Nghĩa tình quân dân nơi tâm lũ
Huyện Ba Bể (Bắc Kạn), những ngày sau 'trận mưa lịch sử', đất trời chưa kịp khô, lòng người còn thắt lại giữa hoang tàn, đâu đó vẫn bừng lên ánh sáng của tình người, tình quân dân keo sơn thắm thiết…
Một đêm tang thương giữa đại ngàn
Đêm 17, rạng sáng ngày 18-5, huyện Ba Bể - vùng đất miền núi phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Kạn rúng động bởi một trận mưa lớn kéo dài, trút xuống những đợt nước hung hãn, nhấn chìm nhà cửa, hoa màu trong lũ dữ và sạt lở đất, đá... Xã Yến Dương, xã Đồng Phúc, những bản làng bình yên nép mình bên sườn núi, phút chốc hóa thành nơi hoang tàn, đau thương.
Gia đình chị Lý Thị Đào, người dân thôn Piêng Khâu, xã Yến Dương có 5 người thì cơn lũ đã cướp đi sinh mạng 2 người, là mẹ và chồng chị. Bản thân chị và bố đẻ cũng thoát chết trong gang tấc nhưng bị thương phải nằm điều trị tại bệnh viện. Chưa hết bàng hoàng, chị Đào nhớ lại khoảnh khắc sinh tử: “Nước to quá, ầm ầm dội về. Mẹ tôi nghe thấy thì bà hô hoán gọi các con, các cháu... Chạy, chạy mau! Mọi người nghe tiếng hô, hoảng quá cứ thế cắm đầu mà chạy. Nhưng mẹ và chồng tôi không may, chạy ra đến cửa thì bị cơn lũ ập tới, cuốn trôi!”.


Một góc thôn Tẩn Lượt, xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn sau khi xảy ra mưa lớn, sạt lở đất.
Còn anh Hoàng Văn Quỳnh, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Phúc, nhớ lại trong thảng thốt: “Tầm gần 12 giờ đêm, tôi cùng anh em cán bộ xã đã hô hoán, báo động bà con chạy đến nơi an toàn tránh lũ. Cả bản chạy được gần hết. Tuy nhiên, một số người chạy không kịp, thế là bị lũ cuốn trôi đi…”.
Đất đá, nước lũ ào xuống quá nhanh. Trong tích tắc, những ngôi nhà bị cuốn phăng bởi dòng nước và đất đá đổ xuống từ sườn núi. Với nhiều người dân xã Yến Dương và Đồng Phúc, cơn lũ để lại vết thương không thể nguôi ngoai: 4 người dân bị chết, 3 người bị thương, hàng chục ngôi nhà đổ sập, nhiều diện tích hoa màu bị tàn phá, cầu treo, ao cá, cột điện… tất cả đều bị cuốn trôi trong cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Thiên tai không chỉ cướp đi tài sản, mà còn đánh mạnh vào tinh thần người dân vùng cao, dù đã quen đối mặt với khắc nghiệt.
Khi người lính là điểm tựa giữa hoạn nạn
3 giờ sáng ngày 18-5, khi đất đá còn ngổn ngang, đường sá bị chia cắt; phần lớn người dân còn đang run rẩy trong lo sợ và mất mát, những bước chân vội vã của 36 cán bộ chiến sĩ dân quân tự vệ và 16 cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực Ban CHQS huyện Ba Bể, Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn đã băng rừng, vượt lũ đến được hiện trường, bắt đầu công tác cứu nạn, cứu hộ, mặc cho nhiều hiểm nguy vẫn rình rập. Trong đêm tối, những đôi tay lấm lem bùn đất, những bước chân trĩu nặng, nhưng ánh mắt của người lính Bộ đội Cụ Hồ thì đầy quyết tâm: “Phải cứu dân trước!”.


