Bộ VHTTDL yêu cầu tăng cường biện pháp bảo vệ bảo vật quốc gia ngai vua Triều Nguyễn tại Huế
Ngày 24.5, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đã có công văn số 566/DSVH-DT gửi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế về việc phản ánh liên quan đến bảo vật quốc gia Ngai vua triều Nguyễn tại Di tích Cố đô Huế.
Theo đó, ngày 24.5, trên một số trang thông tin mạng xã hội có phản ánh về việc Ngai vua triều Nguyễn tại Di tích Cố đô Huế bị xâm hại.
Cục Di sản văn hóa đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẩn trương thực hiện một số nội dung sau: Tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng, bảo đảm an ninh, an toàn, kịp thời bảo vệ bảo vật quốc gia và Di tích Cố đô Huế và báo cáo về Bộ VHTTDL trước ngày 26.5.2025.

Cục Di sản văn hóa đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẩn trương tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng, bảo đảm an ninh, an toàn, kịp thời bảo vệ bảo vật quốc gia và Di tích Cố đô Huế
Tổ chức đánh giá tình trạng kỹ thuật của bảo vật quốc gia, kịp thời đề xuất giải pháp xử lý, bảo quản theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị của bảo vật quốc gia theo hướng dẫn tại công văn số 1669/DSVH-QLBT&DSTL ngày 22.4.2024 của Cục Di sản văn hóa về việc tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị của bảo vật quốc gia và lập hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đợt 13, năm 2024.
Như tin đã đưa, vào lúc 11 giờ 55 phút ngày 24.05.2025, đối tượng Hồ Văn Phương Tâm, sinh ngày 10.02.1983, nơi thường trú: Tổ 7, Khu vực 4, phường Hương Long, quận Phú Xuân, thành phố Huế mua vé vào cổng của Đại nội Huế.

Ngai vua triều Nguyễn
Qua trích xuất camera và điều tra bước đầu của lực lượng chức năng thì tại thời điểm xảy ra vụ việc, hai nhân viên bảo vệ là Đặng Quang Long và Đào Hoàng Vũ đều có mặt ở khu vực Điện Thái Hòa.
Lúc vào khu vực Điện Thái Hòa, đối tượng có biểu hiện không bình thường, một nhân viên bảo vệ đã mời đối tượng đi ra phía hậu điện. Tuy nhiên, đối tượng sau đó quay lại, lẻn vào khu vực trưng bày ngai vua triều Nguyễn, la hét và sau đó làm gãy phần tựa phía trước tay bên trái.
Để tránh việc đối tượng manh động, đập phá các hiện vật trưng bày khác, nhân viên bảo vệ đã tiếp cận từ xa, nhắc nhở đối tượng đi ra bên ngoài, đồng thời điện thoại yêu cầu tăng cường lực lượng hỗ trợ.
Đến 12g10 phút đã khống chế đối tượng Tâm, báo cho Công an phường Đông Ba lập biên bản bắt người.

Bộ VHTTDL yêu cầu tổ chức đánh giá tình trạng kỹ thuật của bảo vật quốc gia, kịp thời đề xuất giải pháp xử lý, bảo quản theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa
Lực lượng Công an phường Đông Ba đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với đối tượng Hồ Văn Phương Tâm, tuy nhiên chưa thể ghi lời khai của đối tượng do đối tượng có biểu hiện loạn thần, la hét, nói nhảm không thể trả lời các câu hỏi của Điều tra viên.
Theo báo cáo của Công an phường Hương Long, Hồ Văn Phương Tâm sinh tại phương Hương Long, quận Phú Xuân, thành phố Huế, từng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đang tiến hành trưng cầu giám định tâm thần đối với Hồ Văn Phương Tâm và phối hợp cùng Viện kiểm sát nhân dân quận Phú Xuân thu thập các tài liệu chứng cứ để làm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan nhằm giải quyết vụ việc theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.
Hiện tại, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chỉ đạo Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đưa Ngai vua triều Nguyễn về lưu giữ, bảo quản tại kho cổ vật đồng thời đưa Ngai phục chế đến trưng bày tại điện Thái Hòa phục vụ du khách.

Ngai vua triều Nguyễn
Đây là sự cố hết sức hi hữu, mặc dù thời gian qua Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã có nhiều giải pháp đảm bảo an ninh trong khu di sản như tăng cường lắp đặt camera giám sát, xây dựng quy chế phân công trực bảo vệ, có bộ phận cơ động thường xuyên kiểm tra các địa bàn di tích...
Để phòng tránh sự việc tương tự, trong thời gian tới Trung tâm sẽ xây dựng phương án đảm bảo chặt chẽ an ninh an toàn trong khu di sản nói chung và đối với hiện vật, cổ vật…. đặc biệt là bảo vật Quốc gia, tập trung vào các giải pháp: tăng cường các trang thiết bị an ninh, công cụ hỗ trợ; tăng cường công tác bảo vệ, tập huấn xử lý các tình huống an ninh, phát hiện ngăn chặn từ sớm các hiện tượng nghi vấn…
Về Ngai vua triều Nguyễn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ mời các chuyên gia, nghệ nhân để cùng đánh giá và lập phương án tu sửa phù hợp; đồng thời có phương án tăng cường lực lượng, phương tiện để đảm bảo an toàn cho hệ thống hiện vật trưng bày.