CPI 6 tháng đầu năm tăng 3,27%, vẫn trong tầm kiểm soát
CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh áp lực chủ yếu từ giá vật liệu xây dựng, xăng dầu và dịch vụ y tế có sức tăng mạnh.

Tính chung cả quý 2, CPI bình quân tăng 3,31% so với cùng thời điểm năm 2024. (Ảnh: Vietnam+)
CPI bình quân 6 tháng tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này phản ánh áp lực từ giá vật liệu xây dựng, xăng dầu và dịch vụ y tế, song vẫn nằm trong ngưỡng kiểm soát.
Mặt bằng giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong nửa đầu năm ghi nhận những biến động đáng chú ý với những tác động từ cả thị trường trong nước và thế giới.
Theo số liệu vừa được Cục Thống kê công bố sáng ngày 5/7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này phản ánh áp lực từ giá vật liệu xây dựng, xăng dầu và dịch vụ y tế, song vẫn nằm trong ngưỡng kiểm soát của Chính phủ. Điều này cho thấy tính hiệu quả của các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều bất ổn. Song song đó, lạm phát cơ bản - chỉ số phản ánh biến động giá tiêu dùng sau khi đã loại trừ giá lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và giá dịch vụ do Nhà nước quản lý (y tế, giáo dục) tăng 3,16%.
Nhiều nhóm ngành tăng giá đột biến
Tại buổi Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý 2 và 6 tháng đầu năm, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá cho biết trong tháng Sáu, mặt bằng giá đã có sự nhích lên. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở, đặc biệt là cát, đá, gạch tăng cao bất thường, cộng thêm giá xăng dầu tăng theo nhiên liệu thế giới là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2025 tăng 0,48% so với tháng Năm. So với tháng 12/2024, CPI tháng Sáu đã tăng 2,02% và tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả quý 2, CPI bình quân tăng 3,31% so với cùng thời điểm năm 2024.
Nhìn lại bức tranh 6 tháng đầu năm, đại diện Cục Thống kê chỉ ra các tác động chủ yếu từ một số nhóm hàng chủ yếu. Cụ thể, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,69%, tác động làm CPI chung tăng 1,24 điểm phần trăm. Trong đó, giá thịt lợn tăng tới 12,75% do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tăng cao dịp lễ, Tết và riêng yếu tố này đã làm CPI chung tăng 0,43 điểm phần trăm.

Chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ khác cũng tăng 6,6%, làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm. (Ảnh: Vietnam+)
Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,73% và làm CPI chung tăng 1,08 điểm phần trăm. Nguyên nhân chính là giá thuê nhà và giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở leo thang. Thêm vào đó, chỉ số giá điện sinh hoạt 6 tháng lên mạnh 5,51% do nhu cầu tăng và hai đợt điều chỉnh giá của EVN (11/10/2024 và 10/5/2025), tác động làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm.
Ngoài ra, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng đột biến 13,87%, làm CPI chung tăng 0,75 điểm phần trăm. Mức tăng này chủ yếu do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT của Bộ Y tế, có hiệu lực từ cuối năm 2024. Chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ khác cũng tăng 6,6%, làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, nền kinh tế ghi nhận một vài yếu tố giúp kiềm chế đà tăng của lạm phát. Cụ thể, chỉ số giá nhóm giao thông trong 6 tháng đã giảm 3,63%, làm giảm CPI chung 0,35 điểm phần trăm, chủ yếu nhờ giá xăng dầu bình quân giảm 12,56% so với cùng kỳ năm trước.
Biến động trái chiều của vàng và tỷ giá
Bên cạnh CPI, chỉ số giá vàng và tỷ giá VND/USD cũng ghi nhận những diễn biến đặc biệt, thậm chí trái ngược với xu hướng chung của thế giới.
Cụ thể, trong khi giá vàng thế giới tháng Sáu tăng 1,93% do bất ổn địa chính trị và lực mua từ các ngân hàng Trung ương, thì chỉ số giá vàng trong nước tháng Sáu lại giảm 1,27% so với tháng Năm. Sự ngược chiều này đến từ thông tin Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 theo hướng bỏ độc quyền vàng miếng SJC. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng, chỉ số giá vàng trong nước vẫn tăng rất mạnh, tới 37,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Tình hình cũng diễn ra tương tự, tỷ giá VND/USD giảm 1,34% trước kỳ vọng FED sớm cắt giảm lãi suất, theo đó chỉ số giá USD trong nước lại tăng 0,32% so với tháng Năm do nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động xuất nhập khẩu. Tính chung 6 tháng, chỉ số giá USD bình quân tăng 3,3% so với cùng kỳ.

Thành quả kiểm soát lạm phát là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ và các bộ, ngành. (Ảnh: Vietnam+)
Mức tăng CPI 3,27% của Việt Nam được đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột quân sự leo thang và chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều quốc gia đã khiến tổng cầu suy yếu. Dù lạm phát toàn cầu có xu hướng hạ nhiệt, các ngân hàng trung ương lớn (như FED-Mỹ và BoE-Anh vẫn duy trì lãi suất ở mức cao để đảm bảo mục tiêu). So với lạm phát tháng Năm của Nhật Bản (3,5%) hay Anh (3,4%), mức lạm phát của Việt Nam được xem là tương đối ổn.
Bà Oanh chia sẻ thành quả kiểm soát lạm phát là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ và các bộ, ngành. Hàng loạt giải pháp đồng bộ đã được triển khai hiệu quả (như đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa; giảm mặt bằng lãi suất cho vay; ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy đầu tư công; giảm thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường; miễn, giảm, gia hạn các loại phí, tiền sử dụng đất…). Những chính sách này đã trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, góp phần quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát trong giới hạn mục tiêu./.