Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW:Tầm nhìn phát triển
Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW cho thấy định hướng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới: cải cách thể chế là đòn bẩy, khu vực tư nhân là động lực quan trọng nhất. Dù tiếp cận từ hai trục khác nhau (thể chế và kinh tế) song hai Nghị quyết lại có mối quan hệ hữu cơ, bổ trợ lẫn nhau và cùng hướng tới một mục tiêu tối thượng: xây dựng Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, thịnh vượng.
Đổi mới thể chế: Nền móng cho mọi cải cách
Trong mọi mô hình phát triển hiện đại, thể chế luôn được coi là yếu tố quyết định, là nền móng cho mọi cải cách.
Sau gần bốn thập niên Đổi mới, hệ thống pháp luật nước ta đã có bước tiến dài về lượng và chất. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy một nghịch lý: pháp luật không thiếu, nhưng vẫn tồn tại nhiều “điểm nghẽn” trong triển khai; chính sách có, nhưng không đến được người dân, doanh nghiệp; kỷ cương phép nước được nhấn mạnh, nhưng trong tổ chức thực hiện lại thiếu sự nhất quán, thiếu trách nhiệm giải trình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan dây chuyền sản xuất tại Tập đoàn THACO. Ảnh: Nhật Bắc
Cùng vào lúc này, nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới - một kỷ nguyên mà đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng đòi hỏi khung pháp lý vừa đầy đủ, đồng bộ, vừa linh hoạt, thích ứng nhanh và dự báo được xu thế tương lai. Đồng thời, việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế “hai con số” cũng đặt ra yêu cầu phải tháo gỡ cho được điểm nghẽn thể chế.
Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới ra đời trong bối cảnh đó, đúng vào ngày quan trọng của đất nước - ngày 30/4.
Nghị quyết đề ra nhiều định hướng cải cách sâu sắc, nổi bật là tư duy đổi mới toàn diện về cách xây dựng và thực thi pháp luật. Theo đó, tư duy lập pháp chuyển từ quản lý sang kiến tạo. Pháp luật không chỉ là công cụ điều chỉnh hành vi, mà phải trở thành động lực phát triển. Cùng với đó, Nghị quyết đặt mục tiêu xây dựng hệ sinh thái pháp luật thân thiện, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; nhấn mạnh việc xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật và tăng cường hậu kiểm, coi kết quả thực thi là thước đo chất lượng luật pháp.
Đặc biệt, lần đầu tiên pháp luật được xác định là lĩnh vực cần đầu tư có trọng tâm, với yêu cầu tăng cường nguồn lực về nhân lực, tài lực, công nghệ và tổ chức. Để bảo đảm thực thi đồng bộ, Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật được thành lập với sự tham gia của gần toàn bộ thành viên Chính phủ, các ủy ban Quốc hội và Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Đây là thiết chế điều phối liên ngành có tính hệ thống, nhằm rút ngắn độ trễ chính sách, nâng cao trách nhiệm, đồng thời tăng cường sự gắn kết giữa lập pháp - hành pháp - giám sát.
Kinh tế tư nhân: Trụ cột quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia
Song hành với Nghị quyết số 66-NQ/TW, Nghị quyết số 68-NQ/TW ban hành một tháng sau đó (ngày 4/5) có lẽ là văn kiện toàn diện và quan trọng nhất từ trước tới nay dành cho kinh tế tư nhân. Lần đầu tiên, khu vực này được xác định là “một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. Đây là sự khẳng định mạnh mẽ chưa từng có về vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân trong chiến lược phát triển đất nước. Cũng lần đầu tiên, Nghị quyết đã chạm đến điều cốt lõi: trao cho doanh nghiệp tư nhân thứ họ cần nhất, đó là niềm tin và sự an tâm để dấn thân và phát triển, bằng những cam kết chính trị mạnh mẽ.
