Nghiên cứu tháo gỡ 'điểm nghẽn' để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2025

Sáng ngày 20/5, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025. Hội nghị do đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng có đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025 tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: QUANG BÌNH

Quang cảnh hội nghị trực tuyến thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025 tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: QUANG BÌNH

Năm 2025, tổng vốn ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết nghị là hơn 829.365 tỷ đồng; đã phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương hơn 825.922 tỷ đồng, còn lại là vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Tính đến cuối tháng 4/2025, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết vốn cho danh mục nhiệm vụ, dự án là hơn 817.968 tỷ đồng. Về tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, từ đầu năm 2025 đến nay ước thanh toán được 128.500 tỷ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024. Theo đó, có 10 bộ, cơ quan Trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa giải ngân hoặc tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương cần xác định đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, có vai trò đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh; vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kích hoạt mọi nguồn lực cho phát triển. Do đó yêu cầu lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên phải nghiên cứu, tiếp tục rà soát về thể chế, chính sách, tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là các luật liên quan đến ngân sách, đấu thầu, tháo gỡ “điểm nghẽn” để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

“Các cấp từ Trung ương đến địa phương phải quyết liệt vào cuộc, nỗ lực, tích cực hơn nữa, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ thẩm quyền, thể hiện tinh thần trách nhiệm với đất nước, công việc, không để tình trạng có tiền mà không tiêu được. Đồng thời phải tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, kiểm tra, giám sát, với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải chủ động thúc đẩy đầu tư công để hoàn thành thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2025”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo.

QUANG BÌNH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/thoi-su/202505/nghien-cuu-thao-go-diem-nghen-de-thuc-day-giai-ngan-von-dau-tu-cong-nam-2025-1c67bc0/
Zalo