Nghị quyết 68: bước ngoặt tư duy đổi mới nhưng cần tránh vòng lặp 'cởi rồi trói'

Biến Nghị quyết 68 thành hành động thiết thực hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân sẽ gặp nhiều rào cản lớn, một trong số đó là thay đổi tư duy quản lý, tránh rơi vào vòng lặp 'cởi rồi trói'.

Đổi mới tư duy để tháo gỡ điểm nghẽn quản lý là yêu cầu được nhiều doanh nghiệp tư nhân nêu. Ảnh minh họa.

Đổi mới tư duy để tháo gỡ điểm nghẽn quản lý là yêu cầu được nhiều doanh nghiệp tư nhân nêu. Ảnh minh họa.

Gỡ điểm nghẽn phải đổi tư duy

Giới doanh nghiệp đang “phát sốt” với tinh thần của Nghị quyết 68 của Bộ chính trị về khả năng “cởi trói” cho khối doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, thực tế từ nhiều chính sách phát triển kinh tế tư nhân được ban hành từ trước đến nay, lo ngại chung vẫn là khả năng thực thi.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, khả năng thực thi là điểm nghẽn hiện nay. Việc ban hành chính sách không đủ và quan trọng là chính sách đó có tạo được cơ chế tiếp cận nguồn lực công bằng và hiệu quả cho doanh nghiệp hay không, ông Thành chia sẻ tại tọa đàm "Gỡ điểm nghẽn thể chế – Khơi thông nguồn lực tư nhân" do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TPHCM tổ chức mới đây.

Ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Secoin, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), nói rằng Nghị quyết 198 của Quốc hội, Nghị quyết 139 của Chính phủ ban hành rất nhanh sau Nghị quyết 68 của Bộ chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đã tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp về sự quyết liệt của giới quản lý.

Thậm chí, ông Kỳ so sánh Nghị quyết 68 với “Khoán 10”, đã giúp Việt Nam thay đổi tư duy, vươn lên vào nhóm quốc gia xuất khẩu nông sản số 1 thế giới, đi từ nền tảng gốc rễ là nông nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay vẫn là áp dụng vào những câu chuyện thực tế.

Chẳng hạn, ông Kỳ dẫn ví dụ quy định dành quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các khu công nghiệp, bản thân Ban quản lý khi trao đổi với ông cho biết rằng không biết làm như thế nào, vì “chính sách đưa ra không cụ thể”. “Những mô hình thực tế phải từ chính sách đi đến hành động, hành động phải có bước cụ thể thì chính sách mới có hiệu quả”, ông Kỳ nhấn mạnh.

Theo ông Kỳ, thay đổi tư duy là câu chuyện rất quan trọng, trong đó cần xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Trong một thời gian dài cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp vẫn hiểu rằng doanh nghiệp muốn làm gì thì phải đăng ký.

Chia sẻ tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty T&T Vina, Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, nêu rõ thực trạng mà doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp đang gặp phải là “quản không được thì cấm”, khiến nhiều sáng kiến và nhu cầu đầu tư bị bó hẹp. Do đó, ông Tùng cho rằng nếu Nghị quyết không đi sâu vào đời sống thì doanh nghiệp và người dân khó “hấp thụ” và kỳ vọng cơ chế sớm được cụ thể hóa ở cấp thực thi.

Ở một góc nhìn khác, ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai, Phó Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay là “nỗi sợ trách nhiệm” của cán bộ thực thi. “Nếu tinh thần Nghị quyết 68 thực sự đi vào từng cán bộ, từng phòng ban thì thời gian xử lý sẽ rút ngắn rất nhiều,” ông nói.

Các diễn giả trao đổi cùng doanh nghiệp tham gia tại Tọa đàm thảo luận "Từ nghị quyết đến hành động" do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TPHCM tổ chức ngày 27-5. Ảnh: V.D.

Các diễn giả trao đổi cùng doanh nghiệp tham gia tại Tọa đàm thảo luận "Từ nghị quyết đến hành động" do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TPHCM tổ chức ngày 27-5. Ảnh: V.D.

Thoát khỏi vòng lặp “cởi rồi trói”

Thay đổi tư duy quản lý là nhằm “cởi trói” cho khối doanh nghiệp tư nhân. Đây không phải là vấn đề mới, được nói đến nhiều trong những năm qua. “Nhưng thực tế như thế nào thì chúng ta cũng đã biết”, ông Kỳ đặt vấn đề.

