'Cây đước hồng' Đất Mũi
Được ví như cây đước của vùng đất ngập mặn, chất 'hồng' và 'chuyên' trong con người Thiếu tá Phạm Nam Sơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đất Mũi (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) không chỉ mạnh mẽ, quyết đoán mà luôn đoàn kết, yêu thương, tương thân tương ái, cùng đồng đội chăm lo đời sống nhân dân, điểm tựa vững vàng cho ngư dân vươn khơi, bám biển.
Lớp cha trước, lớp con sau
Nắng chiều chạng vạng, chiếc vỏ lãi như chiếc lá giữa rừng đước mênh mang. Về gần tới đơn vị, nhưng Thiếu tá Phạm Nam Sơn vẫn say sưa nghĩ về công việc. Hình ảnh ngôi nhà đại đoàn kết sắp được khởi công không chỉ mang đến mái ấm mà còn là niềm mong mỏi của những tấm lòng nhân ái.
“Hoàn cảnh của nó tội lắm chú ơi, gọi là nhà nhưng ngày thì thấy trời, đêm thấy sao, mưa nước ngập hoài”. Câu nói của ông Tư, người cao tuổi xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) bộc bạch về cuộc sống đáng thương của Trần Thị Ngò.
Sinh năm 1972, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, chị Ngò được bà con trong ấp cưu mang, đùm bọc. Lớn lên, biết chị hạn chế về nhận thức, người dân càng cảm thông, thương phận đời côi cút nên cho mượn căn nhà nhỏ tá túc qua ngày. Mấy mươi năm, mái nhà che mưa nắng xuống cấp dần, tuổi ngày một cao, sức khỏe yếu, một mình chị chẳng thể xoay xở, đành ở vậy.
Khi nhận công tác tại Đồn Biên phòng Rạch Gốc, Phạm Nam Sơn được phân công phụ trách các hộ gia đình. Thương cảm người phụ nữ kém may mắn này, anh tự nhủ phải làm điều gì thiết thực để giúp chị. Không quản ngại vất vả, anh gõ cửa các nhà hảo tâm, mạnh thường quân cùng chung tay tạo dựng một mái nhà, bù đắp phần nào sự thiệt thòi ấy.
Người xưa nói “Chim có cặp, người có đôi”, còn chị vẫn cứ lùi lũi đi về một mình. Vận động được đủ số tiền mới biết chị không có “tấc đất cắm dùi”, ngôi nhà hiện tại được bà con cho mượn nhiều năm nay. Tình cảnh thật trớ trêu! Mua đất thì không thể, mà đi xin thì ai cho, càng tính càng rối trí.
Nhiều đêm trăn trở, Phạm Nam Sơn nghĩ đến thế hệ cha anh, những người đi trước gặp vô vàn khó khăn, gian khổ, vậy mà vẫn vượt qua. Đó là lòng dân đồng thuận! Khi nhân dân ủng hộ thì việc khó mấy cũng thành công. Câu nói “Việc gì khó, có Bộ đội Biên phòng” một lần nữa lại vang lên. Mệnh lệnh nơi trái tim thôi thúc bước chân anh tiến lên phía trước.
Chiếc xuồng rẽ vào con kênh, nơi có những cây đước kiên trung đứng kề bên nhau. Trong không khí chân tình, ấm áp, anh bày tỏ với chủ nhà: “Ông Tư à, đất này do các cụ tới đây lập nghiệp mà có. Chị Ngò mồ côi, được bà con cưu mang, rừng thương, đất thương cho sức khỏe. Bao năm cực khổ vẫn thủy chung, nương tựa vào nghĩa tình sâu nặng ấy”.
Người Cà Mau vốn chịu thương, chịu khó, sống chan hòa, tình cảm, chẳng màng lợi ích riêng. Khi nghe lời bộc bạch từ tâm can của người lính biên phòng, chủ nhà lặng đi. Anh nói tiếp: “Giờ chị Ngò không còn trẻ, sức lực cũng giảm sút, lẽ nào bỏ chị ấy bơ vơ”. Ông Tư không nói gì, quay sang nắm chặt tay anh. Hai người đàn ông chuyển sang tính chuyện làm nhà, dựng cửa.
