉnh cũng đã phát động quân và dân thực hiện khẩu hiệu “Trút gạo trong nồi cho Trị-Thiên đánh Mỹ”, lấy khoai, sắn thay cơm, dành hơn 2.600 tấn gạo để chi viện cho chiến trường Trị-Thiên.
Thực tiễn xây dựng hậu phương, chi viện tiền tuyến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã để lại cho Quảng Bình nhiều bài học kinh nghiệm quý. Đó là bài học trong quán triệt chủ trương của Đảng về thực hiện nhiệm vụ hậu phương phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt của Quảng Bình; bài học về kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng hậu phương và chi viện cho tiền tuyến; bài học về tinh thần đoàn kết giữa quân và dân, giữa các tầng lớp xã hội để tạo ra một hậu phương vững mạnh, sẵn sàng hỗ trợ mọi nhu cầu của tiền tuyến; bài học về sự sáng tạo khi đối mặt với khó khăn, thử thách, dù phải đối mặt với sự tàn phá của bom đạn, Quảng Bình vẫn tìm cách khôi phục, xây dựng lại cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và tiếp tế...
Có thể nói, Quảng Bình đã trở thành một hình mẫu về sự kết hợp giữa xây dựng hậu phương vững chắc và chi viện cho tiền tuyến. Đây là vấn đề có tính chiến lược, hết sức quan trọng, cần tiếp tục vận dụng, phát huy trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
----------
Thiếu tướng BÙI ĐỨC HIỀN, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân:
Cơ động chiến đấu bảo vệ giao thông vận tải ở Quân khu 4
Để bảo đảm giao thông vận tải của quân và dân trên "tuyến lửa" Quân khu 4, góp phần cùng cả nước đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bộ tư lệnh Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã điều chỉnh lực lượng, bố trí đội hình trên toàn miền Bắc, đồng thời cơ động lực lượng cùng với các đơn vị pháo cao xạ của các đơn vị bộ binh tham gia chiến dịch bảo vệ giao thông vận tải trên địa bàn Quân khu 4.
Trong 8 năm chiến đấu bảo vệ giao thông vận tải chiến lược trên địa bàn Quân khu 4 (từ ngày 7-2-1965 đến 27-1-1973), cán bộ, chiến sĩ Quân chủng PK-KQ đã bắn rơi 2.629 máy bay Mỹ, hoàn thành tốt cả 3 nhiệm vụ tác chiến chiến lược là bảo vệ yếu địa, bảo vệ giao thông vận tải và tác chiến trong đội hình binh chủng hợp thành; góp phần quan trọng vào chiến công chung của quân và dân Quân khu 4 cũng như cả nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Chiến thắng của lực lượng PK-KQ trong chiến đấu bảo vệ giao thông vận tải chiến lược trên địa bàn Quân khu 4 một lần nữa khẳng định nghệ thuật tác chiến chiến dịch trong chiến tranh hiện đại của Quân đội ta nói chung, nghệ thuật tác chiến phòng không trong tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng của Quân chủng PK-KQ nói riêng trong chiến đấu bảo vệ giao thông vận tải chiến lược quy mô lớn.
Nghệ thuật tác chiến cùng những bài học kinh nghiệm quý giá rút ra từ đó, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong điều kiện mới, để lực lượng PK-KQ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc, bảo vệ những mục tiêu, địa bàn chiến lược trước sự đánh phá của không quân đối phương khi có tình huống chiến tranh xâm lược nước ta.
----------
Thiếu tướng LÊ HỒNG NHÂN, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4:
Quân dân Khu 4 đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ
Khi chiến lược Chiến tranh đặc biệt có nguy cơ bị thất bại hoàn toàn, đế quốc Mỹ đã quyết định dùng không quân và hải quân tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc với âm mưu phá hủy tiềm lực kinh tế, quốc phòng ở miền Bắc, chia cắt, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc, đè bẹp ý chí, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của quân và dân ta.
