Nghị định 168/2024/NĐ-CP, mức phạt nặng đã khiến nhiều người biết 'sợ'

Sau gần 1 tuần Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm giao thông và trừ điểm giấy phép lái xe chính thức có hiệu lực, việc tăng nặng mức xử phạt và áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe bước đầu tạo hiệu quả tích cực.

Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Đáng chú ý, Nghị định quy định việc tăng mạnh mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm. Trong đó, tăng cao mức xử phạt với nhiều hành vi, nhóm hành vi với lỗi cố ý, nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, như: Hành vi vượt đèn đỏ với người điều khiển ô tô sẽ bị xử phạt 18 - 20 triệu đồng (tăng gần 4 lần so với Nghị định 100/2019/NĐ-CP); đi ngược chiều với người điều khiển xe máy sẽ bị phạt 4 - 6 triệu đồng (tăng gấp hơn 3 lần so với Nghị định 100/2019/NĐ-CP)...

Lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ tại khu vực nút giao Ô Chợ Dừa.

Lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ tại khu vực nút giao Ô Chợ Dừa.

Tại Hà Nội, ghi nhận trên các tuyến đường nội đô cho thấy, việc tăng nặng mức xử phạt và áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe bước đầu tạo hiệu quả tích cực. Đối với giao thông, tại một số tuyến đường có mật độ phương tiện cao như: Xã Đàn, Ô Chợ Dừa, Giải Phóng, Khuất Duy Tiến, Láng, Phạm Hùng,… dù còn ùn ứ, nhưng tình trạng người dân chen lấn, dừng xe quá vạch và vượt đèn đỏ,... đã giảm đáng kể.

Ghi nhận trong khu giờ cao điểm, tại nút giao Ô Chợ Dừa, Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) sáng 6/1/2025, dù sáng đầu tuần, lưu lượng phương tiện rất đông, thay vì những hình ảnh ô tô, xe máy dừng lộn xộn, vượt đèn đỏ như thường lệ, thì nay các phương tiện đã dừng "ngay ngắn" đúng tại vạch; đại đa số người dân đều chấp hành nghiêm túc hiệu lệnh của đèn tín hiệu.

Vẫn còn một số người thiếu ý thức, cố tình không chấp hành pháp luật.

Vẫn còn một số người thiếu ý thức, cố tình không chấp hành pháp luật.

Tuy nhiên, vẫn còn một số người thiếu ý thức, cố tình không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, Tổ công tác đặc biệt số 1 (Công an Hà Nội) đã xử lý nghiêm những trường hợp này.

Điển hình như trường hợp chị N.T.D (quận Cầu Giấy, Hà Nội), mặc dù đèn tín hiệu màu đỏ đã bật sáng, và Cảnh sát giao thông đã thổi còi ra hiệu lệnh dừng xe, nhưng chị D và một số người khác vẫn cố vượt lên. Chị D cho biết, đang "vội" đi làm nên có lỡ vượt đèn đỏ. "Tôi đang vội nên không để ý đèn tín hiệu, thấy các xe khác đi, nên tôi cũng đi theo. Đúng là vượt vài giây đèn đỏ, nhanh hơn đâu chẳng thấy, giờ mất thêm thời gian và mất tiền. Sau lần này, tôi sẽ nghiêm túc tuân thủ Luật Giao thông", chị D cho hay.

Chỉ tính riêng trong khung giờ cao điểm sáng nay (6/1/2025), Tổ công tác đặc biệt số 1 đã xử lý gần 20 trường hợp vượt đèn đỏ, chở hàng cồng kềnh,...

Trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, Trung tá Nguyễn Thanh Hải - Tổ công tác đặc biệt số 1, cho biết, không chỉ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, chúng tôi còn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu rõ hơn các quy định mới, việc áp dụng mức phạt tăng nặng không chỉ có tính răn đe, mà còn tạo sức ép để người tham gia giao thông phải thay đổi thói quen.

Đa số người dân đều chấp hành nghiêm túc hiệu lệnh của đèn tín hiệu.

Đa số người dân đều chấp hành nghiêm túc hiệu lệnh của đèn tín hiệu.

Có thể thấy, trong những ngày đầu thực hiện Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, những kết quả tích cực đã được ghi nhận khi phần lớn người dân nghiêm túc chấp hành các quy định bảo đảm an toàn giao thông. Đây được coi là bước khởi đầu quan trọng trong việc nâng cao ý thức của người dân. Từ đó góp phần xây dựng văn hóa giao thông, giảm thiểu nguy cơ tai nạn, mang đến sự an toàn cho người tham gia giao thông.

Tuy nhiên, về tổng thể tình hình giao thông còn nhiều vấn đề đặt ra. Đáng chú ý, tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố có lưu lượng phương tiện lớn, ý thức của một bộ phận tài xế chưa cao, dẫn đến tình trạng vi phạm vẫn phổ biến. Để lập lại trật tự, cần bảo đảm việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, đặc biệt đối với các hành vi cố ý xâm phạm trật tự, an toàn giao thông.

Mức phạt nặng theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã bước đầu góp phần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định bảo đảm an toàn giao thông đối với người dân.

Mức phạt nặng theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã bước đầu góp phần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định bảo đảm an toàn giao thông đối với người dân.

Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, việc tăng mức xử phạt không chỉ nhằm tăng tính răn đe, mà còn để xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm, góp phần lập lại trật tự giao thông. Các hành vi như vượt đèn đỏ, lạng lách hay đi ngược chiều, không chỉ là vi phạm pháp luật, mà còn gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của những người tham gia giao thông.

Thời gian tới, cùng với việc tăng cường xử lý vi phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân. Những biện pháp đồng bộ này không chỉ nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, mà còn hướng tới xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh.

Theo số liệu từ Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, ngày 1/1/2025 đến hết ngày 4/1/2025, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn Thành phố đã xử lý hơn 3.300 trường hợp vi phạm; phạt tiền hơn 8,5 tỷ đồng; tạm giữ 983 phương tiện; tước 102 giấy phép lái xe; trừ điểm giấy phép lái xe 350 trường hợp,... Các hành vi vi phạm chủ yếu như: Không chấp hành tín hiệu đèn giao thông 150 trường hợp; đi vào đường cấm, đi ngược chiều 107 trường hợp; dừng đỗ sai quy định 479 trường hợp; vi phạm liên quan đến mũ bảo hiểm hơn 1.100 trường hợp; vi phạm nồng độ cồn 690 trường hợp...

Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nghi-dinh-1682024nd-cp-muc-phat-nang-da-khien-nhieu-nguoi-biet-so-182850.html
Zalo