Nghị quyết 68 đặt ra yêu cầu cấp thiết về hoàn thiện thể chế pháp luật

Để Nghị quyết 68 đi vào đời sống cần khẩn trương thể chế hóa bằng việc sửa đổi, bổ sung các đạo luật có liên quan, đặc biệt là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Tố tụng hình sự, Tố tụng dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Phá sản, các luật về thuế, kế toán, kiểm toán, thị trường chứng khoán…

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới. Đây được đánh giá là một cột mốc quan trọng thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy hoạch định chính sách kinh tế của Đảng, phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013 và định hướng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Luật sư Hoàng Văn Hà, Giám đốc Công ty luật ARC Hà Nội (HNLAW) nhận định, Nghị quyết 68 không chỉ mang ý nghĩa chính trị sâu sắc mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết về hoàn thiện thể chế pháp luật, bảo đảm sự minh bạch, an toàn và công bằng cho doanh nghiệp tư nhân. VnBusiness đã có cuộc trao đổi với luật sư về chủ đề này.

Luật sư Hoàng Văn Hà, Giám đốc Công ty luật ARC Hà Nội (HNLAW)

Luật sư Hoàng Văn Hà, Giám đốc Công ty luật ARC Hà Nội (HNLAW)

Dưới góc độ pháp lý, luật sư nhìn nhận thế nào về ý nghĩa của Nghị quyết 68?

-Hiến pháp năm 2013 xác lập nền tảng pháp lý vững chắc cho mô hình kinh tế nhiều thành phần, trong đó quy định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nền tảng quan trọng của nền kinh tế quốc dân” (Điều 51).

Tôi cho rằng việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW là bước tiếp nối quá trình thể chế hóa tinh thần của Hiến pháp, đồng thời là thông điệp chính trị mạnh mẽ khẳng định Nhà nước khuyến khích, bảo vệ và đồng hành cùng khu vực kinh tế tư nhân phát triển bền vững, minh bạch và chính đáng.

Nghị quyết đặt ra các mục tiêu rõ ràng, trong đó không ít mục tiêu được nhận định là khá tham vọng đối với khu vực kinh tế tư nhân. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

-Nghị quyết 68 xác định rõ: đến năm 2045, khu vực kinh tế tư nhân phải đóng góp trên 60% GDP, có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên, kèm theo các mục tiêu là hàng loạt nhiệm vụ cải cách thể chế, hành chính, chính sách thuế, tín dụng, thị trường... nhằm gỡ bỏ các rào cản pháp lý và hành chính còn cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

Điểm rất đáng chú ý là Nghị quyết nhấn mạnh việc chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước từ “quản lý” sang “kiến tạo phát triển”. Đây là sự thay đổi tư duy mang tính chiến lược, thể hiện rõ vai trò của hệ thống pháp luật trong việc tạo dựng môi trường đầu tư – kinh doanh minh bạch, ổn định và có thể dự báo.

Theo ông, Nghị quyết đã phân định rõ trách nhiệm pháp lý, bảo đảm môi trường kinh doanh an toàn, công bằng cho doanh nghiệp?

-Đúng vậy, một điểm đột phá trong tư duy pháp lý của Nghị quyết 68 thể hiện rõ tại mục 2.3, khi đặt ra yêu cầu phân định rạch ròi giữa trách nhiệm hình sự, hành chính và dân sự, cũng như giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý các sai phạm - đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, tài chính và đầu tư.

Nghị quyết xác định rõ rằng ưu tiên cơ chế xử lý dân sự, kinh tế, hành chính trước hình sự. Theo đó, cần ưu tiên các biện pháp xử lý mang tính khắc phục, sửa sai. Doanh nghiệp và doanh nhân được phép chủ động khắc phục hậu quả trong các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật dân sự, kinh tế. Chỉ khi các hành vi vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự và không thể áp dụng các biện pháp dân sự, hành chính thì mới xem xét xử lý hình sự.

