Nghĩa tình phụ nữ xứ Thanh
Cách đây 70 năm, năm 1954, thực hiện chủ trương của Ðảng và Bác Hồ, tỉnh Thanh Hóa đón nhận con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc học tập, để đào tạo đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam và cả nước sau này. Tại Sầm Sơn, chị em trên địa bàn tỉnh, từng đoàn người đã đem theo cơm ngô, cơm khoai đi đón tiếp. Khi xuống thuyền, nhiều chị tự nguyện cõng thương binh vào bờ, đỡ từng cái ba lô, từng túi gạo; các mẹ đến quạt cho bộ đội, thiếu nhi... như đón người thân trở về.
Khi bà con miền Nam về đây, Nhân dân các địa phương, chủ yếu là phụ nữ, đã nhiệt tình đón tiếp. Các gia đình để dành cơm, khoai... xung phong săn sóc anh em thương binh đau ốm. Nhân dân khắp nơi trong tỉnh Thanh Hóa đã tích cực phục vụ, cung cấp đầy đủ nhu cầu về ăn, mặc. Từ tháng 9/1954 đến tháng 5/1955, trong công tác đón tiếp, giúp đỡ cán bộ, bộ đội và đồng bào miền Nam ra tập kết, Nhân dân huyện Nông Cống, Ðông Sơn đã cung cấp hơn 600 con bò, 700 con heo, 15.800 con gà, vịt, ngan và 12 vạn quả trứng. Nhân dân các huyện Như Xuân, Cẩm Thủy cung cấp trên 1 vạn cây gỗ củi, trên 3 vạn gánh củi và 255 tạ củi. Nhân dân các huyện Hà Trung, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hậu Lộc, Hoằng Hóa cung cấp gần 20 vạn bao thuốc lá, trên 1 vạn ký cà chua, 6 tấn su hào, 11 ngàn cái bắp cải, 3 tấn cá... Các huyện miền núi cung cấp hàng chục bè luồng, hàng vạn lá kè để xây dựng hàng trăm ngôi nhà với hàng ngàn gian.
Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã cung cấp một số lượng lớn về chăn, màn, quần, áo, chiếu, trong đó huyện Quảng Xương, Nga Sơn đã cung cấp 8.384 đôi chiếu các loại; huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Ðịnh dệt trên 1 triệu mét vải màn bọc chăn, 20 vạn mét màn rộng, may trên 2,8 triệu cái màn một và 1 ngàn cái màn đôi trong 15 ngày, với 300 người thợ may. Thị xã Thanh Hóa và các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Ðông Sơn đã may trên 4 vạn bộ quần áo các loại. Riêng phụ nữ thị xã đã đan được 5.142 cái áo len các loại, đóng 6.161 đôi dép cho các em học sinh...
Toàn tỉnh đã đón 45 chuyến tàu, gồm tổng số 79.996 người (trong đó có 47.346 người là cán bộ, bộ đội; 1.775 thương binh; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ)[1].
Trong điều kiện còn khó khăn nhưng Nhân dân Thanh Hóa nói chung, lực lượng phụ nữ nói riêng, đã góp sức lực, của cải vào việc đón tiếp, giúp đỡ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra tập kết. Việc làm này đã khắc sâu tình cảm Bắc - Nam ruột thịt, tác động tích cực đối với cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam, góp phần đưa cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà mau chóng đến ngày thắng lợi.
Những đóng góp lớn lao đó của Nhân dân Thanh Hóa có phần không nhỏ từ những người mẹ, người chị, người em nơi đây. Sống xa quê hương, xa những người thân yêu nhất, con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam ở đủ mọi lứa tuổi đã ra miền Bắc và tìm thấy những người ruột thịt mới trong những gia đình trên quê hương Thanh Hóa. Họ đã dành những điều kiện tốt nhất để giúp con em miền Nam thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh, sinh hoạt trên đất Bắc. Với vai trò là người mẹ, người vợ, người chị, người em gái trong mỗi gia đình, những người mẹ xứ Thanh nói riêng và những người mẹ trên đất Bắc nói chung đã chăm sóc, sẻ chia, đùm bọc, thương yêu những người con miền Nam như những người con ruột thịt trong gia đình...
Khi mùa đông đến, lo lắng cho những người con, người anh, người em của mình không quen với cái giá lạnh của thời tiết miền Bắc, các bà, các mẹ, các chị, các em lại cùng nhau may từng chiếc áo ấm, đan từng chiếc khăn len... mong sưởi ấm những ngày đông giá rét trên đất Bắc. Biết các em học sinh có câu cửa miệng "ngày Bắc, đêm Nam", ban ngày vẫn học tập, vui chơi, sinh hoạt bình thường, nhưng đêm về, nhiều học sinh khóc ướt gối vì nhớ ba mẹ, thương quê hương, xóm làng bị giặc giày xéo, các bà, các mẹ lại trở thành những bờ vai nương tựa cho các em khi đêm về, để các em vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương.
Trong lúc quân và dân miền Nam đánh giặc, hàng chục ngàn học sinh miền Nam đã lớn lên trong sự che chở, thương yêu của người dân miền Bắc. Ðiều sưởi ấm tâm hồn của những người con miền Nam xa nhà chính là tình cảm của người miền Bắc. Nhờ có đồng bào miền Bắc đùm bọc, hy sinh, tận tình nuôi dưỡng, đã có những thế hệ học sinh miền Nam thành tài ngày nay. Trong đó, nhiều người đã trở thành cán bộ, lãnh đạo các cấp, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, các nhà khoa học đầu ngành ở nhiều lĩnh vực, các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo nổi tiếng, nhiều doanh nhân tài ba, nhiều người đã trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động, góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.
(Trích “Vai trò của các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa trong việc đón tiếp, giúp đỡ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra Bắc tập kết)
[1]. “Báo cáo tổng kết công tác đón tiếp quân dân miền Nam", tài liệu lưu tại Trung tâm Văn thư Lưu trữ, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa.