Nghịch lý vaccine thú y: Hàng trong nước chất lượng vượt trội, nhưng hàng ngoại áp đảo thị trường

Ngành sản xuất vaccine thú y ở nước ta đã sở hữu những công nghệ hàng đầu thế giới. Cả nước hiện có 12 doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vaccine cho vật nuôi đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, với 218 loại vaccine được sản xuất trong nước. Thế nhưng, lượng vaccine nhập khẩu lên chiếm tới 70% thị phần ở nước ta – đây là nghịch lý do tâm lý sính ngoại gây ra…

Tiêm vaccine vẫn là giải pháp căn cơ trong chăn nuôi

Tiêm vaccine vẫn là giải pháp căn cơ trong chăn nuôi

Tại Diễn đàn "Ứng dụng tiến bộ mới trong lĩnh vực vaccine thú y tại Việt Nam", ngày 28/12/2024, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn là một thách thức và với việc phổ biến và mở rộng đối tượng tiêm vaccine.

“Việc tiêm phòng không những giúp chăn nuôi nhỏ lẻ mà còn hỗ trợ cho chăn nuôi tập trung, bởi các trang trại lớn vẫn được bố trí xen kẽ với khu vực nhỏ lẻ. Tiêm vaccine đến giờ vẫn là giải pháp căn cơ nhất với thực tiễn chăn nuôi ở Việt Nam”, ông Minh nhấn mạnh.

VIỆT NAM ĐỨNG ĐẦU ĐÔNG NAM Á VỀ SẢN XUẤT VACCINE THÚ Y

Theo ông Phan Quang Minh, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực chăn nuôi đã sử dụng vaccine theo chuỗi, cùng với con giống, các loại thuốc thú y và nhiều công nghệ khác.

“Nhiều doanh nghiệp FDI vẫn đưa vaccine từ nước ngoài vào, khiến việc thâm nhập vaccine của Việt Nam vào nhóm đối tượng này gặp nhiều cạnh tranh. Có lẽ chúng ta cần không ngừng nâng cao chất lượng, tiếp thị và cải thiện giá cả của vaccine nội, làm sao để đảo ngược tỷ lệ 30-70 như bây giờ”, ông Minh bày tỏ.

Ông Phan Quang Minh: Tiêm vaccine đến giờ vẫn là giải pháp căn cơ nhất với thực tiễn chăn nuôi ở Việt Nam

Ông Phan Quang Minh: Tiêm vaccine đến giờ vẫn là giải pháp căn cơ nhất với thực tiễn chăn nuôi ở Việt Nam

Ông Lê Toàn Thắng, Trưởng phòng Quản lý thuốc thú y (Cục Thú y), thông tin hiện nay, Việt Nam có 92 cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt GMP-WHO, trong đó 12 cơ sở sản xuất vaccine cho vật nuôi; mức đầu tư khoảng 30-40 triệu USD/nhà máy. Đặc biệt, Việt Nam đã có 2 loại vaccine dịch tả lợn châu Phi được cấp giấy chứng nhận lưu hành theo đúng quy định của Luật Thú y và thông lệ thế giới.

“Hiện tại cả nước có 12 doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vaccine cho động vật đạt tiêu chuẩn GMP-WHO với tổng số 218 loại vaccine được sản xuất trong nước. Cùng với đó, có 340 loại vaccine nhập khẩu được cấp phép đã đáp ứng được nhu cầu phòng các bệnh trên gia súc, gia cầm”.

Ông Lê Toàn Thắng, Trưởng phòng Quản lý thuốc thú y, Cục Thú y.

Về tình hình nguồn cung vaccine năm 2024: vaccine phòng bệnh cúm gia cầm 739 triệu liều (sản xuất 191 triệu liều; nhập khẩu 548 triệu liều); vaccine phòng bệnh lở mồm mong móng hơn 46 triệu liều (sản xuất 1,4 triệu liều; nhập khẩu 45 triệu liều); vaccine phòng bệnh dại hơn 5 triệu liều (sản xuất 1,6 triệu liều; nhập khẩu 3,7 triệu liều); vaccine phòng bệnh tai xanh hơn 34 triệu liều (sản xuất 3,5 triệu liều; nhập khẩu 31 triệu liều); vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục gần 2 triệu liều (sản xuất 115.000 liều; nhập khẩu 1,8 triệu liều).

Riêng đối với vaccine dịch tả lợn châu Phi, hiện trên thế giới chỉ duy nhất Việt Nam sản xuất được. Đến nay các doanh nghiệp đã sản xuất và cung ứng ra thị trường 5,9 triệu liều. Trong đó, Công ty Navetco sản xuất 2,2 triệu liều (cung ứng trong nước gần 700.000 liều, xuất khẩu 7.000 liều); trong kho còn hơn 300.000 liều và dự kiến sản xuất khoảng 150.000 liều trong thời gian tới. Công ty AVAC sản xuất trên 3,7 triệu liều (cung ứng trong nước hơn 2,9 triệu liều, xuất khẩu trên 460.000 liều); trong kho còn khoảng 33.000 liều và đang dự kiến sản xuất 150.000 liều.

