Cầu đối thoại đã bắc qua biển thuế

Cuộc điện đàm Việt - Mỹ mở lối thoát giữa sóng gió thuế quan, tái định vị Việt Nam như người kiến tạo cây cầu thương mại bằng bản lĩnh và đối thoại.

Trong bối cảnh những làn sóng bảo hộ thương mại và chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy ở nhiều nơi trên thế giới, một cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã trở thành điểm sáng đáng chú ý. Giữa cơn bão thuế quan, khi Mỹ bất ngờ tuyên bố áp mức thuế lên tới 46% với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, cây cầu đối thoại đã được Việt Nam chủ động bắc qua trước. Đó không chỉ là phản ứng chính trị, mà là bản lĩnh chiến lược.

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump từ Trụ sở Trung ương Đảng tối 4/4. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump từ Trụ sở Trung ương Đảng tối 4/4. Ảnh: TTXVN

Trong lịch sử quan hệ Việt – Mỹ, khoảnh khắc trên cho thấy rõ tinh thần “đối thoại là chiếc cầu ngắn nhất từ khác biệt đến hợp tác”. Không chọn im lặng, không vội phản ứng mạnh, Việt Nam đã chọn tiếng nói của lý trí và thiện chí. Tổng Bí thư Tô Lâm, trong vị thế người đứng đầu Đảng cầm quyền, đã trực tiếp đối thoại với Tổng thống Hoa Kỳ – người đang nắm trong tay các đòn bẩy thương mại có sức nặng toàn cầu. Cuộc điện đàm không chỉ mang ý nghĩa trao đổi, mà là hành động...

Trên nền tảng Truth Social, dòng trạng thái của Tổng thống Donald Trump như một làn gió ấm giữa đại dương thuế quan lạnh giá. Ông gọi cuộc điện đàm là “rất hiệu quả” – không chỉ bằng lời lẽ, mà bằng sắc thái hài lòng lộ rõ: Thẳng thắn nhưng thiện chí, cứng rắn nhưng cởi mở. Đó là kiểu hài lòng của một nguyên thủ đã biết điều gì là cùng có lợi. Bầu không khí đàm thoại ấy giống như khi hai kiến trúc sư đang cùng dựng lại chiếc cầu thương mại tưởng chừng đã rạn nứt.

Tuyên bố từ ông Trump rằng “cuộc điện đàm diễn ra rất hiệu quả” là chỉ dấu đầu tiên cho thấy: Cây cầu ấy đã không chỉ được bắc lên – mà còn bắt đầu có những đoàn xe thiện chí đi qua. Ngay sau phát biểu, cổ phiếu Nike – hãng sản xuất phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ Việt Nam – đã tăng 3%, thị trường chứng khoán có dấu hiệu hồi phục. Một niềm tin đang được nhen lên: Đó là, trong thế giới còn nhiều chia rẽ, Việt Nam vẫn kiên trì giữ vai người kết nối.

Việt Nam đề cập đến khả năng giảm thuế xuống 0% nếu đạt được thỏa thuận công bằng, minh bạch. Đó là thông điệp táo bạo – nhưng có cơ sở – thể hiện tinh thần sẵn sàng tháo gỡ khó khăn trên cơ sở đối đẳng. Không phải sự nhân nhượng, mà là cách thức hành xử của một quốc gia biết mình đang ở đâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và cần phải làm gì để giữ được vị trí đó trong mắt các đối tác lớn.

Trong giải quyết vấn đề này, Chính phủ và Bộ Công Thương đã sớm hành động và bày tỏ quan điểm tháo gỡ phù hợp khi cử đặc phái viên sớm sang Hoa Kỳ trao đổi và hôm nay Chính phủ tiếp tục cử Phó Thủ tướng sang đàm phán, thể hiện quyết tâm tháo gỡ căng thẳng thương mại. Đồng thời, Bộ Công Thương trước đó đã xây dựng và công bố dự thảo Nghị định kiểm soát thương mại chiến lược, tạo hành lang pháp lý cho phát triển thương mại bền vững cân bằng với các nước lớn trong đó có Hoa Kỳ".

