Nghị định 116 khó thu hồi phí bồi hoàn, trường ĐH đào tạo sư phạm nêu kiến nghị
Về lâu dài, công tác tuyển dụng giáo viên cần có một lộ trình rõ ràng, minh bạch, tương tự như mô hình phân bổ nhân sự trong một số ngành đặc thù.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Có thể nói, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định số 116) là một chủ trương đúng, nhằm thu hút những sinh viên giỏi vào học các ngành sư phạm. Nhờ đó, chất lượng đầu vào các ngành đào tạo giáo viên được nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị định số 116 đã bộc lộ không ít những bất cập, vướng mắc từ việc phân bổ kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm đến thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên cũng như những lo ngại xoay quanh nhiệm vụ theo dõi, truy thu bồi hoàn kinh phí.
Vướng mắc từ nguồn kinh phí cho đến các cơ chế chính sách
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Tính - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, Nghị định số 116 quy định chính sách hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm tại các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường thuộc địa phương đã mang lại nhiều tác động tích cực đối với ngành giáo dục.
Nhờ có chính sách này, chất lượng đầu vào của các ngành sư phạm được cải thiện rõ rệt khi ngày càng thu hút nhiều thí sinh có học lực tốt theo học. Đồng thời, sinh viên học ngành sư phạm cũng có điều kiện tập trung vào việc học tập, giảm bớt áp lực tài chính, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức học tập.
Không chỉ vậy, chính sách này còn góp phần thay đổi cách nhìn của xã hội về nghề giáo, nâng cao vị thế của ngành sư phạm và từng bước khắc phục tình trạng thiếu hụt giáo viên tại nhiều địa phương.
![Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Tính - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ. (Ảnh: Website nhà trường)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_17_231_51492365/2e63987ab4345d6a0425.jpg)
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Tính - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ. (Ảnh: Website nhà trường)
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Trường Đại học Cần Thơ đã gặp phải một số khó khăn, trong đó có hai vướng mắc lớn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ.
“Trước hết, do thông tin và tính pháp lý liên quan đến việc đặt hàng đào tạo giáo viên từ các địa phương vẫn chưa đầy đủ và rõ ràng, gây ra nhiều trở ngại trong công tác triển khai, từ khâu tiếp nhận, xét duyệt cho đến thực hiện các cam kết đào tạo.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo của nhà trường mà còn khiến sinh viên gặp khó khăn trong việc xác định cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, vấn đề kinh phí cũng là một rào cản lớn. Kinh phí cấp phát theo số lượng chỉ tiêu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ chưa được chuyển đến kịp thời, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ chi trả sinh hoạt phí cho sinh viên theo đúng cam kết của Nghị định số 116. Sự chậm trễ này không chỉ tác động đến đời sống của sinh viên mà còn tạo ra tâm lý lo lắng, ảnh hưởng đến quá trình học tập.
Để đảm bảo chính sách hỗ trợ được thực hiện hiệu quả và đúng mục tiêu, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan quản lý, địa phương và cơ sở đào tạo nhằm tháo gỡ những vướng mắc này”, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho hay.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Cang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang cho biết, Nghị định số 116 đã mang lại nhiều tác động tích cực, giúp cải thiện chất lượng đầu vào ngành sư phạm và giảm bớt gánh nặng tài chính cho sinh viên. Tuy vậy, trong quá trình xét duyệt và cấp kinh phí theo nghị định, nhà trường nói riêng và cơ sở giáo dục khác nói chung vẫn còn gặp nhiều vướng mắc.
Tại Điều 1, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, sinh viên sư phạm được chia thành hai nhóm bao gồm: nhóm sinh viên được giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và nhóm sinh viên được đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Theo thầy Cang, nhóm sinh viên thuộc đối tượng được giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu tại Trường Đại học Kiên Giang dù chỉ có 33 chỉ tiêu trong năm 2021 theo cơ chế đặt hàng của địa phương nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình nhận hỗ trợ.
Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn kinh phí cấp chậm, dẫn đến sự trì hoãn trong việc chi trả sinh hoạt phí và hỗ trợ học tập. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống khiến sinh viên gặp nhiều trở ngại trong việc đảm bảo điều kiện học tập và rèn luyện theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, đối với nhóm sinh viên được đào tạo theo nhu cầu xã hội, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo là đơn vị cấp kinh phí nhưng quá trình xét duyệt và giải ngân vẫn diễn ra chậm trễ. Điều này làm ảnh hưởng đến tâm lý của sinh viên, khiến các em gặp nhiều khó khăn trong việc trang trải chi phí học tập và sinh hoạt. Việc chậm cấp kinh phí cũng đặt ra thách thức lớn đối với nhà trường trong việc đảm bảo quyền lợi cho sinh viên, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo do sinh viên phải tìm cách xoay sở tài chính thay vì tập trung hoàn toàn vào việc học.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là việc đặt hàng đào tạo giáo viên giữa các địa phương chưa thực sự hiệu quả, chưa đúng với tinh thần của Nghị định số 116.
