Nghiên cứu khoa học để hiểu sâu thực tiễn đời sống
Gắn NCKH vào thực tiễn đời sống, cô giáo trẻ Lê Thị Hồng Trang (Thái Nguyên) cùng học trò tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao.

Cô giáo trẻ Lê Thị Hồng Trang (Trường PT Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên) cùng các học trò.
Những sản phẩm giàu giá trị ứng dụng
Dù rất bận rộn với giảng dạy và công tác Đoàn, nhưng cô giáo trẻ Lê Thị Hồng Trang (giáo viên Sinh học, Phó Bí thư Đoàn trường, Trường PT Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên) lại đặc biệt say mê với nghiên cứu khoa học. Thành quả sau những ý tưởng, dự án nghiên cứu của cô là nhiều sản phẩm mang giá trị ứng dựng cao.
Đến nay, cô Trang là tác giả của 12 bài báo khoa học đã được đăng trên các tạp chí chuyên ngành uy tín, trong đó có 2 bài được đăng trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục SCIE (Science Citation Index Expanded). Đặc biệt, trong lĩnh vực chuyên ngành Sinh học, cô là tác giả đã đăng ký bản quyền được 8 trình tự gen tại Ngân hàng gen Quốc tế.

Cô giáo trẻ Lê Thị Hồng Trang luôn say sưa với những ý tưởng, đề tài nghiên cứu.
Với mong muốn những tri thức trong lĩnh vực Sinh học được ứng dụng thực tiễn nhiều hơn, cô Trang còn tổ chức và đồng hành cùng học trò nghiên cứu thành công nhiều sản phẩm ý nghĩa khác, được đánh giá tích cực và công nhận, trao thưởng.
Hai năm liên tiếp 2021 - 2022, cô Trang đã giành giải Nhất - Giải thưởng Sáng tạo trẻ tỉnh Thái Nguyên, với các đề tài “Nghiên cứu biểu hiện gen GmCHI1A liên quan đến tổng hợp isoflavone phân lập từ cây đậu tương” và “Nghiên cứu đặc điểm môi trường sống của ốc bươu đen và thiết kế hệ thống giám sát, điều chỉnh môi trường nước”.

Cô Trang và nhóm học sinh nghiên cứu tại phòng thí nghiệm.
Đặc biệt, cô Trang hướng dẫn học sinh nghiên cứu, tham dự cuộc thi GEN Z Biotech Challenge - cuộc thi sáng tạo nội dung số với chủ đề “Ứng dụng Công nghệ Sinh học trong nông nghiệp”, năm 2023. Cuộc thi do Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, Đại sứ quán Hoa Kỳ và Hiệp hội về phát triển công nghệ trong nông nghiệp CropLife Châu Á tài trợ. Dự án “Khai thác các nguồn vi sinh vật có lợi nhằm tạo chế phẩm vi sinh BIO-TN xử lý rác thải hữu cơ nhà bếp” đã đoạt giải Sáng tạo.
Với những kết quả xuất sắc này, cô Lê Thị Hồng Trang vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, năm học 2022-2023.
Khoa học gần gũi, thiết thực
Hào hứng trao đổi về những sản phẩm, dự án đã thành công, cô Trang chia sẻ: “Tôi muốn học trò hiểu và tin rằng nghiên cứu khoa học thật ra không có gì xa vời, mà nó rất gần gũi, thiết thực. Nó là một cách tuyệt vời để chúng ta hiểu sâu sắc hơn về thực tiễn đời sống”.
Với tính cách đã nghĩ là bắt tay vào làm, không quản ngại khó khăn, nhiều khi cô Trang phải rất linh hoạt để giải quyết được vấn đề. Do điều kiện ở nhà trường phổ thông chưa thể đáp ứng cho việc nghiên cứu, có những lần cô Trang phải đi xin hoặc mua thêm hóa chất, tự đưa đón học sinh đi thực hành nhờ ở phòng thí nghiệm của trường Đại học, tự làm video quá trình thực nghiệm để cho học sinh có thể quan sát.

Cô và trò thêm thấu hiểu, gắn bó trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu.
Khó khăn là không nhỏ, nhưng cả cô và trò đều nhận về những điều giá trị, cho nên niềm vui luôn lớn hơn những mệt mỏi. Những kỷ niệm trong suốt quá trình tìm hiểu nghiên cứu, thực hành cũng giúp cô trò thêm thấu hiểu, gắn bó, yêu thương.
“Khi theo đuổi đề tài nghiên cứu, học sinh sẽ được củng cố khắc sâu về kiến thức, đồng thời còn phát triển được năng lực tư duy, kỹ năng giải quyết yêu cầu thực tiễn, nhờ đó có thêm niềm vui và động lực học tập. Các em rất có ý thức và khả năng, nhưng sẽ cần có giáo viên khích lệ, khơi gợi, dẫn dắt về phương pháp tổ chức triển khai” - cô Trang nhấn mạnh.
Bằng những thực tế mà bản thân đã trải qua, cô Trang nhận thấy chính thầy cô hướng dẫn cũng nhận được rất nhiều. Không chỉ được đào sâu kiến thức chuyên môn, đổi mới phương pháp, nâng cao kỹ thuật dạy học, thay đổi tiếp cận trong đánh giá, mà giáo viên còn hiểu biết sâu sắc hơn về thực tiễn đời sống, cảm nhận thêm nguồn năng lượng tích cực từ sự trẻ trung nhiệt huyết của học trò.
Tâm huyết với công tác nghiên cứu khoa học, cô Trang mong muốn sẽ tiếp tục triển khai được những ý tưởng, đề tài thành dự án với sản phẩm cụ thể, đặc biệt là về lĩnh vực Sinh học, hướng đến chăm sóc sức khỏe, phục vụ phát triển nông nghiệp…
"Những giáo viên trẻ có tâm huyết, năng lực như cô giáo Trang đã góp phần tạo nên cho chúng tôi một đội ngũ luôn làm việc với tinh thần say mê, cống hiến. Nhà trường luôn khích lệ, dành điều kiện thuận lợi để thầy cô và học trò phát triển những ý tưởng sáng tạo, những đề tài khoa học, để việc dạy và học ngày càng đổi mới, hiệu quả" - cô Âu Thị Huế, Hiệu trưởng Nhà trường trao đổi.