Khi thế giới đứng trước nguy cơ phân cực giữa các siêu cường, Việt Nam vẫn kiên định chính sách đối ngoại cân bằng, chủ động và tích cực. Không mơ hồ trước những nguy cơ có thể đẩy mình ra bên lề thương mại quốc tế. Cầu đối thoại với Mỹ lần này – dù bắt nguồn từ một quyết định thuế quan khắc nghiệt – nhưng lại trở thành cơ hội để khẳng định vai trò "quốc gia cầu nối", nơi các bên có thể tìm được tiếng nói chung trong bối cảnh bất định.

Từ năm 1995, khi Việt Nam – Mỹ bình thường hóa quan hệ, đến năm 2023 nâng cấp thành đối tác chiến lược toàn diện, hành trình ấy luôn được dẫn dắt bằng các nhịp cầu đối thoại. Không ít lần, những cây cầu đó phải đi qua những vùng “nước xoáy” như vấn đề nhân quyền, thâm hụt thương mại, cạnh tranh công nghệ... Nhưng mỗi lần như vậy, Việt Nam vẫn giữ một nguyên tắc: “Làm bạn với tất cả quốc gia, nhưng không đánh mất lợi ích cốt lõi”.

Việt Nam vẫn giữ một nguyên tắc: “Làm bạn với tất cả quốc gia, nhưng không đánh mất lợi ích cốt lõi”. Ảnh minh họa

Việt Nam vẫn giữ một nguyên tắc: “Làm bạn với tất cả quốc gia, nhưng không đánh mất lợi ích cốt lõi”. Ảnh minh họa

Lần này, cây cầu đối thoại đang phải vượt một "biển thuế". Nhưng không phải lần đầu Việt Nam làm điều đó. Trong CPTPP, Việt Nam từng cam kết các điều khoản thương mại khắt khe hơn cả với Mỹ. Trong EVFTA, Việt Nam dám cam kết cải cách mạnh mẽ để đổi lấy sự công nhận từ EU. Đó là những tiền lệ chứng minh rằng: Việt Nam không ngại mở cửa – chỉ cần sự mở cửa đó dựa trên nền tảng công bằng và cùng có lợi.

Giới đầu tư đang theo dõi sát. Nếu cuộc điện đàm lần này trở thành tiền đề cho một lộ trình đàm phán thực chất và hiệu quả tích cực – có thể dẫn đến một “thỏa thuận song phương thuế quan mềm” – thì không chỉ doanh nghiệp được hưởng lợi, mà môi trường thương mại Việt Nam cũng sẽ thêm một lần khẳng định tính ổn định, phát triển và Hoa Kỳ cũng được lợi rất nhiều.

Trong khi Việt Nam chủ động đề xuất thuế 0%, một số quốc gia khác như Sri Lanka, Colombia cũng từng có cam kết tương tự để thúc đẩy xuất khẩu và cải thiện quan hệ thương mại song phương với Hoa Kỳ.

Bài học lớn nhất sau điện đàm: Chính sách thuế – dù là rào cản hay động lực – đều có thể được hóa giải nếu hai bên có thiện chí đối thoại. Đối thoại không phải là sự thỏa hiệp, mà là nghệ thuật giữ gìn lợi ích bằng bản lĩnh mềm dẻo và trí tuệ sắc bén.

Trong bối cảnh mới, Việt Nam không cần trở thành người lớn tiếng nhất. Nhưng cần là quốc gia có tiếng nói được lắng nghe nhiều nhất – bởi vì chúng ta kiên định, trách nhiệm và luôn giữ được lòng tin từ cả hai phía cũng như các đối tác chiến lược toàn diện và bạn bè khác.

Cây cầu đối thoại đã được bắc qua biển thuế. Và Việt Nam – như thường lệ – vẫn bước trên đó bằng chính đôi chân của mình: Bản lĩnh, trách nhiệm, và đầy triển vọng.

Đại Bàng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cau-doi-thoai-da-bac-qua-bien-thue-381630.html
Zalo