Cùng với những mục tiêu truyền cảm hứng, Nghị quyết số 68-NQ/TW đề ra các giải pháp tháo gỡ tận gốc các điểm nghẽn của khu vực tư nhân. Đó là cải cách thể chế với yêu cầu cải cách thủ tục, cắt giảm điều kiện kinh doanh, số hóa toàn bộ quy trình, đến bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng và thực thi hợp đồng. Đó là yêu cầu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ tư duy "xin – cho" sang tư duy phục vụ; khẳng định doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Các chính sách cụ thể cũng được thiết kế để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển bền vững và hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, vốn là lực lượng đông đảo nhất, cũng được thiết kế cơ chế hỗ trợ riêng biệt, từ miễn thuế, cho đến cung cấp nền tảng số miễn phí và tư vấn pháp lý. Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo được hưởng ưu đãi thuế, khấu trừ chi phí R&D, quỹ phát triển công nghệ và sandbox công nghệ…
Tạo lập và củng cố niềm tin
Việc Bộ Chính trị đồng thời ban hành hai Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW là một bước đi mang tính chiến lược, khẳng định rõ định hướng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới: đó là lấy cải cách thể chế làm đòn bẩy, lấy khu vực tư nhân làm động lực, và lấy công bằng, minh bạch làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Hai Nghị quyết dù tiếp cận từ hai trục khác nhau (thể chế và kinh tế) song có mối quan hệ hữu cơ, bổ trợ lẫn nhau. Bởi lẽ, mọi cải cách kinh tế chỉ thành công với nền tảng là một hệ thống pháp luật tiến bộ, và ngược lại, luật pháp chỉ thực sự phát huy giá trị khi gắn với các mục tiêu phát triển cụ thể.
Nghị quyết số 66-NQ/TW với trọng tâm là đổi mới tư duy, phương pháp và quy trình xây dựng, thi hành pháp luật chính là để mở đường, phá bỏ các “nút thắt thể chế” đang kìm hãm khu vực tư nhân. Trong khi đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW đưa ra yêu cầu cụ thể hơn: cải thiện môi trường đầu tư, bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng và thực thi hợp đồng – không chỉ trên giấy, mà phải được thể chế hóa bằng pháp luật cụ thể và bảo vệ hữu hiệu trong thực tế.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết số 68-NQ/TW nhấn mạnh vai trò của việc “xây dựng khung khổ pháp lý, chính sách đầy đủ, thống nhất, đồng bộ cho phát triển kinh tế tư nhân”; còn Nghị quyết số 66- NQ/TW yêu cầu phải lấy lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong xây dựng pháp luật. Rõ ràng, hai Nghị quyết này là hai mặt của một chiến lược phát triển thể chế tổng thể. Nếu thiếu một môi trường pháp lý ổn định, nhất quán và có thể dự đoán, thì khu vực tư nhân sẽ không thể phát triển. Ngược lại, nếu không có sự lớn mạnh của khu vực tư nhân, thì các cải cách thể chế cũng khó lòng đi vào thực tiễn một cách sinh động. Đây chính là mối quan hệ hai chiều, thúc đẩy lẫn nhau, tạo thành một chuỗi cải cách thể chế liên hoàn, trong đó pháp luật là nền tảng và doanh nghiệp là động lực.
Đặc biệt, với sự đổi mới tư duy với những chính sách đột phá, hai Nghị quyết này không chỉ định hướng chiến lược để tái cấu trúc nền tảng thể chế quốc gia và phát triển kinh tế tư nhân mà còn là nền tảng tạo dựng niềm tin vững chắc cho người dân và doanh nghiệp. Niềm tin về một hệ thống pháp luật hiện đại, khả thi, minh bạch; niềm tin về một Nhà nước kiến tạo, trong đó doanh nghiệp là trung tâm, phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược lâu dài chứ không phải biện pháp tình thế.
Bởi vậy, để hai Nghị quyết này thực sự đi vào cuộc sống, điều quan trọng là không triển khai chúng một cách tách biệt, cục bộ theo từng lĩnh vực, mà phải đặt trong một bức tranh tổng thể. Các nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải cách tư pháp, cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường… phải được phối hợp đồng bộ, có lộ trình rõ ràng, có giám sát và đánh giá kết quả định lượng.
Ở cấp thực thi, cần đặc biệt chú trọng trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, sự gắn kết giữa Trung ương và địa phương, giữa bộ ngành và doanh nghiệp. Quan trọng hơn, cần có thiết chế độc lập đánh giá hiệu quả thực thi pháp luật và chất lượng môi trường kinh doanh, như một cơ chế giám sát “từ bên ngoài” nhằm bảo đảm khách quan, minh bạch và thúc đẩy cải tiến liên tục.
Trong kỷ nguyên cạnh tranh toàn cầu, không phải quốc gia nào có nhiều tài nguyên hơn sẽ phát triển nhanh hơn, mà là quốc gia nào có thể thiết kế và vận hành một hệ thống thể chế hiệu quả, công bằng và minh bạch. Cải cách thể chế – đặc biệt là khâu tổ chức thi hành pháp luật và thúc đẩy khu vực tư nhân – chính là điểm tựa để Việt Nam bước vào chu kỳ phát triển mới, với những nguồn lực đến từ sự sáng tạo, đổi mới và khát vọng vươn lên của mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp.