Nghị quyết 66 định vị vai trò của Việt Nam trong trật tự pháp lý quốc tế

Từ một quốc gia chịu sự điều chỉnh, Việt Nam đang định hướng thành bên kiến tạo, góp phần định hình các quy tắc toàn cầu mới.

Ngày 30-4, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là cột mốc đánh dấu một bước chuyển mới về chủ trương chủ động tham gia định hình trật tự pháp lý quốc tế.

Nghị quyết này cho thấy nhu cầu của Việt Nam không chỉ là tạo điều kiện hội nhập, mà còn là phản ứng cần thiết trước sự gia tăng tranh chấp quốc tế và sự thay đổi nhanh chóng của các chuẩn mực pháp lý toàn cầu.

 Đại sứ Nguyễn Hồng Thao (trái) hai lần là thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp Quốc. Ảnh: VOV

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao (trái) hai lần là thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp Quốc. Ảnh: VOV

Góp phần kiến tạo, định hình quy tắc toàn cầu mới

Có thể thấy Nghị quyết 66 đã mở rộng mục tiêu cải cách không chỉ giới hạn trong phạm vi tư pháp mà còn được mở rộng ra tới hoạt động xây dựng. Mục tiêu hội nhập được cụ thể hóa bằng cột mốc: “Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm ba nước dẫn đầu ASEAN”.

Ở địa hạt của công pháp quốc tế, tầm nhìn tới năm 2045 đòi hỏi Việt Nam có hệ thống pháp luật tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến nhưng phù hợp với bối cảnh của quốc gia, đảm bảo bảo vệ hiệu quả quyền con người.

 Ths Nguyễn Đình Đức.

Ths Nguyễn Đình Đức.

Như vậy, các cam kết về quyền con người trong các Công ước mà Việt Nam đã và có thể tham gia cũng như chuẩn mực thương mại quốc tế sẽ là những nội dung trọng tâm của hợp tác quốc tế trong giai đoạn tới.

Trong ngắn hạn, hệ thống pháp luật về đầu tư sẽ được ưu tiên củng cố và xây dựng phù hợp với những tiêu chuẩn quốc tế để tăng cường khả năng thu hút đầu tư, đủ khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực.

Các nhiệm vụ mà Nghị quyết 66 đặt ra về nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế cho thấy pháp luật quốc tế không chỉ còn được xem là điều kiện hội nhập mà còn là một công cụ để tạo tác động của Việt Nam tới cộng đồng quốc tế.

Đây là Nghị quyết đầu tiên về vấn đề xây dựng pháp luật khẳng định kỳ vọng tham gia xây dựng pháp luật quốc tế, thể hiện sự trưởng thành trong tư duy chính sách. Từ một quốc gia “chịu sự điều chỉnh” bởi các luật chơi quốc tế, Việt Nam đang định hướng trở thành một bên kiến tạo, góp phần định hình các quy tắc toàn cầu mới.

Tuyến phòng thủ chủ động cho Việt Nam

Để đạt được mục tiêu tham gia xây dựng pháp luật quốc tế, Việt Nam cần hoàn thành mục tiêu dài hạn là xây dựng một đội ngũ chuyên gia thông thạo luật quốc tế.

Hai cơ quan tài phán quốc tế thường trực mà Việt Nam có thể có sự hiện diện là Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) và Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Đây là hai cơ quan đều ghi nhận nguyên tắc thành phần của Tòa án phải đảm bảo đại diện của các hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới và có sự phân chia công bằng về mặt địa lý.

Điều này đặt nền tảng cho khả năng tham gia của những chuyên gia người Việt có đủ chuyên môn và uy tín trên trường quốc tế.

 Phiên điều trần của Tòa án Công lý Quốc tế. Ảnh: REUTERS

Phiên điều trần của Tòa án Công lý Quốc tế. Ảnh: REUTERS

Do các cơ chế này đều đòi hỏi có sự đề cử từ quốc gia, chính vì vậy việc lựa chọn các ứng viên tham gia vào các cơ chế tài phán, thể chế nói trên dựa vào uy tín cá nhân và ảnh hưởng của quốc gia trong chính trị quốc tế.

