Giá vàng biến động dữ dội, dự báo sắp tới ra sao?
Giá vàng thế giới tăng 2% trong tuần qua, bất chấp dữ liệu kinh tế tích cực. Đồng USD suy yếu và rủi ro nợ công khiến nhà đầu tư đổ vào vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Vậy giá vàng sắp tới sẽ diễn biến thế nào?
Kết thúc tuần tăng
Giá vàng giao ngay trên thế giới ghi nhận một tuần đầy biến động. Bất chấp các dữ liệu kinh tế tích cực, giá vàng vẫn đi lên do lo ngại về rủi ro địa chính trị và nợ công.
Mở cửa phiên đầu tuần ở mức 3.271 USD/ounce, giá vàng giảm nhẹ xuống dưới 3.250 USD. Sau đó, giá vàng tăng trở lại, giao dịch quanh mức 3.300 USD. Đến phiên sáng thứ Ba, giá vàng đạt 3.356 USD/ounce.
Trong phiên tiếp theo, giá vàng giao ngay đạt mức kháng cự, giao dịch trong khoảng 3.330 USD đến 3.355 USD.
Đến phiên thứ Tư, giá vàng tăng mạnh đạt mức cao nhất tuần là 3.365 USD/ounce.

Biểu đồ giá vàng tuần qua. Nguồn: Kitco
Phiên ngày thứ Năm, giá vàng kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ 3.345 USD. Sau khi báo cáo về việc làm phi nông nghiệp tại Mỹ được công bố, giá vàng giảm từ 3.350 USD/ounce xuống còn 3.312 USD.
Kết tuần, giá vàng thế giới phục hồi mạnh mẽ, đạt mức 3.337 USD/ounce và duy trì giao dịch trong phạm vi tương đối hẹp trước kỳ nghỉ lễ. Giá vàng ghi nhận mức tăng khoảng 2% trong tuần.
Dự báo giá vàng sắp tới ra sao?
Colin Cieszynski, chiến lược gia thị trường chính tại SIA Wealth Management, cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang ở trong một tình thế khó khăn, bị kẹt giữa áp lực cắt giảm lãi suất do lạm phát giảm và rủi ro lạm phát gia tăng nếu cắt giảm khi nền kinh tế vẫn mạnh mẽ. Ông cũng nhấn mạnh, sự ổn định của giá vàng gần đây chủ yếu là do sự suy yếu của đồng USD.
Cieszynski nhận định, về lý thuyết, lạm phát đã hạ nhiệt sẽ tạo điều kiện cho Fed cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, với một nền kinh tế đang hoạt động mạnh mẽ, việc tăng lãi suất thường là động thái hợp lý để kiềm chế lạm phát.
"Fed đang bị mắc kẹt," ông Cieszynski nói.

Giá vàng dự báo tăng trong dài hạn. Ảnh: Nguyễn Huế
Ông Cieszynski cũng chỉ ra rằng, việc cắt giảm lãi suất không chỉ ảnh hưởng đến chi phí đi vay mà còn mang theo "hiệu ứng báo hiệu". Nếu Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất mạnh mẽ, thị trường và công chúng có thể hiểu nhầm rằng nền kinh tế đang bước vào thời kỳ suy thoái, mặc dù thực tế không phải vậy.
"Việc cắt giảm lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh có thể gây ra lạm phát", Cieszynski cảnh báo. Ông cũng lưu ý thêm, các chính sách thuế quan hiện hành cũng có thể gây ra lạm phát.
Trong khi nhiều nhà đầu tư thất vọng khi giá vàng không thể tăng cao hơn, theo Cieszynski, nguyên nhân chính là đồng USD giảm giá mạnh. Đây là lý do khiến giá vàng không giảm đáng kể.
Thị trường đang định giá khoảng 80 điểm cơ bản nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm 2025, tương đương với ba lần cắt giảm lãi suất. Ông đánh giá, điều này là hoàn toàn có thể xảy ra. Cieszynski không kỳ vọng việc cắt giảm lãi suất sớm sẽ tạo ra bất kỳ thay đổi đáng kể nào cho vàng hoặc thị trường nói chung.
Trong khi đó, Edward Meir, chuyên gia phân tích tại Công ty tư vấn Marex, cho rằng những luật mới liên quan đến chi tiêu công có thể tạo áp lực giảm giá đồng USD về lâu dài, từ đó hỗ trợ đà tăng của giá vàng.
Trong tuần này, chỉ số đồng USD gần như đã chạm mốc giảm hàng tuần thứ hai liên tiếp. Đồng USD suy yếu sẽ làm cho vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua ở nước ngoài, qua đó thúc đẩy nhu cầu và hỗ trợ giá vàng.
Marc Chandler, Giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex, nhận định, giá vàng có khả năng tiếp tục đà suy yếu sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ mạnh hơn dự kiến và lãi suất tăng kìm hãm sự phục hồi của kim loại quý này.
Chandler dự báo giá vàng có thể quay trở lại mức 3.250 USD/ounce và thậm chí có thể giảm thấp hơn.