Nghị quyết số 17-NQ/TU về văn hóa và con người Thanh Hóa: Từ nhận thức đến hành động (Bài 2) - Kiến tạo môi trường tiến bộ, văn minh
Trong quá trình phát triển đất nước, văn hóa và con người luôn được Đảng và Nhà nước ta đặt ở vị trí trung tâm - 'hệ điều tiết của quá trình phát triển'. Và đây cũng là những nhân tố căn bản, góp phần kiến tạo nên môi trường tiến bộ, văn minh làm động lực căn bản cho mọi sự phát triển bền vững.
Thành Nhà Hồ - cái tên nổi bật không chỉ trên bản đồ di sản Việt Nam, mà còn trong kho tàng di sản văn hóa nhân loại, nhờ những giá trị hết sức độc đáo và riêng có. Nếu ví di tích là “bức thông điệp” được vật chất hóa mà thế hệ trước trao truyền lại cho thế hệ sau; thì Thành Nhà Hồ là “bức thông điệp” của những kỳ tích, những vẻ đẹp, những giá trị và những điều bí ẩn. Đó là “bức thông điệp bằng đá”, đã “trơ gan cùng tuế nguyệt” suốt hơn 600 năm, để kể cho hậu thế những câu chuyện thấm đẫm tinh thần dân tộc, tinh thần nhân văn, tinh thần lao động, sáng tạo tuyệt vời của cha ông ta.
Hơn 10 năm kể từ khi bước chân vào kho tàng di sản nhân loại, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo tồn nhằm đưa Thành Nhà Hồ dần trở thành điểm đến văn hóa – di sản hấp dẫn. Trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ về vấn đề này, được biết: Để tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý khu di sản Thành Nhà Hồ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các quy chế, quy định phù hợp với điều kiện quản lý cụ thể tại di sản. Đồng thời, lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản Thành Nhà Hồ và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg, ngày 12/8/2015 về Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch. Đây là một quyết định quan trọng, tạo cơ sở pháp lý và khoa học cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản Thành Nhà Hồ. Cùng với đó, tỉnh đã chú trọng triển khai thực hiện chương trình khảo cổ học chiến lược tại khu di sản, làm căn cứ quan trọng để thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo di sản. Ngoài ra, đã xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án khai thác, phát triển du lịch di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.
Mặc dù có sự quan tâm của tỉnh, song để biến Thành Nhà Hồ trở thành một “Thánh địa Mỹ Sơn của Việt Nam”, có khả năng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, thì vẫn là câu chuyện cần bàn. Thực tế cho thấy, tuy lượng khách đến với Thành Nhà Hồ tăng qua từng năm, nhưng so với vị thế và tiềm năng của một di sản văn hóa thế giới, thì lượng khách vẫn còn khá khiêm tốn. Ví như năm 2024, Thành Nhà Hồ thu hút 260.000 lượt khách tham quan; trong đó, khách nội địa là 257.008 lượt, khách quốc tế là 2.992 lượt. Ngoài ra, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ lưu trú, sản phẩm du lịch tại di sản vẫn còn chậm so với mục tiêu và yêu cầu đặt ra.
Nhiều năm gần đây, cùng với việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa, tỉnh Thanh Hóa cũng đã xây dựng và triển khai nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy sự nghiệp văn hóa trên địa bàn. Tính riêng giai đoạn 2014-2024, tỉnh đã đầu tư 6.501,9 tỷ đồng từ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước và 3.412,2 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; tổ chức các ngày lễ, ngày kỷ niệm, các hoạt động văn nghệ, thể thao quần chúng, các lễ hội truyền thống; xây dựng, sửa chữa các thiết chế văn hóa; bổ sung và nâng cao kiến thức của đội ngũ cán bộ làm văn hóa...
Song thực tế cho thấy, việc khai thác nguồn lực văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vẫn luôn là câu chuyện không dễ và là vấn đề có tính hai mặt. Ví như khai thác di sản văn hóa để phát triển du lịch là không dễ, bởi để biến tiềm năng di sản thành những con số lợi ích kinh tế cần nhiều cơ chế, chính sách đủ lực làm đòn bẩy. Còn tính hai mặt của nó là bởi cần có tư duy làm kinh tế du lịch một cách khoa học, bài bản. Trong đó, phải hài hòa giữa quản lý sao cho di sản không bị xâm hại bởi các hoạt động kinh tế (tham quan du lịch) và phát triển sao cho hiệu quả (thu hút đông du khách). Chưa kể, để khai thác hiệu quả các di sản (nhất là các di sản văn hóa thế giới, di sản văn hóa quốc gia đặc biệt) phục vụ du lịch, thì cần chú trọng đến khâu bảo tồn, tôn tạo và đầu tư các hạng mục cơ sở vật chất du lịch (nơi ăn, nghỉ, mua sắm...). Trong khi, để làm được điều này phải “thông” được rất nhiều quy định liên quan đến Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư...