Mặc dù các thẩm phán hay thành viên của các cơ quan này sẽ không tham gia với tư cách đại diện quốc gia mà chỉ phụng sự công lý nhưng với sự hiện diện của họ, tư duy pháp luật Việt Nam sẽ được đại diện và lắng nghe trước hệ thống pháp luật quốc tế.

Nếu không có chuyên gia Việt Nam trong các thể chế đó, đồng nghĩa với việc cách tiếp cận và bối cảnh pháp lý đặc thù của Việt Nam sẽ không được phản ánh khi pháp luật quốc tế được giải thích và áp dụng.

Đặc biệt với các vấn đề về Luật biển, sự tham gia của Việt Nam càng có ý nghĩa bởi Việt Nam là một trong số quốc gia ven biển chịu nhiều tác động nhất của biến đổi khí hậu, cũng như nằm trong khu vực có những tranh chấp phức tạp. Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đặt vấn đề với ông Tomas Heidar, Chánh án ITLOS tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Việt Nam.

Trong một thế giới ngày càng phân cực, nơi mà quyền lực pháp lý quốc tế đang bị cạnh tranh bởi lợi ích địa - chính trị, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam rơi vào thế dễ tổn thương nếu thiếu năng lực ứng phó pháp lý.

Thực tế cho thấy các cường quốc không ngần ngại sử dụng các công cụ pháp lý và kinh tế để gây sức ép. Ví dụ điển hình là các vụ áp thuế đối ứng của Hoa Kỳ bất chấp quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như các hình thái lẩn tránh xuất xứ từ các quốc gia đang bị áp thuế trừng phạt hoặc biện pháp phòng vệ thương mại.

Trong các tình huống như vậy, việc hiểu và vận dụng luật quốc tế trở thành tuyến phòng thủ chủ động, cho phép Việt Nam không chỉ phản biện chính sách quốc tế một cách hợp pháp mà còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân, doanh nghiệp và Nhà nước bằng cơ sở pháp lý vững chắc.

Cụ thể, Cơ chế hình thành Ban hội thẩm (Panel) của WTO cho phép sự tham gia của người đại diện các Quốc gia thành viên WTO. Vậy, việc chuẩn bị một lực lượng cán bộ tư pháp và chuyên gia sẵn sàng bảo vệ lợi ích của Việt Nam là vô cùng cần thiết.

Trong môi trường quốc tế mà quan hệ quyền lực đang tái cấu trúc, các cơ chế pháp lý quốc tế có thể trở thành đòn bẩy chiến lược giúp Việt Nam chủ động trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, mà không phụ thuộc hoàn toàn vào phương tiện cứng như quân sự, kinh tế.

Việc đa dạng hóa các kênh, từ đàm phán song phương, cơ chế hòa giải, trọng tài đến tòa án quốc tế, là hướng đi phù hợp, giúp chúng ta không bị bó hẹp vào các giải pháp đối đầu, mà vẫn giữ vững chủ quyền và nguyên tắc pháp lý.

Chiến lược xây dựng đội ngũ chuyên gia

Tư duy hội nhập quốc tế trong cải cách tư pháp không phải là điều mới, mà là sự tiếp nối có định hướng phù hợp với bối cảnh đất nước hiện nay.

Để có thể đảm bảo thực thi thành công các mục tiêu của Nghị quyết 66, cần xác định Việt Nam không cần trở thành một cường quốc pháp lý nhưng hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia có trách nhiệm và có tiếng nói pháp lý riêng trong cộng đồng quốc tế.

Trong công cuộc cải cách và xây dựng pháp luật tới đây, cần xem xét cẩn thận sự ràng buộc của các nghĩa vụ quốc tế phát sinh từ các Điều ước quốc tế và Thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và đưa vào tiêu chí ưu tiên trong toàn bộ tiến trình.