Đồng thời, quá trình cấp kinh phí cũng gặp nhiều trở ngại, dẫn đến tình trạng chậm trễ trong hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của sinh viên mà còn gây ra những băn khoăn bởi nhiều phụ huynh chưa hiểu rõ về cơ chế thực hiện chính sách.
“Hiện nay, nhu cầu đào tạo và tuyển dụng giáo viên tại các địa phương ngày càng tăng, thậm chí nhiều nơi còn rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm đúng chuyên ngành. Đồng thời, cơ chế tuyển dụng giáo viên vẫn chủ yếu dựa trên chỉ tiêu biên chế và thi tuyển công chức, dẫn đến những rào cản trong việc tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp.
Trong khi đó, theo quy định của Nghị định số 116, nếu không làm việc trong ngành giáo dục đủ thời gian cam kết, sinh viên sẽ phải hoàn trả toàn bộ kinh phí đào tạo. Điều này vô hình trung tạo áp lực không nhỏ đối với người học.
Về lâu dài, tôi cho rằng công tác tuyển dụng giáo viên cần có một lộ trình rõ ràng, minh bạch, tương tự như mô hình phân bổ nhân sự trong một số ngành đặc thù. Nếu quá trình đào tạo và tuyển dụng được thống nhất ngay từ đầu, sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp sẽ có định hướng nghề nghiệp cụ thể, tránh tình trạng nơi thì thừa, nơi lại thiếu giáo viên trầm trọng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Nguyên thông tin.
Cần phân cấp cụ thể nhằm tháo gỡ vướng mắc
Theo quy định hiện hành của Nghị định số 116, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thông báo, theo dõi, đôn đốc và thu hồi chi phí bồi hoàn (khoản kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt) nếu sinh viên không tốt nghiệp hoặc không công tác trong ngành giáo dục sau khi tốt nghiệp.
Chia sẻ về vấn đề thu hồi chi phí bồi hoàn đối với người học chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Cang cho rằng, hiện nay việc thu hồi chi phí bồi hoàn liên quan đến rất nhiều yếu tố về hành chính, giáo dục và chính sách nhân sự. Nếu không có cơ chế rõ ràng và linh hoạt, quá trình này có thể gây ra những khó khăn nhất định cho cả người học lẫn các cơ quan quản lý.
“Thay vì giao toàn bộ trách nhiệm cho một đơn vị riêng lẻ nào đó, tôi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên là đơn vị chủ trì thực hiện. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hướng dẫn và ủy quyền cho các đơn vị như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan tại địa phương phối hợp thực hiện.
Việc này nhằm xây dựng một phương án bồi hoàn hợp lý, vừa đảm bảo quyền lợi của người học, vừa giữ vững tính minh bạch, hiệu quả trong quá trình thực hiện. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ cũng cần được rà soát và điều chỉnh kịp thời để tránh tạo thêm áp lực không đáng có đối với sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp.
Mặt khác cơ sở giáo dục đào tạo sẽ tập trung chủ yếu vào công tác chuyên môn và nâng cao chất lượng đào tạo thay vì phải tham gia quản lý tài chính”, thầy Cang cho hay.
![Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Cang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang. (Ảnh: NVCC)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_17_231_51492365/f65046496a078359da16.jpg)
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Cang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang. (Ảnh: NVCC)
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Tính, để đảm bảo việc sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực sau đào tạo, cần có sự phân cấp rõ ràng về trách nhiệm giữa các đơn vị liên quan tại địa phương, đặc biệt là ở cấp tỉnh/thành phố.
Việc xác định cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý, giám sát và thực hiện chính sách sẽ giúp các địa phương chủ động hơn trong việc dự báo nhu cầu giáo viên, từ đó có kế hoạch đào tạo và bố trí công việc phù hợp sau khi sinh viên tốt nghiệp.
Theo đó, các cơ sở giáo dục đào tạo cần tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi là nâng cao chất lượng giảng dạy, đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo, thay vì phải gánh thêm trách nhiệm quản lý tài chính. Khi cơ chế phân cấp được thực hiện một cách hợp lý, nó không chỉ giúp giảm tải áp lực hành chính cho các trường mà còn góp phần nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, đảm bảo nguồn nhân lực ngành sư phạm được sử dụng một cách hợp lý và bền vững.