Bánh dày hương vị quê truyền thống
Không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà Cao Bằng còn là nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa ẩm thực đặc sắc, trong đó có món bánh dày.
Trong truyền thống người Việt, bánh dày tượng trưng cho sự tôn kính trời đất và tinh thần đoàn kết. Bánh dày, trước đây thường xuất hiện trong các dịp lễ Tết, hội làng, bởi quy trình làm khá cầu kỳ và nhiều công đoạn. Tuy nhiên đến nay, khi đời sống ngày càng phát triển, món ăn này trở thành món ăn sáng, ăn nhẹ quen thuộc hay xuất hiện trong những buổi sum họp gia đình.
Không như những nơi khác, bánh dày Cao Bằng mang hương vị đặc trưng đặc biệt ở hương nếp, quyện với sự dẻo dai của bền bỉ của người làm. Ở Cao Bằng, bánh dày chay ăn với giò lợn, hoặc biến tấu pha trộn với các hương vị để tạo ra những chiếc bánh sắc màu, như bánh dày ngải được chế biến cùng với lá ngải, bánh dày gấc hay bánh dày cẩm. Nhân bánh là vừng đen được rang chín, giã nhỏ rồi trộn với đường hoặc có thể thêm lạc rang…
Nguyên liệu chính để làm bánh dày là gạo nếp hương, loại gạo đặc sản của Cao Bằng từ các vùng Bảo Lạc, Trùng Khánh với hạt tròn, dẻo và thơm. Gạo được ngâm kỹ, sau đó đồ chín rồi giã nhuyễn trong cối đá đến khi dẻo mịn. Bánh sau khi giã được nặn thành từng chiếc tròn nhỏ, đều tay. Công đoạn này cũng tốn rất nhiều thời gian, vậy nên thành phẩm cho ra là chiếc bánh dày mềm dẻo, khó cứng hơn so với gạo ở các vùng khác. Đối với các loại bánh ngũ sắc được ngâm gạo với nước lá cẩm hoặc gấc. Riêng bánh ngải cầu kỳ hơn, lá ngải ngải nhặt rửa sạch sẽ rồi đem vào luộc với nước vôi trong để giữ được màu xanh. Lá ngải chín vớt ra vắt hết nước, thái nhỏ, xao qua bằng chảo gang. Khi đồ xôi chín trộn với lá ngải rồi giã nhanh tay, giã đều để bánh được dẻo thơm, lá ngải quyện với gạo nếp tạo thành màu xanh thẫm, khi giã không bị chảy nước là sự pha trộn đạt tỷ lệ chuẩn, tinh bột dẻo dính vào đầu chày. Sau khi giã nhuyễn nhanh tay nặn thành những chiếc bánh nhỏ xinh.
Chủ nhà hàng Lê Ngân - thị trấn Bảo Lạc chia sẻ: Có nguồn gạo nếp ngon nên nhà hàng mình để món ăn này trong menu, dần dần khách du lịch ngày càng tăng, có cả khách ngoại quốc nên món ăn truyền thống này càng trở nên đắt khách. Tuy vậy chỉ có những đoàn khách đặt trước thì mới có thể thưởng thức món ăn này.
Bánh dày là món ăn dân dã, có giá phù hợp với mọi đối tượng. Tại các chợ địa phương hoặc cửa hàng, bánh dày được đóng hộp, có thể di chuyển trong một đến hai ngày, mức giá khoảng 50.000 - 100.000 đồng/hộp. Trong mỗi chiếc bánh, người ta cảm nhận được sự tỉ mỉ, khéo léo và tâm huyết của người làm. Món ăn này không chỉ ngon miệng mà còn mang đến một lát cắt sinh động về đời sống và văn hóa của người Cao Bằng. Dù là người xa quê hay du khách ghé thăm Cao Bằng, chỉ cần thưởng thức một chiếc bánh dày, bạn sẽ cảm nhận được trọn vẹn hương vị của đất trời, con người và văn hóa nơi đây.