Trong 8 năm tiến hành chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã tập trung hơn nửa số máy bay, hơn 3/4 số máy bay B-52 cùng quá nửa số tàu chiến của chúng đánh phá toàn miền Bắc và địa bàn Quân khu 4, gây cho ta muôn vàn khó khăn, gian khổ và nhiều tổn thất.
Để chủ động đối đầu với cuộc chiến tranh ác liệt, đầy gian khổ đó, Quân khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 4 cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương trong Quân khu đã ra sức củng cố lực lượng, tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, tạo sự nhất trí cao về chính trị, tinh thần; tự tin và quyết tâm đánh thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ xâm lược. Tích cực, chủ động điều chỉnh lực lượng phòng không trên phạm vi toàn Quân khu sẵn sàng đánh địch; tăng cường công tác phòng không nhân dân, tổ chức chặt chẽ hệ thống thông báo, báo động, tích cực xây dựng hầm hào phòng tránh cho các lực lượng và nhân dân, khẩn trương đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Quân khu 4 trở thành chiến trường cực kỳ ác liệt, quân và dân Khu 4 vừa chiến đấu tiêu diệt máy bay địch, bảo vệ nhân dân, bảo vệ địa bàn, vừa bảo đảm giao thông vận tải chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Trong số 4.181 máy bay địch bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc, có 1.897 máy bay đủ các loại đã bị bắn rơi trên địa bàn Khu 4.
----------
Trung tướng, TS NGUYỄN ANH TUẤN, Phó giám đốc Học viện Quốc phòng:
Bài học về xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, địa bàn Quân khu 4 vừa chống chiến tranh phá hoại của địch, vừa chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Quân và dân Quân khu 4 đã góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân 1975, để lại nhiều bài học quý, đặc biệt là về xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân.
Bài học quan trọng trước hết là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, dựa trên Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và truyền thống quân sự dân tộc, là yếu tố quyết định thắng lợi. Nhờ vận dụng linh hoạt chiến tranh nhân dân, Quân khu 4 cùng cả nước đã phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự với chính trị, phá thế bình định của địch, tạo tiền đề cho tổng tiến công giành thắng lợi.
Bài học phát huy sức mạnh toàn dân có vai trò hết sức quan trọng. Thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn Quân khu 4 được tổ chức chặt chẽ, lôi cuốn các tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến. Các phong trào thi đua yêu nước như “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Tay cày, tay súng”... đã động viên toàn dân đánh giặc, tạo sức mạnh tổng hợp cho thắng lợi năm 1975.
Bên cạnh đó, xây dựng LLVT ba thứ quân vững mạnh làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Kết hợp chặt chẽ giữa tiền tuyến với hậu phương, giữa dân tộc với quốc tế. Quân khu 4 không chỉ là hậu phương vững chắc của chiến trường miền Nam mà còn làm nhiệm vụ quốc tế, phối hợp với Lào, Campuchia, góp phần tạo thế trận chung trên toàn chiến trường Đông Dương.
Một bài học quan trọng khác là bảo đảm hậu cần tại chỗ và chi viện chiến trường. Nhân dân Quân khu 4 đã huy động tối đa nguồn lực để bảo đảm hậu cần tại chỗ, đồng thời tổ chức vận chuyển, tiếp tế vũ khí, lương thực cho miền Nam. Hệ thống giao thông quân sự như đường Trường Sơn được duy trì và mở rộng, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng.
----------
PGS, TS CAO VĂN TRỌNG, Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương:
Tầm nhìn chiến lược của Đảng ta
Từ vị trí địa lý, văn hóa, cốt cách riêng có của đất và người Quân khu 4 mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định đúng vị trí, vai trò chiến lược của địa bàn Quân khu 4, chủ trương xây dựng nơi đây trở thành tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đồng thời là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Điểm nổi bật là địa bàn Quân khu 4 được coi là “điểm nối” giữa hai miền Bắc-Nam, giữa Việt Nam với chiến trường Lào với các trục giao thông chính chạy dọc theo hướng Bắc-Nam, xuyên qua địa bàn các tỉnh cùng nhiều mạng đường ngang nối giữa vùng rừng núi miền Tây với vùng trung du đồng bằng ven biển, nối từ địa bàn Quân khu sang vùng Hạ Lào, Nam Lào. Các trục giao thông lớn như Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc-Nam chạy suốt địa bàn, qua rất nhiều sông lớn, cầu, phà, cống ngầm, đèo cao, vực sâu...