Sinh ra tại Nghệ An, cha của Phạm Nam Sơn là Bộ đội Biên phòng, đóng quân tại Cà Mau. Biết nhiệm vụ của người lính vất vả, mẹ quyết định chuyển công tác theo cha về Đất Mũi, năm ấy anh vừa tròn 3 tuổi. Kể từ đó, tuổi thơ Sơn gắn liền với tiếng kẻng thức-ngủ của bộ đội. Để theo đuổi con chữ, anh từng chuyển trường tới 7 lần, nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến thành tích học tập.
Tốt nghiệp THPT, Phạm Nam Sơn tình nguyện nhập ngũ, quyết tâm ôn luyện để thi đỗ vào Trường Đại học Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng). Năm 2012, hoàn thành chuyên ngành quản lý biên giới của Học viện Biên phòng, trở về công tác tại mảnh đất có nhiều kỷ niệm tuổi thơ. Hạnh phúc xen lẫn tự hào: Được là đồng đội của cha mình.
Son sắt nghĩa tình quân dân
Tiếng sóng xô vào vách đá làm những giọt nước bắn lên không trung, trắng lấp lóa như pha lê. Ngắm nhìn con sóng đùa nghịch, đuổi nhau ngoài khơi, trong lòng chàng sĩ quan trẻ Phạm Nam Sơn rộn lên niềm vui. Đang thả hồn với khung cảnh lãng mạn thì nghe giọng người phụ nữ nói chuyện với người bên cạnh: “Bữa tới chuyển nhà, chồng em vẫn đang ngoài khơi, con thì nhỏ, nhà neo người, giờ tính sao chị Hai?”.
Cách đất liền 17 hải lý, đảo Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) có độ dốc lớn, mưa ít, nắng nhiều, bao bọc xung quanh toàn đá. Từng theo cha ra đảo, Phạm Nam Sơn rất hiểu sự khắc nghiệt của thời tiết. Hằng năm, người dân trên đảo phải hai lần chuyển nhà. Cữ tháng 3 âm lịch thì chuyển sang ghềnh Chướng, tầm tháng 9 lại chuyển về ghềnh Nam. Cứ thế, mỗi hộ dân cũng có hai ngôi nhà để luân phiên nhau.
Tia nắng sớm đánh thức mầm cây trỗi dậy, tiếng chim líu lo chuyền cành cũng là lúc Phạm Nam Sơn cùng các chiến sĩ có mặt tại nhà chị Võ Thị Ngân. Ai nấy đều vui vẻ, thoải mái khi bắt tay vào công việc. Nào giường chiếu, bàn ghế, tủ quần áo, đến xoong nồi, bát đĩa được thu dọn đưa lên thuyền. Tay xách nặng, lưng cõng theo em nhỏ bước trên đá. Mồ hôi thấm đẫm vai áo quân phục nhưng không thấy một lời than, một câu phàn nàn vất vả. Chỉ có tiếng sóng biển đại dương rì rầm với nụ cười tỏa nắng của người chiến sĩ.
Đến với bà con, Phạm Nam Sơn phát hiện có những cháu đến tuổi đi học mà không đến lớp. Anh tìm mọi cách để gặp phụ huynh động viên, thuyết phục cho trẻ học cái chữ. Lúc đầu nhiều người không tán thành, họ muốn con cái khi bé phải làm việc nhà, lớn lên thì đi biển. Với sự kiên trì thuyết phục, phân tích thấu đáo, cuối cùng thì 100% trẻ cũng được tới lớp.
Trên đảo, việc thiếu nước sinh hoạt không phải hiếm gặp. Vào mùa khô, giếng khe ghềnh cạn, Phạm Nam Sơn cùng anh em đi bộ rất xa, vác từng can nước ngọt về chia đều cho các hộ gia đình. Bản thân khi đi thực địa, bình nước mang theo không còn lấy một giọt, giữa cơn khát phát hiện trong hốc đá có vũng nước màu nâu đen, bọ gậy bơi lội tung tăng. Không còn lựa chọn khác, đành gạt đám lá cây rụng rữa sang một bên, chắt nước vào bình, tiếp tục hành quân.
