Nghĩa tình Hải Dương - Phú Yên qua nhiếp ảnh
Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày kết nghĩa 2 tỉnh Phú Yên - Hải Dương (9/1/1960-9/1/2025), một cuộc triển lãm ảnh giao lưu mang tên 'Nghĩa tình Hải Dương - Phú Yên' đã được tổ chức tại tỉnh Hải Dương. Triển lãm không chỉ giúp người xem cảm nhận được vẻ đẹp của cảnh quan, con người và đời sống của Hải Dương và Phú Yên, mà còn giúp gắn kết tình cảm keo sơn, gắn bó giữa các nghệ sĩ nhiếp ảnh của 2 tỉnh.
1. Tòa nhà của Tập đoàn Babeeni Việt Nam cao 5 tầng tại TP Hải Dương được gia chủ chuyên dùng để trưng bày triển lãm các tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh. Gia chủ là họa sĩ Lê Thanh Hải nặng tình với quê hương nên đã đầu tư và tài trợ nhiều chương trình để nâng đỡ giới nghệ thuật tại Hải Dương. Tháng 6/2024, anh vào Phú Yên cùng với 9 nhà nhiếp ảnh thuộc Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Hải Dương để tham gia Trại sáng tác ảnh nghệ thuật Hải Dương trong lòng Phú Yên - Phú Yên trong lòng Hải Dương. “Kết quả của trại sáng tác này là hàng nghìn tác phẩm ảnh nghệ thuật của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Hải Dương và Phú Yên ra đời, ghi lại những khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên, con người, sự chuyển đổi của cuộc sống, sự phát triển không ngừng của 2 quê hương kết nghĩa…”, họa sĩ Lê Thanh Hải cho biết. Và anh đã quyết định tài trợ, tổ chức một cuộc trưng bày ảnh của hội viên hai tỉnh tại TP Hải Dương nhân kỷ niệm 65 năm Ngày kết nghĩa 2 tỉnh Phú Yên - Hải Dương mang tên “Nghĩa tình Hải Dương - Phú Yên”.
Vậy là các văn nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia Phú Yên chúng tôi có dịp thăm lại Hải Dương để vừa dự lễ khai mạc triển lãm ảnh, vừa được đi sáng tác tại một vùng đất giàu bản sắc văn hóa của đồng bằng sông Hồng được mệnh danh là Thành Đông. Ngay hôm đầu tiên, Chủ tịch Hội VHNT Hải Dương, bà Trương Thị Thương Huyền đưa chúng tôi đến Đảo Cò Chi Lăng Nam vào một buổi chiều cò về thật nhiều để chụp ảnh đại gia đình cò, vạc, bồ nông, chim chóc các loại cùng chung sống trong môi trường trong lành ở một miền quê thuộc huyện Thanh Miện. Chúng tôi còn được đưa đến một cơ sở sản xuất bánh đậu xanh - đặc sản có tuổi đời hàng trăm năm ở Hải Dương. Chúng tôi cũng thăm nhà máy sứ Hải Dương, được chụp ảnh thợ thủ công đang khéo léo múa từng nét cọ lên các bình đất với họa tiết độc đáo tạo nên thương hiệu gốm sứ Hải Dương.
Tôi cũng đến chợ Hải Dương mới được xây xong, sắp đưa vào sử dụng để chụp lại ngay cùng một góc độ mà năm 2010 tôi đã chụp chợ trung tâm TP Hải Dương (lúc đó có tên là chợ Phú Yên) để bổ sung vào bộ sưu tập ảnh Xưa và Nay của tôi. Các hội viên Huỳnh Siêu Tiến, Huỳnh Lê Viễn Duy, Lê Ngọc Minh, Ngọc Ánh… của Chi hội Nhiếp ảnh Phú Yên đều ghi được nhiều khoảnh khắc đẹp tại quê hương kết nghĩa trong chuyến đi này.
