Nghị quyết 57 tháo điểm nghẽn cho doanh nghiệp phát minh, sáng chế

Nghị quyết 57-NQ/TW được kỳ vọng sẽ biến hàng trăm nghìn phát minh, sáng chế, kết quả nghiên cứu khoa học thành 'vàng'…

Công ty TNHH Công nghệ chế tạo và Hóa chất công nghiệp NTN đã tìm ra phương pháp kỹ thuật mới, ghép thành công mối ghép các đầu bồn innox không cần dùng công nghệ hàn trước đây, nhưng khi cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích lại là công ty khác. Ảnh: MH

Công ty TNHH Công nghệ chế tạo và Hóa chất công nghiệp NTN đã tìm ra phương pháp kỹ thuật mới, ghép thành công mối ghép các đầu bồn innox không cần dùng công nghệ hàn trước đây, nhưng khi cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích lại là công ty khác. Ảnh: MH

Nhận diện điểm nghẽn

Nghị quyết 57-NQ/TW đã chỉ rõ cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật về khoa học, công nghệ, sở hữu trí tuệ, thuế… để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.

Tuy nhiên, một câu chuyện thực tế cho thấy có những điểm nghẽn về cơ chế thu hút vốn đầu tư cho nghiên cứu, sáng tạo, thương mại hóa sản phẩm, bảo vệ quyền tác giả, bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, năm 2016, kỹ sư chế tạo máy Hồ Viết Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ chế tạo và Hóa chất công nghiệp NTN, người có kinh nghiệm 20 năm chuyên môn sâu trong dây chuyền sản xuất bồn inox, phát hiện ra rằng các mối hàn lăn của bồn inox dễ bị rỉ sét, nhanh hỏng, tuổi thọ sản phẩm thấp.

Không chấp nhận điều đó, ông đã miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm tìm cách khắc phục nhược điểm này. Sau 2 năm với vô số thử nghiệm, kỹ sư Thắng đã tìm ra phương pháp kỹ thuật mới, ghép thành công mối ghép các đầu bồn innox không cần dùng công nghệ hàn trước đây.

Kết quả là các mối ghép có tuổi thọ cao và không bị gỉ sét. Sáng chế này có thể mang lại lợi ích hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng/năm nhờ tăng được tuổi thọ và giảm giá thành bồn inox nếu sản xuất quy mô lớn.

Từ thành công đó, năm 2018, ông Thắng đã tạo ra chiếc máy ghép đầu bồn inox. Tuy nhiên, do thiếu nguồn vốn và mạng lưới phân phối rộng khắp toàn quốc để đưa sản phẩm ra thị trường nên ông Thắng buộc phải hợp tác, ký hợp đồng với một công ty để đưa máy ghép đầu bồn inox do ông Thắng sáng tạo ra vào dây chuyền sản xuất bồn inox của một tập đoàn lớn.

Tháng 5/2019, Công ty hợp tác với ông Thắng đã nộp đơn đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích vào tháng 3/2023. Thế nhưng, tác giả không phải là kỹ sư Hồ Viết Thắng mà là giám đốc của công ty đối tác.

“Nếu có một cơ chế để có thể dễ dàng vay vốn sản xuất, mở rộng kinh doanh thì sáng chế của tôi có thể giúp hàng trăm doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà máy sản xuất bồn innox với giá rẻ hơn. Nếu cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chặt chẽ hơn, kết quả nghiên cứu đã có thể phổ biến rộng rãi, mang lại lợi ích lớn cho đất nước, xã hội.

Tôi cho rằng, Nghị quyết 57-NQ/TW với tinh thần đột phá mới mẻ, đặc biết là tư duy chuyển từ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sang thúc đẩy tài sản hóa, thị trường hóa, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu sẽ là điều kiện quan trọng để hàng trăm nghìn phát minh, sáng chế có thể biến thành tài sản, thúc đẩy sự phát triển cho đất nước”, kỹ sư Hồ Viết Thắng chia sẻ.