Tôi cho rằng đây là một định hướng quan trọng nhằm giảm thiểu tình trạng hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế, điều vốn là mối quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong nhiều năm qua.

Xin luật sư phân tích sâu hơn về nội dung làm rõ giới hạn trách nhiệm giữa pháp nhân và cá nhân. Đây cũng là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp đang rất lo ngại!

-Mặc dù Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã ghi nhận chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại nhưng trên thực tế vẫn còn không ít vụ việc nhập nhằng giữa trách nhiệm của cá nhân quản lý và pháp nhân, gây ra hệ quả pháp lý nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh.

Nghị quyết 68 yêu cầu rõ ràng việc sửa đổi pháp luật hình sự, dân sự và tố tụng để làm rõ ranh giới trách nhiệm này. Đồng thời, tránh tình trạng truy cứu trách nhiệm chồng chéo, không công bằng hoặc sử dụng công cụ hình sự để gây sức ép không chính đáng đối với doanh nghiệp và doanh nhân.

Ngoài ra, Nghị quyết còn đưa ra những nguyên tắc gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, thưa luật sư?

-Một điểm rất đáng lưu ý nữa là việc bảo vệ nguyên tắc suy đoán vô tội và quyền kinh doanh hợp pháp. Việc xác lập nguyên tắc: “Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng hình sự” là một thông điệp mạnh mẽ về niềm tin pháp lý và sự bảo vệ quyền kinh doanh hợp pháp.

Bên cạnh đó, nguyên tắc “không hồi tố bất lợi cho doanh nghiệp” và yêu cầu “sớm kết luận vụ việc khi chứng cứ không rõ ràng” sẽ hạn chế triệt để các rủi ro pháp lý kéo dài, gây mất uy tín và làm tê liệt hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tất cả điều này cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân được thừa nhận và bảo vệ theo một trật tự pháp lý rõ ràng, minh bạch, mang tính khuyến khích thay vì trừng phạt. Qua đó góp phần tạo dựng niềm tin vào môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Theo ông, để những nguyên tắc đi vào cuộc sống, cần hành động cụ thể gì từ phía cơ quan lập pháp và hành pháp?

-Để các nguyên tắc nêu trên không chỉ dừng lại ở định hướng chính trị, tôi cho rằng cần khẩn trương thể chế hóa bằng việc sửa đổi, bổ sung các đạo luật có liên quan, đặc biệt là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Tố tụng hình sự, Tố tụng dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Phá sản, các luật về thuế, kế toán, kiểm toán, thị trường chứng khoán…

Quan trọng là việc sửa đổi phải đồng bộ, nhất quán và phù hợp với các cam kết quốc tế, bảo đảm doanh nghiệp tư nhân được vận hành trong một môi trường pháp lý công bằng, rõ ràng, ổn định và có thể dự báo.

Cuối cùng, với tư cách là một luật sư, ông có chia sẻ gì thêm về vai trò của giới luật gia trong việc hiện thực hóa Nghị quyết 68?

-Với tư cách là luật sư, tôi đánh giá Nghị quyết 68 là bước tiến quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng trong việc phát triển kinh tế tư nhân, đi kèm với việc thiết lập một hành lang pháp lý hiện đại, tiến bộ, nhân văn và phù hợp thực tiễn.

Tuy nhiên, để Nghị quyết thực sự đi vào đời sống, cần có sự chung tay của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan tư pháp và đội ngũ làm luật – mà trong đó có các tổ chức hành nghề luật, như chúng tôi, đóng vai trò không thể thiếu trong việc chuyển hóa tinh thần chính sách thành hành động pháp lý cụ thể, công bằng và hiệu quả.

Xin trân trọng cảm ơn luật sư!

Đỗ Kiều (thực hiện)

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin-chuyen-gia/nghi-quyet-68-dat-ra-yeu-cau-cap-thiet-ve-hoan-thien-the-che-phap-luat-1106763.html
Zalo