2. Trước đó, vào tháng 6/2024, các nhà nhiếp ảnh thuộc Hội VHNT Hải Dương cũng đã có một tuần lễ đầy cảm xúc tại Phú Yên. Đặc thù của nhiếp ảnh là thức khuya, dậy sớm. Vậy là, vào đến Phú Yên, các nhà nhiếp ảnh Hải Dương đến vất vả với anh em nhiếp ảnh Phú Yên vì không hôm nào được “ngủ nướng” đến quá 4 giờ sáng. Cứ hơn 3 giờ sáng, anh em nhiếp ảnh Phú Yên đã có mặt tại khách sạn Hùng Vương để đưa các vị khách Hải Dương đi đón bình minh, lúc thì ở gành Đá Đĩa, lúc ở đầm Ô Loan và hăng hái nhất là cả đoàn dậy lúc 3 giờ rưỡi sáng để kịp vào Mũi Điện đón ánh bình minh ở điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc. Thế nhưng ai nấy vẫn vui vẻ vì khám phá được nhiều điều mới lạ ở vùng đất nghĩa tình này. Cao tuổi như các nhà nhiếp ảnh Văn Quyết, Thiện Tín, Hoàng Hiệp… vẫn xông xáo leo hết các gộp đá của gành Đá Đĩa, say mê chụp cánh đồng muối ở Sông Cầu hoặc thuê thúng chai ra trực tiếp chụp cảnh ngư dân kéo lưới ở Hòn Yến…
Nhiếp ảnh nữ duy nhất của đoàn - chị Đỗ Thanh Mai lại là người năng động nhất, bởi đến điểm nào Thanh Mai cũng xách máy đi tìm góc độ trước, và là người lên xe sau cùng. Đợt ấy Thanh Mai bị té, trặc một tay, phải bó bột, nhưng nhiều anh em phải khen: Mai không bỏ sót một góc độ nào. Trẻ nhất đoàn là Nguyễn Minh Hiền, cũng là tay máy “công nghệ cao” nổi bật nhất trong đoàn. Minh Hiền chuyên flycam, cứ từ trên cao nhìn xuống để phát hiện các góc độ mới lạ của vùng biển Phú Yên. Sau chuyến đi Phú Yên về, Minh Hiền gặt hái thành công rực rỡ nhờ góc nhìn từ trên cao chụp được cảnh đoàn thuyền của ngư dân Lò Ba (phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa) sắp hàng để vào lễ hội cầu ngư. Nhờ tác phẩm này, anh đã đủ điểm để được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.
Qua đợt sáng tác này, chúng tôi cùng phát hiện ra điểm chung của các nhà nhiếp ảnh 2 tỉnh là sự yêu mến, năng động, xông xáo và chăm chút rất kỹ cho tác phẩm để thể hiện tình cảm của mình với quê hương. Cũng qua đó, anh em nhiếp ảnh 2 tỉnh đã “giao kèo” và có nhiều hứa hẹn về những đợt sáng tác sau này.
Nhờ vậy mà trong cuộc triển lãm ảnh giao lưu “Nghĩa tình Hải Dương - Phú Yên” đã có 220 tác phẩm ảnh của các nhà nhiếp ảnh thể hiện một cách sinh động, phong phú và đẹp đẽ cảnh quan, con người, đời sống của Hải Dương và Phú Yên. Triển lãm gồm 3 nội dung: Tác phẩm của các tác giả Hải Dương chụp về Phú Yên; ảnh của các tác giả Phú Yên chụp về Hải Dương và Phú Yên; ảnh về TP Hải Dương. Ở mỗi nội dung, các tác giả đều có những phát hiện độc đáo về vùng đất mà mình yêu mến.
Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL đến dự khai mạc triển lãm, nhận xét: Triển lãm là một cách tiếp cận khá rộng để cho các tác phẩm có thể lan tỏa. Từ cuộc triển lãm này, ông mong muốn giới nghệ sĩ 2 tỉnh Hải Dương và Phú Yên tiếp tục có những sáng tạo, giao lưu, hoạt động mới và có được nhiều tác phẩm mới để phục vụ các hoạt động của 2 tỉnh.
Điểm chung của các nhà nhiếp ảnh 2 tỉnh Hải Dương - Phú Yên là sự yêu mến, năng động, xông xáo và chăm chút rất kỹ cho tác phẩm để thể hiện tình cảm của mình với quê hương.