Nghị định hợp tác công tư về khoa học công nghệ sẽ ban hành trong tháng này

Lần đầu tiên Việt Nam xây dựng cơ chế hợp tác công tư trong khoa học công nghệ, dự kiến ban hành nghị định trong tháng 6 để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị ngày 21-6. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị ngày 21-6. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc xây dựng nghị định nhằm tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, huy động hiệu quả nguồn lực từ khu vực tư nhân, thúc đẩy các lĩnh vực chiến lược trở thành động lực trung tâm cho tăng trưởng kinh tế bền vững, TTXVN đưa tin.

Theo ông Thắng, dù đã có Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhưng riêng với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vẫn cần một khung cơ chế linh hoạt và đặc thù hơn.

Bộ trưởng cho biết, dự thảo Nghị định sẽ được hoàn thiện và ban hành trong tháng 6, có hiệu lực từ ngày 1-7 theo kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết 57.

Ông thừa nhận khó khăn lớn nhất là việc phân loại và định giá tài sản, nhưng khẳng định nếu thực hiện công khai, minh bạch và có phương pháp phù hợp thì vẫn có thể giải quyết hiệu quả.

Theo Bộ Tài chính, nghị định sẽ mở rộng thêm các hình thức hợp tác công tư ngoài những hình thức đã được quy định tại Luật PPP và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Đồng thời,nghị định mới bổ sung cơ chế ưu đãi đầu tư vượt trội, phân cấp mạnh mẽ, đơn giản hóa thủ tục, rút gọn quy trình cho phù hợp với đặc thù của lĩnh vực khoa học công nghệ.

Nghị định cũng sẽ quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tổ chức chủ trì và nhà đầu tư, nhằm bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả và kiểm soát rủi ro trong thực hiện.

Bộ Tài chính đánh giá, nguyên nhân khiến mô hình PPP chưa phát huy hiệu quả trong lĩnh vực này là do thiếu khung pháp lý linh hoạt cho sự hợp tác giữa Nhà nước - doanh nghiệp - các tổ chức khoa học công nghệ (như trường đại học, viện nghiên cứu); thiếu cơ chế chia sẻ rủi ro, ưu đãi đủ mạnh và quy trình thủ tục chưa phù hợp với yêu cầu nghiên cứu phát triển công nghệ chiến lược.

Tại hội nghị, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Viettel, CMC, FPT, Vingroup cùng nhiều chuyên gia khẳng định sự cần thiết của việc ban hành Nghị định. Các đại biểu đồng tình với mục tiêu chung, đồng thời đóng góp nhiều đề xuất thiết thực và bày tỏ sẵn sàng tham gia triển khai khi nghị định được thông qua.

Bình Dương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nghi-dinh-hop-tac-cong-tu-ve-khoa-hoc-cong-nghe-se-ban-hanh-trong-thang-nay/
Zalo