Đảng ta đã sớm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hậu phương Quân khu 4 vững mạnh toàn diện. Trong đó, chú trọng xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần làm nền tảng vững chắc trong quá trình chuẩn bị mọi mặt của nhiệm vụ xây dựng hậu phương; xây dựng tiềm lực kinh tế và giao thông vận tải...
Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, bảo vệ vững chắc hậu phương miền Bắc nói chung, Quân khu 4 nói riêng để chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam và chiến trường Lào.
Với tiềm lực của hậu phương chiến lược được xây dựng trong 10 năm hòa bình, được củng cố, xây dựng và bảo vệ vững chắc trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, quân dân Khu 4 với tinh thần cách mạng rất cao đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến. Những đóng góp, chi viện nhiều mặt cho các chiến dịch, nhiều hướng chiến trường của hậu phương Quân khu 4 là liên tục về thời gian, càng về sau càng to lớn, hiệu quả và kịp thời hơn.
----------
Thiếu tướng, PGS, TS HOÀNG VĂN PHAI, Phó giám đốc Học viện Chính trị:
Vận dụng kinh nghiệm công tác Đảng, công tác chính trị vào đào tạo
Công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của LLVT Quân khu 4 đã góp phần quán triệt, thực hiện hiệu quả đường lối chính trị, quân sự của Đảng và hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Hoạt động CTĐ, CTCT được tiến hành với nhiều nội dung và hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả. Cùng với công tác giáo dục chính trị, động viên tư tưởng, nhiều phong trào thi đua yêu nước đã động viên, cổ vũ quân và dân Quân khu 4 tích cực sản xuất, chiến đấu, học tập, công tác, đóng góp sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Học viện Chính trị là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị của Quân đội cần vận dụng bài học kinh nghiệm từ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào công tác đào tạo chính ủy trung, lữ đoàn. Trước hết, cần đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, nâng cao năng lực chủ trì về chính trị cho học viên; tập trung đào tạo, bồi dưỡng toàn diện về lý luận chính trị, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, chỉ huy để học viên tốt nghiệp có thể đảm nhiệm tốt vai trò chính ủy trung, lữ đoàn, thực sự là hạt nhân lãnh đạo chính trị, trung tâm đoàn kết trong cấp ủy, chỉ huy và đơn vị.
Để đạt mục tiêu này, cần tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy, kết hợp lý luận với thực tiễn, học tập với rèn luyện, thực hành. Nội dung giảng dạy phải bám sát thực tiễn, vận dụng linh hoạt các bài học kinh nghiệm trong hoạt động CTĐ, CTCT thời kỳ kháng chiến nói chung, của Quân khu 4 nói riêng vào điều kiện, nhiệm vụ hiện nay.
Đồng thời, cần nâng cao năng lực giảng viên, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chính trị có kinh nghiệm thực tiễn trong huấn luyện, đào tạo. Việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm này vào đào tạo chính ủy trung, lữ đoàn sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chính trị...
----------
Thiếu tướng VŨ VIẾT HOÀNG, Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc:
Bảo đảm thông tin liên lạc trong chống chiến tranh phá hoại
Giai đoạn 1965-1968, trên địa bàn Quân khu 4, Bộ đội Thông tin liên lạc có nhiệm vụ hết sức nặng nề, vừa phải bảo đảm thông tin liên lạc cho chỉ huy đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên một địa bàn địch đánh phá ác liệt, vừa phải bảo đảm thông tin liên lạc cho chỉ huy bảo đảm giao thông vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam, đồng thời bảo đảm cho chỉ huy tác chiến ở Mặt trận Đường số 9-Bắc Quảng Trị.
