Nghĩ khác, làm khác
TP HCM trở thành hình mẫu cả nước là nhờ có những lãnh đạo tiên phong, dấn thân và sẵn sàng mở đường
Ngày nay, giữa dòng xe tấp nập trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, những tòa nhà hiện đại của Phú Mỹ Hưng, những nhà máy nhộn nhịp ở Khu Chế xuất (KCX) Tân Thuận (quận 7, TP HCM), ít ai ngờ nơi đây từng là vùng đầm lầy, hoang vu thời hơn 30 năm trước. Có một con người đã nhìn thấy tương lai từ trong bùn lầy năm ấy. Đó là ông Phan Chánh Dưỡng - chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu quận 5 (Cholimex) - người đặt nền móng cho KCX đầu tiên của cả nước.
Trọng dụng nhân tài
"Thành lập KCX Tân Thuận là một hành trình dài" - ông Dưỡng bắt đầu câu chuyện bằng một giọng trầm nhưng ánh mắt vẫn sáng như thời trai trẻ. Ông nhớ rõ từng dấu mốc, từng bước ngoặt - như thể mọi chuyện mới vừa xảy ra hôm qua.

KCX Tân Thuận ngày nay. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Năm 1988, khi Nghị quyết 6 mở đường cho chính sách đổi mới, TP HCM đề nghị 8 công ty lớn của thành phố, trong đó có Cholimex cùng đề xuất những ý tưởng đột phá để thu hút đầu tư nước ngoài. Khi ấy, đất nước còn bị cấm vận - điều này khiến mọi tính toán kinh tế đều trở nên vô cùng khó khăn và rủi ro.
"Tôi may mắn khi xung quanh mình có nhiều bạn trí thức rất giỏi" - ông Dưỡng kể. Đó là những tiến sĩ được đào tạo ở Anh, Pháp, Đức - sau này được biết đến là "Nhóm thứ Sáu" - nhóm nghiên cứu kinh tế chuyên đề của Thành ủy TP HCM ra đời tháng 10-1986, thường họp vào chiều thứ Sáu.
Ông Dưỡng đã quy tụ họ thành nhóm nghiên cứu kinh tế chuyên đề của Cholimex. Lúc bấy giờ, kinh tế quốc doanh là chủ đạo nên các thành viên trong nhóm phải bàn rất kỹ để vừa thu hút được đầu tư nước ngoài vừa bảo vệ được kinh tế quốc doanh. Thế là một ý tưởng táo bạo nảy sinh: "Nếu không thể để doanh nghiệp (DN) nước ngoài cạnh tranh trực tiếp với DN trong nước, thì tại sao không tạo ra một khu vực riêng - nơi họ chỉ sản xuất để xuất khẩu? Lúc đó, tôi chưa hiểu hết kinh tế nhưng anh em hiểu rất sâu nên phân tích, giải thích rất cặn kẽ" - ông Dưỡng nói.
Nếu làm khu công nghiệp, DN ngoại sẽ được mua nguyên liệu trong nước, bán sản phẩm ra thị trường nội địa. DN trong nước chắc chắn không thể cạnh tranh vì bị hạn chế giá mua nguyên liệu. Hơn nữa, với tiềm lực mạnh hơn, công nghệ hiện đại hơn, kinh nghiệm nhiều, lại thuê được lao động giá rẻ, hàng hóa làm ra sẽ rẻ và tốt hơn mình, họ chắc chắn sẽ lấn át các DN trong nước còn non yếu. "Chúng ta sẽ tự bóp chết mình nếu không biết chọn đúng mô hình" - ông Dưỡng nói.
Thay vào đó, KCX - một mô hình đang thành công ở Đài Loan (Trung Quốc), sẽ là một "vùng đất đặc biệt" - nơi DN ngoại chỉ được phép sản xuất để xuất khẩu, không cạnh tranh trong nội địa, không lấy nguyên liệu trong nước. Với suy nghĩ ấy, ông Phan Chánh Dưỡng mạnh dạn trình đề án lên thành phố và được thông qua nhanh chóng. Nhưng chọn được mô hình mới chỉ là một nửa chặng đường. Vấn đề lớn tiếp theo là đặt KCX ở đâu?
Thành quả của sự kiên trì
Ban đầu, ông Dưỡng chọn Tân Cảng - nơi có cảng, thuận lợi cho xuất khẩu. Nhưng khu vực này do quân đội quản lý nên đành gác lại ý định. Ông rong ruổi qua Nhà Bè, Thủ Đức... Ông nhìn về một bán đảo Tân Thuận - một vùng đất trũng, nhiều kênh rạch nhưng lại rất gần trung tâm, chỉ cách một cây cầu.
"Tôi chọn Tân Thuận vì ở đó gần cảng Sài Gòn. Chưa kể khu vực này rất gần các quận 4, 7 và 8, lao động nhiều, điện nước có sẵn, hạ tầng dễ kéo tới. Nhà đầu tư nước ngoài khi sang Việt Nam đâu chỉ quan tâm nhà máy - họ còn muốn sống, làm việc gần trung tâm. Tân Thuận có thể là điểm đến lý tưởng" - ông Dưỡng chia sẻ.
Nhưng lãnh đạo thành phố lúc đầu không đồng ý. Thành phố chọn Cát Lái làm KCX vì có sông, đất rộng và người thưa. Kết quả là suốt 2 năm, không có nhà đầu tư nào mặn mà. Khi lãnh đạo thành phố mời lên hỏi: "Giờ anh muốn làm ở đâu?", ông Dưỡng quả quyết: "Tân Thuận!". Vậy là lãnh đạo thành phố gật đầu.