Nơi đầu sóng ngọn gió, khó khăn, thiếu thốn là thế, nhưng tình cảm quân dân luôn đong đầy. Ngày mới ra đảo, bà Trần Thị Sáu (má Hai) mang theo một số cây ra trồng. Hơn nửa thế kỷ qua, tán cây vươn cao, tỏa bóng mát như cây cổ thụ. Má Hai được các con năn nỉ mời mẹ về đất liền để tiện chăm sóc lúc tuổi già, nhưng bà không chịu. Biết Phạm Nam Sơn là con trai của bộ đội, má mừng lắm, bảo: “Bao năm gắn bó với bộ đội, tình cảm sâu sắc như người một nhà, má xác định sống chết ở đây, hổng đi đâu hết trơn”.
Điểm tựa xanh vững chắc
Chuông điện thoại reo vang, đầu dây bên kia báo có tàu cá bị chìm. Nhận thông tin, Phạm Nam Sơn triển khai ngay lực lượng cứu hộ. Trời về đêm, tầm nhìn bị hạn chế, anh điện thoại cho tổ trưởng “Tổ tàu, thuyền an toàn”, trưng dụng con người, phương tiện tại chỗ, lập tức lên đường.
Màn đêm đen đặc, với kinh nghiệm đi biển cùng thiết bị hiện đại hỗ trợ, các anh đã nhanh chóng xác định vị trí con tàu nằm cách cửa biển Rạch Gốc 12 hải lý. Trôi lênh đênh trên biển, thấm cái lạnh về đêm, có người đã nghĩ đến tình huống xấu nhất. Nhưng khi thấy ánh đèn, có cả màu áo xanh của Bộ đội Biên phòng, tất cả vỡ òa: Được cứu rồi! Rất may, không có thiệt hại về người. Sau khi đưa 6 ngư dân vào bờ an toàn, kim đồng hồ đã chuyển sang ngày mới từ lúc nào.
Tuổi Canh Ngọ 1990, cầm tinh con ngựa, Phạm Nam Sơn dường như chưa bao giờ chịu ngồi yên. Không chỉ tham mưu cho đảng ủy, chỉ huy đơn vị thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, mà còn tích cực vận động quần chúng tham gia Phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, Phong trào “Đấu tranh, tố giác tội phạm”, duy trì hiệu quả mô hình “Ấp điểm không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Tổ tàu, thuyền an toàn”...
Quản lý địa bàn trọng yếu, Thiếu tá Phạm Nam Sơn luôn chú trọng công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động nghề cá; quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), nhằm chung tay tháo gỡ “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản Việt Nam. Đồng thời đôn đốc anh em tạo điều kiện, giải quyết nhanh chóng, đúng trình tự, thủ tục quy định để ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản trên các ngư trường truyền thống. Đây không chỉ là hành trình mưu sinh mà còn trực tiếp góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tạm biệt Đất Mũi, nơi các chiến sĩ quân hàm xanh vẫn đang miệt mài công việc. Đi giữa mênh mông rừng ngập mặn, câu vọng cổ ngân lên làm rung rinh nhịp chèo sông nước. Trong không gian bất tận, thấy cánh cò trắng cùng “sắc xanh” lấp lánh trong nắng bình minh mà dường như Đất Mũi chộn rộn niềm vui.
Box: Từ năm 2022 đến nay, Thiếu tá Phạm Nam Sơn đã tuyên truyền được 96 buổi với 2.286 lượt người nghe, vận động 1.020 người dân cam kết về các hoạt động; tham gia củng cố 22 chi hội của địa phương, 24 tổ tự quản an ninh trật tự trên địa bàn; vận động xây dựng 8 nhà đại đoàn kết, 2 cây cầu dân sinh, xây dựng 10km lộ giao thông, trao 1.680 suất quà tặng gia đình chính sách và hộ nghèo trên địa bàn...