Bước sang giai đoạn 1969-1972, thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc tập trung khắc phục hậu quả cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, đồng thời tiến hành củng cố, xây dựng, phát triển hệ thống thông tin liên lạc bảo đảm toàn diện, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Năm 1972, địch tập trung lực lượng không quân, hải quân đánh phá trở lại miền Bắc với cường độ rất lớn. Đặc biệt, từ ngày 18 đến 30-12-1972, đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 đánh thẳng vào Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh miền Bắc.
Do có sự chuẩn bị và có kế hoạch tổ chức, sử dụng thông tin liên lạc chu đáo, Bộ đội Thông tin liên lạc đã tổ chức, sử dụng thông tin liên lạc bảo đảm cho các lực lượng phòng không của bộ đội chủ lực hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng phòng không của bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và các đơn vị pháo cao xạ, tên lửa cơ động đánh địch trên các khu vực ở Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Quân khu 4, bảo vệ mục tiêu trọng điểm và các đợt vận chuyển trên các tuyến đường vào chiến trường miền Nam.
Những bài học kinh nghiệm trong bảo đảm thông tin liên lạc cho tác chiến trên địa bàn Quân khu 4 những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã được Bộ đội Thông tin liên lạc đúc rút và kế thừa, phát huy.
----------
Đại tá PHAN ĐẠI NGHĨA, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Nghệ An:
Bảo vệ phà Bến Thủy - kỳ tích trên mặt trận giao thông vận tải
Phà Bến Thủy vượt sông Lam là một trong những điểm trung chuyển hàng hóa phục vụ cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Việc bảo đảm giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhất là ở đoạn phà Bến Thủy trở thành điểm tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch.
Theo thống kê từ năm 1965 đến 1968, trong 2.912 trận oanh kích của máy bay và pháo kích từ biển, phà Bến Thủy đã phải hứng chịu 11.377 quả bom, đạn các loại; đặc biệt, trong 9 tháng của năm 1972, có tới 13.253 quả bom, đạn pháo giội vào khu vực này...
Tính bình quân, mỗi cán bộ, chiến sĩ, công nhân phà Bến Thủy phải gánh chịu 150 quả bom, đạn các loại. Nhưng trong sự ác liệt của chiến tranh, dưới mưa bom, bão đạn, bến phà vẫn đứng vững, hiên ngang bám trụ chiến đấu và chiến thắng, đã đưa hơn 91.909 lượt xe cơ giới chở hàng hóa vào miền Nam và các chiến trường khác để đánh Mỹ-ngụy.
Cuộc đọ sức suốt 8 năm với kẻ thù của tất cả lực lượng bảo vệ, lực lượng tự vệ phà Bến Thủy, lực lượng phòng không... đã diễn ra hết sức quyết liệt. Mỗi con người nơi đây vừa là thủy thủ, vừa là chiến sĩ công binh rà phá bom mìn, vừa là xạ thủ săn máy bay, rồi làm nhiệm vụ y tế, tải thương... Họ thực sự là những người anh hùng trong một tập thể anh hùng.
Đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ ngã xuống vì sự sống còn của phà Bến Thủy, chỉ tính riêng lực lượng tự vệ bến phà đã có tới 26 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 92 đồng chí bị thương. Sự cống hiến, hy sinh của họ đã giữ vững cho bến phà thông suốt. Cuộc chiến đấu khốc liệt suốt nhiều năm liền của lực lượng bảo vệ và vận hành phà Bến Thủy đã lập nên một kỳ tích trên mặt trận giao thông vận tải, góp phần quan trọng vào chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
----------
Đại tá PHAN GIA THUẬN, Chính ủy Cục Hậu cần-Kỹ thuật Quân khu 4:
Lực lượng hậu cần Quân khu 4 tự lực, tự cường, sáng tạo và quyết tâm cao
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân khu 4 là nơi tập trung nhiều mục tiêu quân sự quan trọng của cả hai miền, đồng thời cũng chịu tác động trực tiếp và mạnh mẽ nhất từ chiến tranh phá hoại của Mỹ. Với truyền thống lịch sử, cách mạng và văn hóa, Khu 4 là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, “phên giậu, thành đồng” của cả nước qua các triều đại, là nơi cung cấp nhân tài, vật lực nhiều nhất, lớn nhất cho cuộc kháng chiến.