Không chỉ có việc thương mại hóa khó khăn, các doanh nghiệp sử dụng giải pháp sáng tạo còn đối mặt với các rủi ro pháp lý nếu có tranh chấp xảy ra. “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ cần bảo vệ nhà nghiên cứu, sáng tạo bằng việc đẩy nhanh quá trình cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích nhưng cũng cần bảo vệ quyền và nghĩa vụ cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm từ kết quả nghiên cứu đó. Đây là vấn đề mà khi triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW cũng cần quan tâm”, ông Vũ Văn Tâm, Giám đốc Công ty Việt Tâm Phát chia sẻ.

Tạo cơ chế thu hút đầu tư và bảo vệ quyền sở hữu

Trong cuộc làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ cuối tuần qua, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh sở hữu trí tuệ bao giờ cũng là nằm trong hệ sinh thái nghiên cứu – đầu tư – sản xuất nên cần chú trọng vào bảo vệ hệ sinh thái này và để tài sản hóa sở hữu trí tuệ thì cần dựa trên nền tảng bảo hộ và khai thác tài sản. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo muốn tồn tại, phát triển bền vững thì phải thu hút được đầu tư cho nghiên cứu, đẩy mạnh được thương mại kết quả nghiên cứu.

“Sở hữu trí tuệ chính là cơ sở để thương mại hóa và thu hút đầu tư cho khoa học, công nghệ. Sau đó biến kết quả nghiên cứu thành tài sản mà tài sản mới có thể định giá, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp có vốn, tức là hình thành thị trường các kết quả nghiên cứu và chỉ có thị trường mới tạo ra động lực phát triển quốc gia lâu dài cho lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Cùng với phát triển tài sản trí tuệ, ông Hùng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo hộ. Nếu một nhà khoa học công bố kết quả, nhưng hôm sau có người thương mại hóa trước, nhà nghiên cứu sẽ mất động lực. Doanh nghiệp nhỏ sáng tạo cái mới nhưng bị các "ông lớn" sao chép rồi bán, họ cũng không muốn làm tiếp.

"Không có sở hữu trí tuệ, không ai muốn làm nghiên cứu. Không có bảo hộ không tạo ra được sân chơi để phát triển thị trường. Trộm cắp trí tuệ tràn lan sẽ không có sáng tạo trí tuệ, không có khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo", Bộ trưởng nhấn mạnh, cho rằng cần coi việc trộm cắp trí tuệ cũng như trộm cắp tiền, tài sản và ngành sở hữu trí tuệ cần lưu ý hơn về vấn đề này.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2024, trong điều kiện đặc biệt khó khăn do có những thay đổi về cơ chế tài chính đặc thù nhưng Cục Sở hữu trí tuệ đã nỗ lực rất lớn để xử lý được hơn 140.000 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, tăng 13,9% so với năm 2023, đó là lượng đơn được thẩm định cao nhất từ trước đến nay. Năm 2025, mục tiêu phải xử lý hơn 163.000 đơn sẽ là một áp lực rất lớn cho Cục Sở hữu trí tuệ.

Ngay sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW được ban hành, Cục đã đề ra các giải pháp để thực hiện được các mục tiêu. Trước đây, Cục xây dựng kế hoạch trên cơ sở năng lực của các đơn vị thẩm định đơn thì năm nay, Cục đề ra chỉ tiêu cụ thể, trong đó nội lực của đơn vị xử lý được bao nhiêu đơn, số lượng còn lại vượt quá năng lực nội tại chính là bài toán phải giải.

Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ thương mại hóa sáng chế thành công trên thế giới khoảng 10-15%, nhưng muốn thành công thì số lượng sáng chế phải nhiều. Do đó, cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức tạo ra được các sản phẩm nghiên cứu có chất lượng để có thể đăng ký sáng chế.

Vốn đầu tư của Nhà nước mang tính dẫn dắt, còn khối tư nhân đầu tư cho khoa học - công nghệ gắn với động lực cạnh tranh trên thị trường, làm giàu bằng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là giải pháp để gia tăng tỷ lệ thương mại hóa sáng chế một cách bền vững.

Thái Khang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nghi-quyet-57-thao-diem-nghen-cho-doanh-nghiep-phat-minh-sang-che-2402563.html
Zalo