Quang cảnh Diễn Đàn

Quang cảnh Diễn Đàn

TS. Nguyễn Hữu Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Hanvet, cho cho hay năng lực sản xuất vaccine của Việt Nam đều vượt trội so với các nước Đông Nam Á. Chẳng hạn, cả nước hiện có 12 doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vaccine cho động vật đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong khi con số này của Indonesia là 2, Malaysia là 1, còn Thái Lan thậm chí không có nhà máy nào.

Thế nhưng, tại sao vaccine vẫn chưa được sử dụng nhiều để tiêm cho vật nuôi, đặc biệt là với vaccine nội. Nguyên nhân, theo ông Vũ, nằm ở thương hiệu, trình độ sản xuất, kiểm soát chất lượng còn hạn chế.

Cũng chung quan điểm này, TS Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam cho rằng, một trong những điểm nghẽn là do tâm lý “sính ngoại” vẫn tồn tại trong đại bộ phận người chăn nuôi.

Bà Hương tin rằng, bên cạnh nâng cao chất lượng vaccine, doanh nghiệp sản xuất trong nước cần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hợp tác chia sẻ thông tin với cơ quan báo chí.

“Công nghệ sản xuất vaccine thú y trong nước không những phát triển nhanh mà còn tiến bộ vượt bậc. Trong đó, nước ta đã có những công nghệ hàng đầu thế giới để sản xuất vaccine tai xanh, lở mồm long móng, dại, dịch tả lợn Châu Phi … Riêng vaccine dịch tả lợn châu Phi, Việt Nam hiện là quốc gia duy nhất sản xuất và thương mại hóa”, Chủ tịch Hội Khoa học Thú y Việt Nam nhấn mạnh.

KIỂM SOÁT ĐƯỢC DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI NHỜ TIÊM VACCINE

Theo TS. Nguyễn Văn Điệp, Tổng giám đốc Công ty CP AVAC Việt Nam, có 7 loại vaccine phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang được phát triển tại Việt Nam. Trong đó, vaccine AVAC ASF Live là vaccine nhược độc, đông khô, dùng cho lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên, tiêm 1 liều duy nhất, thời gian bảo hộ ít nhất 5 tháng.

Đặc biệt, AVAC đã làm chủ công nghệ về tế bào và virus, tối ưu được con giống và thích ứng giống vaccine nhân trên tế bào dòng DMAC. DMAC là kết quả AVAC trực tiếp nghiên cứu và hoàn thiện với nhiều tính năng vượt trội, đã được đăng ký bằng độc quyền sáng chế.

“Hơn 3 triệu liều xuất ra thị trường, nội địa hơn 2,5 triệu liều, xuất khẩu Philippines 460.000 liều và Nigieria 5.000 liều... Sử dụng với giám sát chặt chẽ tại trên 21 tỉnh từ 7/2023 - 6/2024, trên 20 tỉnh, tất cả lợn tiêm vaccine đều khỏe mạnh, chưa có cơ sở nào bị nổ ra dịch.”, ông Nguyễn Văn Điệp khẳng định.

TS. Nguyễn Văn Điệp: Tỷ lệ bảo hộ của vaccine AVAC ASF Live đạt trên 90%.

TS. Nguyễn Văn Điệp: Tỷ lệ bảo hộ của vaccine AVAC ASF Live đạt trên 90%.

TS. Điệp cho hay từ tháng 3-12/2024, Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam hợp tác với Công ty C.P Việt Nam đã tiêm khoảng 8.000 lợn ở khoảng 70 trại, đảm bảo an toàn và bảo hộ 100%. Vaccine AVAC ASF Live được C.P đánh giá an toàn và bảo vệ tốt.

Tuy nhiên, ông Điệp cũng chỉ ra một số khó khăn tồn tại như người chăn nuôi do dự với vaccine mới. Trong khi đó, do trên thị trường xuất hiện những vaccine không rõ nguồn gốc, hàng nhái, gàng giả được bán, khiến ảnh hưởng đến uy tín của vaccine chuẩn được Nhà nước cấp phép.

Ông Đặng Văn Hiệp, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi ở địa phương. Thanh Hóa có tổng đàn lợn khoảng 1,3 triệu con, gia cầm 26 triệu con, đàn trâu, bò khoảng 423 triệu con. Tỷ lệ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ chiếm 45%,và quy mô trang trại là 55%.

Hiện nay, trên cả nước đã xuất hiện nhiều ổ dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi chưa được kiểm soát tại các tỉnh tiếp giáp với Thanh Hóa. Tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư ngân sách để mua các loại vaccine quan trọng, đặc biệt là 5.000 liều vaccine dịch tả lợn Châu Phi của AVAC, vaccine H5N6 và các loại khác. Nhờ triển khai tiêm vaccine phòng dịch, nên trong khi nhiều địa phương để xảy ra dịch tả lợn châu Phi, thì Thanh Hóa vẫn đang khống chế tốt được dịch bệnh.

“Thanh Hóa luôn đi đầu trong công tác kiểm dịch, triển khai tiêm phòng cho cả hộ trang trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dưới sự quản lý và giám sát chặt chẽ của cán bộ thú y. Đồng thời, chủ động dự trữ nguồn vaccine và triển khai phòng ngừa nhanh chóng để ngăn dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Nhờ đó, Thanh Hóa hiện nay cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh”, ông Đặng Văn Hiệp khẳng định.

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nghich-ly-vaccine-thu-y-hang-trong-nuoc-chat-luong-vuot-troi-nhung-hang-ngoai-ap-dao-thi-truong.htm
Zalo