Nghị định 147/2024 - công cụ hữu hiệu để kiểm soát việc chơi game

Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, việc trẻ em tiếp cận với các trò chơi điện tử (game) ngày càng trở nên phổ biến. Mặc dù có thể mang lại nhiều lợi ích như cải thiện khả năng tư duy, phản xạ nhanh và giải trí, nhưng nếu không được kiểm soát, việc chơi game quá nhiều có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với sức khỏe và học tập của trẻ em.

Ảnh hưởng nguy hại

Theo các nghiên cứu, một trong những vấn đề nghiêm trọng khi trẻ em chơi game quá nhiều là ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Việc dành hàng giờ liền trước màn hình có thể gây ra các vấn đề về mắt, chẳng hạn như mỏi mắt, khô mắt và cận thị.

Bên cạnh đó, việc ngồi lâu trong suốt quá trình chơi game khiến trẻ ít vận động, điều này có thể dẫn đến béo phì và các vấn đề về cơ xương khớp. Thói quen lười vận động này sẽ ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe trong hiện tại mà còn gây ra những tác hại lâu dài đối với sự phát triển thể chất của trẻ.

Ngoài ra, việc chơi game quá khuya còn ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, giảm khả năng tập trung và học tập hiệu quả.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chơi game quá nhiều cũng có thể tác động đến sức khỏe tâm lý của trẻ. Một số trò chơi điện tử, đặc biệt là những game có yếu tố bạo lực, có thể kích động và gây căng thẳng cho trẻ. Trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố này, dẫn đến tâm lý lo âu, căng thẳng và hành vi bạo lực trong cuộc sống thực.

Hơn nữa, nếu không được kiểm soát, trẻ có thể trở nên "nghiện game". Điều này khiến trẻ cảm thấy khó chịu, lo lắng và không thể rời khỏi các trò chơi, ngay cả khi không có lợi ích gì cho sự phát triển cá nhân. Đây là vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý mà còn tác động đến các mối quan hệ xã hội của trẻ.

Một tác động tiêu cực rõ rệt mà việc chơi game quá nhiều gây ra chính là sự suy giảm kết quả học tập. Khi trẻ em dành quá nhiều thời gian cho các trò chơi điện tử, chúng sẽ không còn đủ thời gian và năng lượng để tập trung vào việc học, mất tập trung trong các bài giảng trên lớp.

Ngoài ra, việc dành nhiều thời gian vào game cũng đồng nghĩa với việc trẻ giảm bớt các hoạt động giao tiếp với bạn bè và gia đình. Điều này làm cho kỹ năng xã hội của trẻ bị hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng xây dựng mối quan hệ và giao tiếp trong đời sống thực.

Giải pháp kiểm soát thời gian chơi game

Để hạn chế tác động tiêu cực của việc chơi game, phụ huynh và giáo viên cần có sự quản lý chặt chẽ hơn đối với thói quen này của trẻ. Cụ thể, việc thiết lập thời gian chơi game hợp lý là rất quan trọng.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó có riêng một mục (gồm 33 điều) về "trò chơi điện tử trên mạng", trong đó gồm các quy định như: giới hạn thời gian chơi game đối với người dưới 18 tuổi (mỗi tài khoản trò chơi điện tử không được phép chơi quá 60 phút mỗi ngày cho một trò chơi, và tổng thời gian chơi game không vượt quá 180 phút/ngày); thực hiện xác thực tài khoản người chơi bằng số điện thoại di động tại Việt Nam; người dưới 16 tuổi phải có cha mẹ hoặc người giám hộ đăng ký thông tin...

Nghị định 147/2024/NĐ-CP còn yêu cầu các nhà phát hành game hiển thị thông báo cảnh báo về sức khỏe (như: “Chơi quá 180 phút mỗi ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe”).

Có thể nói, các quy định trên đã nhận được sự đồng tình cao từ nhiều phụ huynh. Ông N.T.V (trú tại Hà Nội) chia sẻ: "Có thể nói rằng tôi hoàn toàn đồng ý với quy định này. Nó sẽ giúp trẻ có thêm thời gian để học tập và tham gia các hoạt động thể thao, thay vì chỉ mải mê với game."

Việc triển khai Nghị định 147/2024/NĐ-CP trên thực tế không chỉ bảo vệ trẻ em, mà còn giúp trẻ em tìm được sự cân bằng giữa việc sử dụng công nghệ và tham gia vào cuộc sống thực tế và định hình một lối sống lành mạnh hơn.

Theo một số chuyên gia, dù có các quy định trên thì phụ huynh nên chủ động khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, giúp trẻ phát triển thể chất và làm giàu kỹ năng xã hội. Các trò chơi thể thao hoặc các hoạt động gia đình có thể giúp trẻ rèn luyện cơ thể, tăng cường tình cảm gia đình và tránh xa các tác động xấu từ game.

Chơi game có thể mang lại những lợi ích nhất định, nhưng khi trẻ em dành quá nhiều thời gian vào các trò chơi điện tử, những tác động tiêu cực đến sức khỏe và học tập là không thể phủ nhận. Trẻ cần được hướng dẫn để chơi các trò chơi có giá trị giáo dục, mang tính tích cực và có lợi cho sự phát triển trí tuệ thay vì những trò chơi bạo lực hay vô bổ.

Để đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ, việc kiểm soát thời gian chơi game và lựa chọn các hoạt động bổ ích khác là điều hết sức cần thiết. Phụ huynh và giáo viên cần phối hợp chặt chẽ để giúp trẻ xây dựng thói quen lành mạnh, đồng thời phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ.

Dương Dũng

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nghi-dinh-147-2024-cong-cu-huu-hieu-de-kiem-soat-viec-choi-game-463041.html
Zalo