Nghĩa tình đồng đội giữa thời bình

Phát huy nghề làm quạt nan truyền thống, bà Nguyễn Thị Tuấn còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ đồng đội, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Tuấn giới thiệu về giấy dó nguyên liệu làm quạt. Ảnh: Văn Đoan

Bà Nguyễn Thị Tuấn giới thiệu về giấy dó nguyên liệu làm quạt. Ảnh: Văn Đoan

Biến những điều trăn trở thành hành động

Làng Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội), từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm quạt giấy truyền thống. Với lịch sử hàng trăm năm, những chiếc quạt nan Chàng Sơn không chỉ là sản phẩm thủ công mà còn là biểu tượng văn hóa, mang đậm dấu ấn của người dân nơi đây.

Năm 1980 sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, nữ thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Thị Tuấn trở về quê hương làm nghề dạy trẻ. Đến năm 2010, làng nghề quạt giấy Chàng Sơn đứng trước bờ vực thất truyền. Để kịp đáp ứng đơn hàng lớn, nhiều hộ gia đình đã ưu tiên số lượng sản phẩm, dẫn đến chất lượng giảm sút nghiêm trọng. Hàng loạt sản phẩm bị khách hàng trả lại, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của làng nghề. Đồng thời, sự xuất hiện của quạt điện đã khiến quạt giấy ngày càng mất đi vị thế, quạt giấy Chàng Sơn dần bị lu mờ.

Đứng trước thực tế làng nghề đang dần mai một, bà Nguyễn Thị Tuấn đã quyết tâm cùng người con trai tìm kiếm hướng đi mới, tập trung vào đổi mới sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo ra những chiếc quạt giấy độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Những ngày đầu “giữ nghề” nghệ nhân đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu chất lượng đến việc học hỏi và cải tiến kỹ thuật. Tuy nhiên, với niềm đam mê và sự kiên trì, bà Nguyễn Thị Tuấn đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo, tạo ra những chiếc quạt giấy độc đáo, kết hợp hài hòa giữa nét đẹp truyền thống và hiện đại.

Mỗi họa tiết trên chiếc quạt đều mang ý nghĩa riêng. Ảnh: Văn Đoan

Mỗi họa tiết trên chiếc quạt đều mang ý nghĩa riêng. Ảnh: Văn Đoan

Mỗi chiếc quạt thành phẩm trải qua 5 bước chính. Bước đầu tiên là chẻ tre, tre được chọn phải là tre bánh tẻ, được ngâm dưới nước khoảng 6-8 tháng, sau đó khéo léo chẻ thành nan mỏng rồi xếp các chẻ nan vào khuôn, mỗi khuôn gồm 12 nan. Các bước còn lại là gọt quạt, phất quạt và hoàn thiện. Trong đó công đoạn phất quạt và chẻ tre là hai công đoạn khó nhất, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cầu kỳ của người thợ lành nghề.

Thông thường, những chiếc quạt giấy, vốn chỉ dùng để quạt mát, nay đã được người nghệ nhân "thổi hồn" biến thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Trên những chiếc quạt, người ta có thể chiêm ngưỡng những bức tranh sơn mài tinh xảo, những câu thơ ý nghĩa, hay những hình ảnh về danh lam thắng cảnh Việt Nam. Mỗi chiếc quạt đều mang một thông điệp sâu sắc, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Từ sản phẩm phục vụ thôn quê, sản phẩm quạt giấy xuất hiện thường xuyên tại các chương trình, sự kiện du lịch, văn hóa ẩm thực, làng nghề truyền thống của Hà Nội. Thông qua gian hàng giới thiệu trong khuôn khổ sự hiện văn hóa, chiếc quạt giấy thu hút khách hàng nhờ những hình ảnh đẹp mắt và tinh xảo. Nhiều năm qua, sản phẩm quạt nan xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,...

Ngoài ra, gia đình bà Nguyễn Thị Tuấn còn chú trọng phát triển du lịch trải nghiệm làng nghề. Mỗi tháng, gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Tuấn đón tiếp từ 2-3 đoàn khách, với hàng trăm lượt người đến tham quan và trải nghiệm. Du khách không chỉ được khám phá quy trình làm quạt độc đáo mà còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm thú vị như tự tay vẽ lên những chiếc quạt của mình.

Bà Nguyễn Thị Tuân (đứng thứ 2 từ trái sang) trao tiền ủng hộ cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NVCC

Bà Nguyễn Thị Tuân (đứng thứ 2 từ trái sang) trao tiền ủng hộ cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NVCC

Nghĩa tình đồng đội

Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuấn còn nhiệt tình tham gia các hoạt động chính trị và xã hội tại địa phương. Bà Nguyễn Thị Tuấn đã được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Chàng Sơn. Luôn đau đáu trước nỗi mất mát và hy sinh của những người đồng đội đã cống hiến tuổi xuân nơi chiến trường, hiện vẫn phải chịu đựng những tổn thương không thể chữa lành về sức khỏe và tinh thần. Với vai trò Chủ tịch Hội Cựu TNXP, bà Nguyễn Thị Tuấn luôn quan tâm đến đời sống của các đồng đội, thường xuyên thăm hỏi, động viên và hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Thông qua hoạt động kêu gọi ủng hộ từ các xưởng sản xuất làng nghề, bà Nguyễn Thị còn kết nối từ mạng xã hội để lan tỏa thông điệp và kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng. Bà Lê Thị Tình, hội viên Hội Cựu TNXP xã Chàng Sơn, mắc bệnh tai biến, sống trong căn nhà nhỏ hẹp, thiếu thốn, đặc biệt là không có nhà vệ sinh. Trước hoàn cảnh khó khăn của bà Lê Thị Tình, bà Nguyễn Thị Tuấn đã phát động chương trình quyên góp, ủng hộ. Chỉ trong ít giờ kêu gọi, số tiền quyên góp đã đạt con số 32 triệu đồng, cải tạo, sửa chữa ngôi nhà cho đồng đội.

Bên cạnh nghĩa tình đồng đội, bà Nguyễn Thị Tuấn quan tâm, giúp đỡ những chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Năm 2020, bà Nguyễn Thị Tuấn kêu gọi được số tiền hơn 100 triệu đồng giúp đỡ chị Phí Thị Thủy, một người mẹ đơn thân, phải vật lộn với căn bệnh hiểm nghèo. Nhờ số tiền này giúp chị Phí Thị Thủy thành công vượt qua ca phẫu thuật não, thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Tại các phong trào quyên góp ủng hộ, bà Nguyễn Thị Tuấn và gia đình luôn tiên phong đi đầu, gia đình bà Nguyễn Thị Tuấn đã ủng hộ 120 triệu đồng xây dựng trụ sở UBND xã Chàng Sơn và 20 triệu đồng cho quỹ phòng, chống dịch Covid-19; ủng hộ 15 triệu đồng cho Quỹ “Vì người nghèo” và Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam”. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Tuấn còn vận động các nhà hảo tâm ủng hộ hơn 70 triệu đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.

Ghi nhận đóng góp tích cực, bà Nguyễn Thị Tuấn nhiều năm liền được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam, nhận Giấy khen của Hội Cựu TNXP TP Hà Nội tặng trong phong trào thi đua xây dựng cụm gia đình TNXP làm kinh tế giỏi, UBND huyện Thạch Thất tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.

Mộc Miên - Văn Đoan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nghia-tinh-dong-doi-giua-thoi-binh-406701-406701.html
Zalo