Việc đảm bảo quá trình thực thi luật quốc tế bằng việc chuyển hóa hay áp dụng thành công các quy định này trong Luật quốc gia chính là một dấu ấn lớn cho phép Việt Nam xây dựng hình ảnh một quốc gia sẵn sàng tiếp nhận các nguồn đầu tư và bảo vệ các nhà đầu tư theo đúng chuẩn mực quốc tế.

Ngoài ra, Việt Nam không nên chỉ tập trung vào các cơ chế tài phán bởi các vị trí này thường có nhiệm kỳ dài và cạnh tranh.

Ủy ban Pháp luật Quốc tế (ILC) với tư cách Ủy ban chuyên môn được Đại hội đồng Liên hợp quốc thành lập cũng là cơ quan có tầm ảnh hưởng trong xây dựng thể chế quốc tế và cũng nên được coi là một đích đến cho các chuyên gia Việt Nam. Còn nhớ, tháng 5-2018, lần đầu tiên Việt Nam có một chuyên gia trúng cử trở thành thành viên của ILC là đại sứ Nguyễn Hồng Thao.

Việc hướng tới xây dựng đội ngũ chuyên gia sẵn sàng tham gia ứng cử các cơ quan giám sát do các Ủy ban của các Công ước Quốc tế hình thành cũng có thể là một lựa chọn phù hợp. Ví dụ, các vị trí Báo cáo viên đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc hoặc thành viên của các Nhóm Công tác của Hội đồng này đều dựa trên các tiêu chí về chuyên môn và đạo đức cũng như sự chấp thuận của Hội đồng.

Việt Nam đang là một thành viên của Hội đồng và tuyên bố tái ứng cử vào nhiệm kỳ 2026-2028. Với những kinh nghiệm đã có, nếu tiếp tục tiếp thu tích cực các khuyến nghị để củng cố uy tín của quốc gia trong việc thực thi các Công ước, Việt Nam sẽ có thêm một kênh để tận dụng tạo đòn bẩy tăng cường ảnh hưởng của quốc gia.

Đối với vấn đề về phát triển nguồn nhân lực, các trường đại học, viện nghiên cứu, và các cơ quan ngành Tư pháp cần chung tay trong chiến lược dài hạn thông qua chính sách học bổng, tăng cường hợp tác đào tạo quốc tế, đặc biệt là hợp tác với chính các cơ quan tài phán quốc tế cũng như các Hiệp hội Trọng tài viên trên thế giới để tận dụng nguồn nhân lực người Việt Nam tại nước ngoài muốn đóng góp cho quê hương.

Từ đây, đào tạo thế hệ kế cận sẽ không chỉ phục vụ hoạt động tư pháp mà còn tham gia nghiên cứu luật quốc tế để ứng phó hiệu quả hơn và có thể tận dụng tốt công cụ này để giảm thiểu rủi ro pháp lý cũng như bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

5 nhiệm vụ hợp tác quốc tế

Nghị quyết 66 đặt ra 5 nhiệm vụ về nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế.

Cụ thể, yêu cầu nâng cao năng lực thể chế và đội ngũ để thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế, chủ động tham gia xây dựng thể chế và pháp luật quốc tế; xử lý hiệu quả các tranh chấp pháp lý phát sinh, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư và thương mại.

Đồng thời, thực hiện cơ chế đặc biệt để thu hút, đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực pháp luật quốc tế và hợp tác quốc tế về pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế.

Thúc đẩy sự hiện diện của chuyên gia Việt Nam tại các tổ chức và cơ quan tài phán quốc tế; mở rộng hợp tác quốc tế, xây dựng mạng lưới chuyên gia trong và ngoài nước để hỗ trợ nghiên cứu, tư vấn các vấn đề pháp lý mới.

LÊ THOA ghi

Ths NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC, Giảng viên Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/nghi-quyet-66-dinh-vi-vai-tro-cua-viet-nam-trong-trat-tu-phap-ly-quoc-te-post848828.html
Zalo