Nghĩa tình Thanh Hóa với đồng bào miền Nam tập kết: Ngày ấy và bây giờ

Ngày 25/9/1954, tại bến Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa (nay là cảng Lạch Hới, thành phố Sầm Sơn) rực rỡ cờ hoa chào đón chiếc tàu đầu tiên rẽ sóng tiến vào, giữa tiếng hoan hô của đồng bào Thanh Hóa đón những người con miền Nam ruột thịt ra Bắc tập kết. 70 năm qua, nghĩa tình đó vẫn vẹn tròn, thắm thiết.

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ngày 21/7/1954, Hiệp định Genève về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Một trong những nhiệm vụ quan trọng lúc này là bố trí lực lượng cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam để lãnh đạo Nhân dân đấu tranh, buộc địch thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Genève, đồng thời chuyển quân tập kết bộ đội, chiến sĩ miền Nam ra Bắc theo quy định của Hiệp định. Đây không chỉ là đợt chuyển quân thông thường mà còn là chủ trương, chính sách về quản lý, đãi ngộ, sử dụng và bồi dưỡng, đào tạo một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vừa góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam sau này.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với vị trí chiến lược và truyền thống cách mạng, Thanh Hóa được Trung ương Đảng tin tưởng, giao nhiệm vụ cùng với các địa phương: Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Thanh Hóa đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc tại Cảng Hới (TP Sầm Sơn) năm 1954. Ảnh: tư liệu

Thanh Hóa đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc tại Cảng Hới (TP Sầm Sơn) năm 1954. Ảnh: tư liệu

Ngày 25/9/1954, chiếc tàu đầu tiên đưa những người con miền Nam ruột thịt ra Bắc tập kết đã cập cảng bến Sầm Sơn Thanh Hóa (nay là cảng Lạch Hới, thành phố Sầm Sơn). Bà Nguyễn Thị Nhủ (Đội thiếu niên Chim Hòa Bình) ở Sầm Sơn, Thanh Hóa là những người 70 năm trước được đón tiếp đồng bào miền Nam, nhớ lại: "Lúc bấy giờ chúng tôi là thiếu nhi Đội Chim hòa bình có nghe tin được ra cảng Hới đón tiếp học sinh miền nam, đồng bào miền nam ra bắc, chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi, nên chúng tôi luôn nhắc câu khẩu hiệu là các đồng chí, đồng bào miền nam, học sinh miền nam ra bắc muôn năm, niềm nam là thành đồng tổ quốc muôn năm, Đảng Cộng sản muôn năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm".

Trong 9 tháng (từ tháng 9 năm 1954 đến tháng 5 năm 1955), tỉnh Thanh Hóa đã đón 7 đợt, gồm 45 chuyến tàu, trong đó có 47.346 người là cán bộ, bộ đội; 1.775 thương binh; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ. Sau khi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam lên bờ được ban đón tiếp và Nhân dân đưa vào các lán trại được chuẩn bị sẵn để nghỉ ngơi, chăm sóc, nhiều khi lán trại không đủ, Nhân dân Quảng Tiến, Sầm Sơn đưa đồng bào về gia đình mình để chăm sóc. Nhân dân Thanh Hóa, trực tiếp là Nhân dân Sầm Sơn, mỗi người một việc, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân đều được giao nhiệm vụ cụ thể. Các cháu thanh, thiếu nhi được được giao nhiệm vụ nấu cơm, phục vụ hậu cần, tổ chức văn nghệ, công tác y tế, giáo dục, an ninh được đảm bảo....

Ông Trần Văn Ấm quê ở Quảng Nam, năm nay 93 tuổi

Ông Trần Văn Ấm quê ở Quảng Nam, năm nay 93 tuổi

Những người như Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân hay chị Trần Thị Hoa ở xã Xuân Bình, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa là những người con của cán bộ miền Nam tập kết, được sinh ra tại quê hương Thanh Hóa, được nuôi dưỡng, đùm bọc trong tình yêu thương của con người và mảnh đất xứ Thanh. Họ lớn lên với những hồi ức đẹp và êm đềm, trong những câu chuyện kể của mẹ, của cha về hành trình đầy ắp nghĩa tình.

Chị Trần Thị Hoa nhớ lại: "Xác định mình là con em miền nam tập kết ra bắc, rồi được sự quan tâm của chính quyền địa phương, cuộc sống được Đảng, Nhà nước quan tâm thì chị em tự lực, tự phấn đấu, học hành, thương yêu đùm bọc, nhất là văn hóa gia đình. Dần dần lớn lên, quê hương đổi mới thì mình thường xuyên về thăm quê để nối mạch tình cảm cội nguồn".

Tháng 10 năm 2024, chúng tôi tìm về Nông trường Bãi Trành (thuộc huyện Như Xuân bây giờ) - nơi đây đã trở thành bến đỗ của nhiều cán bộ miền Nam tập kết. Thế nhưng, số người còn lại rất ít, cũng đã ngoài 90 tuổi. Ông Trần Văn Ấm quê ở Quảng Nam, năm nay 93 tuổi, không thể nào quên những năm tháng tập kết, rồi xây dựng gia đình, ổn định cuộc sống trên mảnh đất Thanh Hóa nghĩa tình. Theo ông, người dân Thanh Hóa thời điểm đó cũng rất vất vả nghèo khó nhưng họ đã dành tất cả những gì tốt nhất của mình cho cán bộ miền Nam tập kết.

Ông Trần Văn Ấm nói: "Rất cảm động, sự đón tiếp rất cảm động, sự đón tiếp nồng hậu, tình cảm hết sức sâu sắc. Nay tôi rất cảm ơn, ra đây sống không phải cô độc đâu, mà có đồng bào, nhất là ở Bãi Trành - nơi tôi sinh sống".

Sau hai năm thi công, tượng đài "Con tàu tập kết ra Bắc" tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thiện trước dịp Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024).

Sau hai năm thi công, tượng đài "Con tàu tập kết ra Bắc" tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thiện trước dịp Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024).

Tuy vất vả nghèo khó nhưng người dân Thanh Hóa đã nhường tất cả những gì tốt nhất của mình cho cán bộ miền Nam tập kết. Mảnh đất xứ Thanh Anh hùng cũng đã trở thành quê hương của những người con miền nam tập kết. Ông Đặng Văn Tuấn, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã Xuân Bình, huyện Như Xuân cho biết: "Thôn 12 còn 3 cụ - đây là những tấm gương sáng và truyền thống còn sót lại sau khi tập kết ra bắc. Địa phương luôn quan tâm, động viên, thăm hỏi. Chúng tôi cảm nhận rằng đây là những tấm gương để con cháu noi theo và chính con cháu của họ luôn gương mẫu, đóng góp xây dựng quê hương".

Phát biểu tại Hội thảo khoa học "Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình" mới đây, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, "70 năm đã trôi qua nhưng tình cảm và trách nhiệm của nhân dân miền Bắc, trong đó có nhân dân tỉnh Thanh Hóa đối với đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc mãi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc ta, khẳng định chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một"; là biểu tượng sinh động về nghĩa tình đồng bào, đồng chí yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh; là bài học kinh nghiệm quý báu về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc".

Sỹ Đức/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/nghia-tinh-thanh-hoa-voi-dong-bao-mien-nam-tap-ket-ngay-ay-va-bay-gio-post1130787.vov
Zalo