Cuộc đại phẫu vùng đất bùn bắt đầu. Đất thì có, nhưng lấy đâu ra tiền? Cuối cùng, ông Dưỡng cùng cộng sự xây dựng mô hình "Hợp tác đầu tư" với Tập đoàn Central Trading & Development (CT&D): thành phố góp đất, nhà đầu tư góp tiền xây dựng hạ tầng với tỉ lệ chia lãi 3-7 (thành phố hưởng 30%, nhà đầu tư được 70%). "Nếu thất bại, đất vẫn là của mình; nếu thành công, mình có cả một khu đô thị vàng" - ông Dưỡng nói.
Sau khi giải quyết được câu chuyện "tiền đâu" thì vấn đề phức tạp nhất xuất hiện - đền bù, giải phóng mặt bằng. "Dân không chịu giá thấp, DN không chịu giá cao. Đó là bài toán không đơn giản" - ông kể, giọng trầm lại. Nhưng với sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố, sự thấu cảm và đồng lòng của người dân, sau nhiều năm, công tác giải phóng mặt bằng hoàn tất. Thế là KCX đầu tiên của TP HCM, của Việt Nam được xây dựng - một mô hình chưa từng có. Từ một vùng hoang vu, Tân Thuận bắt đầu lột xác.
Biến đầm lầy thành "đô thị vàng"
Bài học quý giá nhất từ những năm tháng ấy, theo ông Dưỡng, là vai trò của người lãnh đạo. "Lãnh đạo khi đó rất quyết tâm. Không có lãnh đạo dám chịu trách nhiệm, cấp dưới không ai dám làm. Mình giỏi mấy cũng không làm được" - ông Dưỡng đúc kết.
Theo ông, mọi công trình lớn đều cần 3 yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Trong đó, theo ông, "thiên thời" chính là ý chí lãnh đạo. "Địa lợi" là sự ủng hộ, đồng thuận của người dân địa phương. "Nhân hòa" là đội ngũ những người lăn xả, trực tiếp làm việc. Tất cả phải hội đủ thì mới có thể làm nên chuyện.
"Sau này người ta hay nhắc đến những người trực tiếp đi làm, nhưng nếu không có những người lãnh đạo quyết tâm, dám làm, cho chủ trương, thì không ai dám làm theo cả" - ông Dưỡng nhìn nhận và nói đằng sau sự dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm ấy là những người lãnh đạo luôn biết đặt người dân lên trên hết.
Ông Phan Chánh Dưỡng khẳng định: "TP HCM có thể đi đầu, đổi mới, trở thành hình mẫu cả nước là nhờ có những người lãnh đạo tiên phong, sẵn sàng mở đường". Câu chuyện của KCX Tân Thuận chỉ là một phần nhỏ trong dòng chảy lớn của đổi mới mà TP HCM luôn đi đầu.

Ông Phan Chánh Dưỡng kể lại quá trình hình thành KCX Tân Thuận. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Từ một vùng đất bị bỏ quên, KCX Tân Thuận trở thành một địa chỉ hút vốn FDI, cất cánh trở thành hình mẫu để sau này hàng loạt khu công nghiệp, khu công nghệ cao khác nối gót ra đời. KCX Tân Thuận sau này không chỉ thành công về mặt kinh tế, mà còn là một phần ký ức của thời kỳ đổi mới - nơi khởi đầu của một tư duy kinh tế hiện đại; một minh chứng rõ nét cho một thế hệ bản lĩnh, tiên phong.
Những con người đã nhìn thấy thành phố tương lai từ trong bùn lầy hiện tại. Từ nơi hoang vu trở thành KCX, từ đất bùn mà thành đô thị vàng - đó là giấc mơ của cả một thế hệ. Một giấc mơ đô thị hóa đã không còn là điều viển vông mà là hiện thực rực rỡ giữa lòng thành phố mang tên Bác.
Ngày nay, tinh thần dám nghĩ, dám làm ấy không chỉ cần ở TP HCM mà cần lan tỏa lên Trung ương. Bởi theo ông Dưỡng, "TP HCM giờ cũng là một cấp trung gian. Trung ương nếu không quyết tâm, không tạo điều kiện thì thành phố cũng khó làm. Muốn có luật lệ phù hợp thực tế thì phải lắng nghe từ cơ sở, từ địa phương mà điều chỉnh lên".
Từ chuyện khai hoang vùng đầm lầy Nhà Bè để hình thành KCX Tân Thuận, đến những đột phá trong thời bao cấp và đổi mới, TP HCM là nơi bắt đầu những điều chưa từng có, mở lối cho những mô hình mới. Và hôm nay, khi đối mặt với những thách thức mới, tinh thần ấy vẫn là ngọn lửa nhiệt huyết, đổi mới cần được tiếp tục thắp lên.
Thành lập năm 1991, Công ty TNHH Tân Thuận (TTC) đã ghi dấu ấn lịch sử khi trở thành KCX đầu tiên và thành công nhất Việt Nam. Qua hơn 30 năm phát triển và xây dựng, KCX Tân Thuận với diện tích 300 ha đã trở thành một trung tâm hiện đại và đa chức năng, thu hút khoảng 250 nhà đầu tư đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo việc làm cho hơn 70.000 lao động, xuất khẩu mỗi năm thu về hơn 2 tỉ USD.