Nghĩ về Bác khi hướng đến kỷ nguyên mới của dân tộc

Tháng 5, tháng rực rỡ sen vàng, chúng ta càng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - bậc danh nhân làm rạng danh cho đất nước, một con người đau đáu nghĩ suy và phấn đấu cho độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, cho sự tiến bộ của nhân loại. Đó là con người luôn luôn hướng thiện, mong mỏi một thế giới hòa đồng, hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển.

1. Mọi con dân đất Việt yêu nước hiện nay, từ mọi miền đất nước, từ miền núi đến đồng bằng, từ thị thành đến thôn trang, từ mọi giới, mọi thành phần dân cư cả ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, đang thể hiện nghĩ suy và hành động theo tâm ý đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đang hướng về một kỷ nguyên mới của sự phát triển để bước tới đài quang vinh sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Làm bạn với tất cả các nước và không gây thù oán với một ai - đây chính là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời. Đó cũng là mong mỏi, là khát vọng cháy bỏng từ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Vào thời điểm tháng 5-2025 này, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chúng ta thấy rằng, đất nước đã đáp ứng được một cách xuất sắc lòng mong mỏi đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 194 nước, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 13 nước: Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Malaysia, New Zealand, Indonesia, Singapore, Thái Lan.

Đối với các nước ASEAN, Việt Nam có quan hệ ngoại giao cao cấp với toàn bộ các thành viên, trong đó có 2 nước Lào và Campuchia là quan hệ đặc biệt (trong tổng số 3 nước có quan hệ đặc biệt với nước ta: Lào, Campuchia, Cuba). Về kinh tế, Việt Nam có quan hệ với hơn 220 thị trường nước ngoài, trong đó đặc biệt nhất là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đồng thời còn là thành viên của nhiều diễn đàn quốc tế.

Đó là những con số thống kê thực sự có ý nghĩa, là điều mà trước giai đoạn đổi mới, chúng ta chưa dám “mơ” tới. Đất nước ta chưa bao giờ có được “uy tín quốc tế như ngày nay”, đúng như Đại hội XIII của Đảng đã nhận định. Thắng lợi đó là kết quả từ tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh coi Việt Nam là một thực thể không thể tách biệt của thế giới.

Gần đây, trong bài viết Vươn mình trong hội nhập quốc tế, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ: Ngay từ những ngày đầu lập nước, trong bức thư gửi tới Liên hợp quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ tinh thần là Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, bày tỏ mong muốn “thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”.

 Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước tới Việt Nam trong Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc, kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (1950-2025). Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước tới Việt Nam trong Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc, kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (1950-2025). Ảnh: TTXVN

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh dành trọn cuộc đời phấn đấu hy sinh cho độc lập dân tộc, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam, cho hòa bình, hữu nghị hợp tác cùng phát triển của thế giới. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là kết quả của sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, trong đó nội lực có tính quyết định, biến ngoại lực thành một yếu tố quan trọng cấu thành vào trong sức mạnh tổng hợp chung. Hội nhập, hợp tác quốc tế để tăng cường nội lực, tạo thành sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội phải dựa trên cơ sở bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản: Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ - đó là một trong những bài học quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho các thế hệ sau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ thế kỷ XX, thế kỷ phi thực dân hóa, đã khảm vào dòng chảy tiến bộ thế giới tư tưởng phổ quát bất hủ về quyền dân tộc độc lập, quyền con người; trong quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cổ vũ mạnh mẽ cho những người tiến bộ trên thế giới hiểu biết nhau hơn, hòa bình, thân thiện, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Điều đó thật quý giá và càng có giá trị lớn lao hơn khi trong những thập niên đầu thế kỷ XXI này, tình hình thế giới phức tạp, khó lường hơn bao giờ hết.

Thế giới luôn luôn có hai mặt: thuận và không thuận trong sự phát triển. Vẫn còn đó những chính sách bất công và những hành động cản trở sự tiến bộ. Tính cạnh tranh gay gắt của thế giới giữa các nước lớn về địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - văn hóa... có mặt thúc đẩy sự phát triển nhưng lại tạo ra sự bất công, bất bình đẳng về nhiều mặt. Muốn đi lên theo một tốc độ bứt phá thì Việt Nam phải tìm chọn, kích hoạt những yếu tố thuận và hạn chế những điều không thuận, phải khôn khéo để bước đi những bước thật sự vững chắc, có tính chiến lược dài lâu, bảo đảm hài hòa cho lợi ích dân tộc và quốc tế.

Không có gì lạ khi nhiều chính khách và nhiều nhà tư tưởng thế giới coi Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam là một biểu tượng sáng ngời cho giá trị giải phóng: Giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, người dân đất Việt khắp mọi phương trời tiếp tục thực hiện một cách tích cực nhất tư tưởng của Người về chung tay giải quyết những vấn đề toàn cầu. Thế giới luôn luôn động, luôn luôn biến chuyển. Đó là điều tất yếu của cuộc sống. Do vậy, người Việt Nam chúng ta rất cần thiết phải nhắc lại và tiếp tục thấm nhuần quan điểm về phương châm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.

GS-TS MẠCH QUANG THẮNG
Hội đồng Khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nghi-ve-bac-khi-huong-den-ky-nguyen-moi-cua-dan-toc-post795846.html
Zalo