'Hút' người tài vào khu vực công: Phụ cấp tăng thêm 300% kèm chính sách bồi dưỡng hấp dẫn
Nghị định 179/2024/NĐ-CP quy định rõ nhiều chính sách để thu hút người có tài năng vào khu vực công. Trong đó, có các quy định về thu nhập tăng thêm rất cao và chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân tài sau tuyển dụng.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Nghị định này không chỉ tạo cơ sở pháp lý vững chắc mà còn bảo đảm sự đồng bộ trong chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Đáng chú ý, Nghị định quy định rõ nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút người có tài năng vào khu vực công. Trong đó, có quy định về mức thu nhập phụ cấp tăng thêm rất cao, kèm theo đó là chính sách đào tạo bồi dưỡng nhân tài sau tuyển dụng để người tài trở thành nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực phù hợp với chuyên môn công tác.
Phụ cấp tăng thêm với người tài đến 300%
Đối với sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ khi được tuyển dụng vào làm chuyên viên cao cấp, ngoài việc hưởng 100% lương cơ bản trong thời gian tập sự, họ còn được hưởng phụ cấp tăng thêm 150% trong 5 năm đầu.
Theo đó, mức tiền lương cơ bản (chưa bao gồm phụ cấp công vụ 25% đối với công chức, các loại phụ cấp theo ngành, lĩnh vực nếu có) đối với trường hợp có trình độ đại học được hưởng lương 13.700.000đ/tháng (2,34 × 2.340.000 × 250%); trình độ thạc sĩ được hưởng lương 15.620.000đ/tháng (2,67 × 2.340.000 × 250%); trình độ tiến sĩ được hưởng lương 17.550.000đ/tháng 3,0 × 2.340.000 × 250%).
Đối với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam, trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động, nếu có nguyện vọng công tác lâu dài tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị thì được cấp có thẩm quyền xem xét tiếp nhận vào công chức, viên chức và được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 300% mức lương hiện hưởng (bao gồm: mức tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp và các khoản phụ cấp lương theo quy định của pháp luật). Phụ cấp tăng thêm không dùng để tính đóng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (đối với viên chức).
Theo đó, mức tiền lương cơ bản thấp nhất (chưa bao gồm phụ cấp công vụ 25% đối với công chức, các loại phụ cấp theo ngành, lĩnh vực nếu có) đối với trường hợp được bổ nhiệm chuyên viên chính hoặc tương đương được hưởng là 41.184.000đ/tháng (4,40 × 2.340.000 × 400%); trường hợp được bổ nhiệm chuyên viên cao cấp hoặc tương đương được hưởng là 58.032.000đ/tháng (6,20 × 2.340.000 × 400%).
Trường hợp chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam hoặc người nước ngoài thực hiện việc ký hợp đồng lao động thì cho phép người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương quyết định mức thù lao trên cơ sở yêu cầu công việc, năng lực, đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành và nguồn kinh phí để thực hiện chính sách đối với người có tài năng của bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương.
Đào tạo, bồi dưỡng người tài thành nhà khoa học, chuyên gia
Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng sau khi tuyển dụng vào công chức, viên chức được cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng tạo điều kiện tham gia học tập, nâng cao trình độ như sau:
Được ưu tiên tập trung bồi dưỡng theo hướng trở thành nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực phù hợp với chuyên môn công tác. Được cử tham gia các chương trình bồi dưỡng kiến thức cơ bản, tổng quan của ngành, nghề, lĩnh vực công tác phù hợp với định hướng phát triển.
Được cử tham gia các khóa đào tạo tập trung trong nước, quốc tế đối với các chương trình phù hợp với ngành, nghề, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển và các khóa đào tạo, bồi dưỡng khác phù hợp với đặc thù ngành, lĩnh vực, địa phương.
Được ưu tiên, tạo điều kiện cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý Nhà nước và kiến thức chuyên ngành đáp ứng tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý theo chức danh được quy hoạch; tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức.
2025 thu hút ít nhất 10% nhân tài vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước
Để thu hút nhân tài, Nghị định quy định ưu tiên xét tuyển vào công chức, viên chức đối với sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động bố trí biên chế để tuyển dụng những đối tượng này.
Theo đó, đến năm 2025, mục tiêu là thu hút ít nhất 10% nhân tài vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước. Đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ không dưới 20%.
Đối với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam, trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động, nếu có nguyện vọng công tác lâu dài tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thì được xem xét tiếp nhận vào công chức viên chức.