Trong công tác bảo đảm lương thực, thực phẩm, Quân khu 4 đã tổ chức sản xuất tại chỗ với việc phát triển các vùng lúa, hoa màu, chăn nuôi; vận động nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm; thiết lập hệ thống thu mua, dự trữ và phân phối; xây dựng các “vùng lương thực” ở hậu phương. Phong trào tăng gia sản xuất được đẩy mạnh, hình thành các mô hình vườn rau, ao cá, con gà, hũ gạo, bó củi dự trữ ở từng gia đình.
Đối với công tác bảo đảm quân trang, quân dụng, Quân khu 4 đã tổ chức sản xuất tại các xưởng may, xưởng giày; huy động sản xuất từ các cơ sở dân sự; tiếp nhận và phân phối hàng viện trợ; khuyến khích tái sử dụng, sửa chữa. Ngành quân y Quân khu 4 trong giai đoạn này có sự phát triển mạnh cả về quy mô, lực lượng, cường độ hoạt động. Đáng chú ý, Bệnh viện Quân y 4 từ quy mô 400 giường bệnh đã chuyển thành bệnh viện hậu phương thời chiến có quy mô hơn 500 giường, có lúc 700-800 giường.
Một thành tựu quan trọng khác trong giai đoạn này là việc hoàn thành tuyến đường ống dẫn xăng dầu dài gần 1.000km từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam do Cục Xăng dầu và Bộ tư lệnh 559 thi công, nhiều tuyến đường ống thi công vượt qua địa bàn Quân khu 4.
Nhờ đó, đã cấp phát được gần 7.500 tấn xăng dầu bảo đảm cho hoạt động của tuyến chiến lược. Về công tác bảo đảm kỹ thuật, Quân khu 4 đã thực hiện tốt việc tiếp nhận, bảo quản vũ khí từ miền Bắc và các nước xã hội chủ nghĩa; tổ chức sản xuất vũ khí, đạn dược tại chỗ... cung cấp kịp thời cho các đơn vị chiến đấu ở các chiến trường.
----------
Đồng chí ĐẶNG QUỐC VŨ, Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc:
Phát huy vai trò của "địa chỉ đỏ" trong giáo dục lịch sử, truyền thống
57 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa của Chiến thắng Đồng Lộc vẫn còn nguyên giá trị: Đó là biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân, chiến tranh toàn diện của Đảng; thể hiện ý chí, trí tuệ con người Việt Nam chiến thắng vũ khí tối tân của địch; biểu tượng của ý chí quyết tâm chiến đấu vì hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam...
Để tiếp tục tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ, ban quản lý các khu di tích lịch sử-văn hóa cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng thông qua hành trình đến với "địa chỉ đỏ", đặc biệt là tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, từ đó giúp thế hệ trẻ có nhận thức đúng đắn và đầy đủ, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng xã hội.
Đề nghị các ban, bộ, ngành tăng cường tham mưu, xây dựng những chính sách, các thiết chế cho những "địa chỉ đỏ" trong cả nước để phát huy tốt vai trò trong công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn kinh phí và huy động các nguồn lực xã hội hóa triển khai duy tu, bảo dưỡng các công trình tại khu di tích, chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động trưng bày, triển lãm, giới thiệu để mọi người đến thăm được trải nghiệm một hành trình ấn tượng, hấp dẫn, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống...