Chủ tịch VCCI: Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, DN sẽ cảm thấy an toàn hơn, dòng chảy vốn sẽ khơi thông
Theo Chủ tịch VCCI, việc đưa ra các định hướng chi tiết theo hướng không hình sự hóa quan hệ dân sự giúp cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp không chỉ hào hứng còn cảm thấy an tâm và an toàn cho bản thân, gia đình, cộng sự khi đầu tư.
Đánh giá về Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân vừa ban hành mới đây, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng đây là một cú hích, một Nghị quyết truyền cảm hứng cho doanh nhân, doanh nghiệp và cho toàn xã hội để cùng đồng lòng huy động các nguồn lực vào phát triển kinh tế.
Vị này cho biết doanh nghiệp luôn luôn có khát vọng phát triển nhưng mà thời gian vừa qua đã có sự chững lại kể cả dòng vốn của đầu tư các doanh nghiệp cũng như vốn từ người dân.
"Chưa bao giờ chúng ta nhìn thấy tiền gửi tiết kiệm cao như vậy và người dân mua vàng, mua USD và mua bất động sản nhiều như vậy. Với việc ban hành Nghị quyết 68, đây có thể là bước chuyển mình, tháo gỡ nút thắt cho dòng chảy vốn đầu tư tư nhân.", ông Công đánh giá.
Không hình sự hóa quan hệ kinh tế

Theo Chủ tịch VCCI, để huy động được sức dân cho sự phát triển các doanh nghiệp tư nhân thì môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, minh bạch và công bằng là điều kiện tiên quyết.
Vấn đề này cũng đã được đề cập rất rõ trong Nghị quyết 68 với chủ trương "không hình sự hóa các hoạt động kinh tế".
"Hiện tại khuôn khổ pháp lý là rất khắt khe, có thể vi phạm chỉ 10 triệu, 50 triệu về mặt kinh tế cũng đã bị vi phạm luật hình sự rồi thì đương nhiên là bị hình sự hóa", ông Phạm Tấn Công cho hay.
Do đó, việc quy định rất sâu, rất chi tiết về xử lý các vụ án trong Nghị quyết 68 là một bước đột phá lớn.
Cụ thể, Nghị quyết đã nêu rõ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm.
"Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo".
Hay như: "Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. Đối với các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng phải sớm có kết luận, tránh ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, doanh nhân. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án."
Không chỉ là nêu nguyên tắc, Nghị quyết 68 đưa ra giải pháp về việcsửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các vụ việc, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.
Theo Chủ tịch VCCI, những định hướng, giải pháp này làm cho doanh nhân, doanh nghiệp không chỉ hào hứng còn cảm thấy an tâm và an toàn cho bản thân, cho gia đình, cho doanh nghiệp cho cộng sự của mình khi họ đầu tư.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược), cho rằng Nghị quyết 68 đã nói rất rõ và đưa ra các biện pháp rất quyết liệt về việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Đồng thời với đó là hạn chế việc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
"Lâu nay, chúng ta vẫn cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm và ít người bàn luận đến. Thậm chí, các văn bản, kiến nghị cũng không đầy đủ, không triệt để. Tuy nhiên, Nghị quyết 68 đã đi khá đầy đủ và khá cụ thể những giải pháp không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự", ông Cung chỉ ra.
Đồng thời, cũng có giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực thanh tra, kiểm tra và không làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Cũng trong văn bản này, Bộ Chính trị đã quyết định đưa vào Nghị quyết quy định mỗi năm chỉ được thanh tra một lần.
"Đối với một doanh nghiệp, tôi cho rằng đây là giải pháp ấn tượng, tạo động lực lớn. Việc phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra quá nhiều cũng là một hạn chế khiến các doanh nghiệp không muốn lớn bởi càng lớn lên, càng mở rộng kinh doanh thì rủi ro pháp lý của họ càng nhiều", ông Cung nói.
Lệnh "mở cửa, thông đường" đã có, làm sao để thực hiện?
Với Nghị quyết 68, có thể nói lệnh "mở cửa, thông đường" đã có chứ chưa thể nói rằng "đường đã mở và cửa đã thông" bởi khâu khó quan trọng và khó nhất chính là tổ chức thực hiện.

Chủ trương đã có tổ chức thực hiện như thế nào để người dân và doanh nghiệp yên tâm gia tăng đầu tư thì lại là câu chuyện cần nói đến. Trong đó, môi trường kinh doanh, niềm tin của doanh nghiệp, doanh nhân là yếu tố quan trọng, Chủ tịch VCCI kiến nghị.
Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, Nghị quyết 68 đã rất tốt, không thể kỳ vọng hơn nữa nhưng việc thực thi Nghị quyết đó như thế nào lại là vấn đề cần bàn đến. Nghị quyết đã có cách nghĩ khác thì cách làm cũng cần phải khác đi.
Để đạt hiệu quả cao, cách thức thực hiện cần có sự chỉ đạo rõ ràng từ trên xuống, mang tính bắt buộc, mạnh mẽ.
Nhìn lại, các đề án về tinh giản bộ máy, cải cách thể chế, tháo gỡ rào cản phát triển kinh tế tư nhân đều cần một cuộc cách mạng thực sự: Bỏ đi nhiều quy định không còn phù hợp, giảm thiểu số lượng văn bản pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển từ kiểm soát hậu kiểm sang kiểm soát phòng ngừa, và từng bước thay đổi hệ thống quản lý nhà nước. Đây chính là bước ngoặt của hệ thống thể chế, ông Cung nhận định.
Lấy ví dụ về việc thực hiện Nghị quyết này, ông Cung chỉ ra rằng, cách thức thực hiện hiện nay vẫn dựa vào Chính phủ, Quốc hội, các bộ, địa phương ban hành kế hoạch hành động. Tuy nhiên, phương pháp này gặp nhiều thách thức do còn phụ thuộc vào bộ máy hành chính nhà nước và khả năng thực thi Nghị quyết.
"Phải mất từ 3 - 5 tháng để xây dựng kế hoạch hành động và cũng không thể chắc chắn kế hoạch này sẽ phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết", vị chuyên gia này cho biết và kiến nghị bên cạnh việc xây dựng kế hoạch hành động, Chính phủ cần thành lập thêm một nhóm công tác đặc biệt, dưới sự chủ trì, lãnh đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thành viên nhóm sẽ là các chuyên gia độc lập cùng với đại diện của các doanh nghiệp và có phần nào đó là thành viên các bộ, trong đó có Bộ Tư pháp. Nhóm này sẽ rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật, kiến nghị bãi bỏ các quy định không cần thiết, không còn phù hợp, những thủ tục hành chính thể hiện sự xin – cho.
Cùng với đó, cần rà soát, xây dựng ban hành những văn bản mới, ví dụ như văn bản tạo khuôn khổ pháp luật với các quỹ đầu tư, công ty đầu tư, huy động phát triển thị trường vốn trung và dài hạn đối với việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Chủ tịch VCCI cũng kiến nghị các hiệp hội doanh nghiệp cũng cần tích cực phản ánh ý kiến của doanh nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện Nghị quyết 68. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý có thể điều chỉnh cơ chế, chính sách sao cho tạo sự phát triển tốt nhất cho kinh tế tư nhân, đúng với tinh thần của Nghị quyết 68.