Đoàn công tác vượt qua những khó khăn do địa hình đường sá mang đến để kịp thời có mặt tại hiện trường động viên, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Anh Phạm Ngọc Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện Ba Bể xúc động kể: “Công tác huy động được thực hiện ngay trong đêm. Mặc dù đường sá nhiều đoạn chia cắt, nhưng chưa đầy 3 giờ sau lũ, lực lượng quân đội đã có mặt tại tâm lũ để giúp đỡ người dân. Nếu các anh không đến kịp, thì có lẽ bà con cũng vẫn ngồi run chưa biết phải làm sao”.
Trước tình hình khẩn cấp, Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn đã nhanh chóng cử hai đồng chí Phó tham mưu trưởng trực tiếp xuống hiện trường để chỉ huy, điều phối lực lượng cứu hộ. Đặc biệt, 100 cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực của Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn cùng các trang thiết bị cơ động như ô tô, xuồng máy ST660, dao tông, cuốc xẻng, nhà bạt, dây cứu hộ… tiếp tục được huy động, phối hợp cùng lực lượng công an, đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ và người dân địa phương khắc phục hậu quả và ứng phó với các tình huống phát sinh. Bộ tư lệnh Quân khu 1 cử đoàn công tác dưới sự chỉ đạo của Đại tá Nguyễn Khắc Huy, Phó tham mưu trưởng Quân khu, cùng các cơ quan chức năng vượt hàng trăm ki-lô-mét về với bà con vùng lũ, vừa để động viên, đồng thời sát sao chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.
Ở đâu dân khó, ở đó có bộ đội
Nơi bản làng đổ nát, những người lính chẳng ngại ngần lấm lem bùn đất. Cái đói, cái lạnh giữa đêm rừng không làm họ chùn bước. Trong từng mái nhà sập, trong mỗi căn lán dựng vội giữa nền đất đá trơn trượt, bàn tay bộ đội vững chãi đỡ lấy những phận người đang hoang mang, kiệt quệ. 4 người dân mất đi tính mạng do cơn lũ đã được tìm thấy, đưa về an táng. Những người dân bị thương đã được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Ba Bể kịp thời điều trị.

Lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Kạn giúp nhân dân huyện Ba Bể khắc phục hậu quả thiên tai.
Không ai mong thiên tai, nhưng chính trong hoạn nạn, tình quân dân càng được khẳng định. Khi tiếng gầm của đất đá vang vọng cả núi rừng Ba Bể, cũng là lúc lời hô dõng dạc của người lính Bộ đội Cụ Hồ vang lên trong đêm mưa: “Còn người là còn tất cả!”.
Để động viên, trấn an tinh thần các gia đình có thân nhân bị thiệt hại, Bộ tư lệnh Quân khu 1 đã trích 55 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” của Quân khu, hỗ trợ các gia đình: 10 triệu đồng cho mỗi người tử vong, 5 triệu đồng cho mỗi người bị thương. Số tiền tuy không lớn, nhưng ấm áp và kịp thời như ngọn lửa hồng trong đêm tối, lạnh lẽo. Quan trọng hơn, đó là sự hiện diện, là tấm lòng sẻ chia lúc khó khăn, là niềm tin được thắp lên trong thời khắc tăm tối nhất.
Khi nghĩa tình là sức mạnh vượt lũ
Có lẽ sẽ phải mất nhiều thời gian để người dân Ba Bể có thể ổn định lại cuộc sống, nhưng họ biết, họ không đơn độc trong hành trình ấy. Từ trong gian khó, người dân thêm vững lòng, vì biết rằng ở nơi nào có gian nguy, nơi đó luôn có hình bóng Bộ đội Cụ Hồ không quản ngại hiểm nguy, hết mình vì nhân dân; có chính quyền luôn sát cánh, có cả một hậu phương rộng lớn đang hướng về.

Đại tá Nguyễn Khắc Huy, Phó tham mưu trưởng Quân khu 1 trao tiền hỗ trợ của Quân khu đến gia đình chịu thiệt hại do sạt lở đất tại thôn Tẩn Lượt, xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.
Thiên tai có thể phá hủy nhà cửa, cầu đường, hoa màu… nhưng tình quân-dân keo sơn, gắn bó, như bức tường thành vững chắc chống chọi lại mọi tai ương. Và có lẽ, sau những mất mát, điều còn lại mãi mãi chính là sự đùm bọc, sẻ chia không phân biệt màu áo, chức danh, chỉ có những con người biết thương nhau trong hoạn nạn.