Bên cạnh những cái khó trong khai thác và phát huy nguồn lực văn hóa cho phát triển, thì việc tạo dựng môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh, văn minh cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là tệ nạn xã hội và tình trạng vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp, trong đó có ảnh hưởng mặt trái từ mạng xã hội. Đó là thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội ở một số địa phương có nhiều biến tướng gây phản cảm, lãng phí. Đó là tình trạng di tích xuống cấp và tư tưởng nôn nóng, tùy tiện trong tu bổ di tích gây dư luận không tốt trong giới chuyên môn và Nhân dân. Đó là hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở nông thôn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ sau sáp nhập các đơn vị hành chính và việc khai thác công năng còn đơn điệu, hình thức...
“Chìa khóa” khơi nguồn lực nội sinh
Những khó khăn, thách thức đặt ra trong việc biến nguồn lực văn hóa thành sức mạnh nội sinh cho phát triển, vốn dĩ là vấn đề không mới. Song để có những giải pháp hữu hiệu, khả thi nhằm tháo cho được các “nút thắt”, lại không phải chuyện ngày một ngày hai. Chính vì vậy, việc triển khai quyết liệt và hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 4/7/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới, được kỳ vọng sẽ từng bước khắc phục những bất cập đang tồn tại trong sự nghiệp phát triển văn hóa xứ Thanh. Từ đó, tạo ra tiền đề cho sự hình thành và phát triển đời sống văn hóa lành mạnh, lối sống văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng. Đồng thời, chắt lọc thành những giá trị phổ quát, bền vững, có khả năng chi phối, điều chỉnh, định hướng sự phát triển của cả cộng đồng, của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, gia đình và mỗi người dân.
Để làm được điều đó, Nghị quyết số 17-NQ/TU đã chỉ rõ, trước hết và quan trọng hơn cả là phải “khai thông” tư tưởng, nhận thức cho cộng đồng và mỗi người dân về vai trò của văn hóa nói chung; về quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa và hiệu quả của việc phát triển, văn hóa con người Thanh Hóa đối với sự phát triển quê hương. Từ đó, khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người dân Thanh Hóa đối với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và với quê hương, đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, nhất là sự bùng nổ của khoa học công nghệ như hiện nay, thì yêu cầu đặt ra là phải chống lại sự ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục. Muốn làm được điều đó lại cần phải dựa trên văn hóa dân tộc, với các giá trị cốt lõi là tinh thần yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo... được bồi đắp, phát triển trên nền tảng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn với hệ giá trị dân tộc - dân chủ - nhân văn - khoa học. Từ đó, tạo ra “kháng thể” đủ sức ngăn chặn, đẩy lùi những luồng văn hóa độc hại, trái với thuần phong mỹ tục dân tộc.
Văn hóa là sản phẩm của sự sáng tạo không ngơi nghỉ, do đó, cần khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới và tạo dựng thương hiệu các sản phẩm văn hóa đặc trưng của Thanh Hóa. Muốn vậy, phải dựa trên nhân tố cốt lõi của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới, để tập trung xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện về các mặt đức, trí, thể, mỹ. Đồng thời, tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh từ trong gia đình đến cộng đồng; xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế... Trong đó, đề cao tinh thần đoàn kết, trung thực, nhân ái, nghĩa tình, đề cao dân chủ gắn với thượng tôn pháp luật. Tập trung bồi đắp cho mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ, những giá trị truyền thống tốt đẹp trong ứng xử, lối sống nhân văn, trọng danh dự, sống trách nhiệm với xã hội, có thế giới quan khoa học, có lý tưởng và khát vọng cống hiến; sống có tự trọng, có dũng khí đấu tranh đẩy lùi cái xấu, cái ác, tôn vinh cái đẹp, cái tốt trong xã hội...
Để khơi nguồn lực văn hóa cho phát triển, thì cần nguồn lực đầu tư cho văn hóa. Nguồn lực này không đơn thuần là kinh phí từ ngân sách Nhà nước đầu tư cho công tác bảo tồn di sản, tổ chức các hoạt động văn hóa, triển khai các phong trào, các cuộc vận động...; mà còn là nguồn lực con người, nguồn nhân lực cán bộ. Đồng thời, văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, vì vậy cần triển khai các cơ chế, chính sách xã hội hóa nhằm huy động tối đa nhân lực, vật lực trong cộng đồng để xây dựng môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh, văn minh, hay nền văn hóa đại chúng “của dân”, “do dân” và “vì dân”. Điều này cũng đã được Nghị quyết số 17-NQ/TU nhấn mạnh như một nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, bên cạnh việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực để xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới; tỉnh cũng xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực văn hóa; cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ và cán bộ văn hóa. Đồng thời, đầu tư hoàn thiện các thiết chế, công trình văn hóa tiêu biểu của tỉnh và hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, cũng như khai thác công năng của các thiết chế với vai trò như môi trường cho sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của Nhân dân.
...
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Muốn vậy, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU phải dựa trên nền tảng vững chắc là truyền thống văn hóa xứ Thanh để “gieo trồng” và sáng tạo các giá trị văn hóa mới, hay nuôi dưỡng và phát triển các giá trị tốt đẹp. Từ đó, văn hóa và con người xứ Thanh - với các giá trị bản sắc được hun đúc qua hàng ngàn năm và cả những giá trị văn hóa mới - thực sự trở thành “nội lực” cơ bản thúc đẩy quá trình đổi mới và phát triển quê hương.