Ông Thành của Fulbright nói rằng ở đây có vòng luẩn quẩn giữa việc “cởi” và “trói”. Theo đó, bản chất của Nghị quyết là cởi trói, cắt giảm thủ tục nhưng sau này có thể bị cáo buộc rằng doanh nghiệp đang lạm dụng chính sách hỗ trợ. Vòng luẩn quẩn ở đây nghĩa là khi pháp luật thông thoáng thì cho là còn nhiều lổ hổng, buông lỏng quản lý nên phải “trói” lại.

Khi đó thì vi phạm ít hơn nhưng cuối cùng không ai làm gì, rồi lại dẫn tới nhu cầu “cởi”. “Một điểm quan trọng là Nghị quyết lần này không rơi vào vòng lặp luẩn quẩn trên”, ông Thành nhấn mạnh.

Nguồn: Báo cáo nghiên cứu của ông Nguyễn Xuân Thành (2025).

Nguồn: Báo cáo nghiên cứu của ông Nguyễn Xuân Thành (2025).

Lo ngại về khả năng thực thi của cơ quan nhà nước là một vấn đề lớn khi tạo hành lang thông thoáng hơn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn ngoài các văn bản dưới luật do Bộ ngành ban hành, nếu như các tỉnh không dám thực hiện hay ban hành những quy định bổ sung, rồi trình duyệt dự án lớn ra Trung ương, nghĩa là kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Do đó, khuyến nghị của các chuyên gia tập trung vào việc thoát khỏi vòng lặp “cởi rồi trói” này. Ông Thành cho rằng để phát triển kinh tế tư nhân cần hỗ trợ bằng nguồn lực thực của nhà nước, đồng thời hạn chế tạo thêm các bộ máy giám sát rườm rà để kiểm soát đích đến của chính sách.

Một khuyến nghị khác là chuyển đổi cơ chế tài chính công cho đơn vị nhà nước có chức năng điều tiết thị trường và quản lý doanh nghiệp, bao gồm thanh tra kiểm tra. Khi đơn vị này có ngân sách đặc biệt thì sẽ có đủ nguồn lực tài chính, cải cách tiền lương, dễ áp dụng KPI cũng như dễ kiếm người tài hơn.

Mối quan hệ giữa các bên cũng phải được thay đổi theo hướng tích cực hơn. Chẳng hạn, ông Nguyễn Bá Diệp, Nhà đồng sáng lập MoMo, đề xuất mối quan hệ giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải xem như là “bố-con” vì hỗ trợ theo hướng đồng hành hơn thay vì bạn bè, tức thay đổi cách tiếp cận hệ thống quản lý.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng phải có đầu mối độc lập xử lý vấn đề theo hình thức liên bộ, giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến fintech, hiện phải làm việc với rất nhiều ban ngành khác nhau.

Từ góc độ hệ thống, ông Kỳ cũng nêu bài học chuyển đổi từ quốc gia Estonia, rằng các doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ một lần, sau đó các bên quản lý nhà nước cần thông tin sẽ tự truy cập tùy theo mức độ phân quyền, thay vì như ở Việt Nam phải làm lại nhiều bộ hồ sơ giống nhau và nộp cho các bên khác nhau.

Từ góc độ ngân hàng, để kéo doanh nghiệp về gần hơn, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, khuyến nghị cần có hệ thống xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì khó tiếp cận nguồn vốn tín chấp.

Ngoài ra, ông Phát cũng cho rằng phía doanh nghiệp cũng phải minh bạch hệ thống báo cáo tài chính. “Đây là điểm cốt lõi giúp ngân hàng thẩm định rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải minh bạch dòng tiền từ hoạt động sản xuất hay đầu tư, không thể lẫn lộn với nhau”, ông Phát nói.

Điều này nghĩa rằng để thoát vòng lặp không chỉ cơ quan quản lý mà chính bản thân doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi. Kinh doanh tuân thủ pháp luật, minh bạch và có trách nhiệm là yêu cầu cần thiết.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nghi-quyet-68-buoc-ngoat-tu-duy-doi-moi-nhung-can-tranh-vong-lap-coi-roi-troi/
Zalo