Nghị định 100 siết chặt, doanh nghiệp ngành bia cải thiện lợi nhuận nhờ đâu?
Thị trường dần ấm hơn nhờ doanh số bán hàng tăng và sức tiêu thụ được cải thiện, nhiều doanh nghiệp ngành bia đã tăng trưởng lợi nhuận trở lại trong quý III.
Nhiều tín hiệu sáng
Sau nhiều quý liên tiếp kinh doanh ảm đạm, nhiều doanh nghiệp trong ngành bia đã đón nhiều tín hiệu tích cực trong quý III năm nay.
Điển hình như tại Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB), doanh thu quý III đã được cải thiện 3% so với cùng kỳ, lên 7.670 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 1.161 tỷ đồng, tăng 8%. Giải trình kết quả trên, doanh nghiệp cho biết doanh thu thuần tăng nhờ tác động của việc tăng giá bán và sự cải thiện của nền kinh tế trong bối cảnh Nghị định 100 được thực thi nghiêm ngặt, cùng với sự cạnh tranh ngày càng cao.
Nhờ đó, lợi nhuận ròng cũng tăng do lợi nhuận gộp và chi phí bán hàng thấp hơn, bù đắp phần nào mức thu nhập từ lãi tiền gửi và lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết thấp hơn.
Tính chung 9 tháng, ông chủ thương hiệu bia Sài Gòn này ghi nhận doanh thu thuần 22.940 tỷ đồng, lãi sau thuế 3.504 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và gần 7% so với cùng kỳ.
Mới đây, Sabeco thông báo kế hoạch chào mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 43,2% vốn của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây (Sabibeco, mã: SBB), doanh nghiệp sở hữu thương hiệu bia không cồn Sagota. Đây có thể là bước đi nhằm đẩy mạnh mảng bia không còn của ông lớn Sabeco.
Nhiều đơn vị thành viên của Sabeco cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trong quý III như Bia Sài Gòn - Miền Trung, Bia Sài Gòn - Sông Lam, Bia Sài Gòn - Phú Thọ… Riêng tại Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi, lợi nhuận giảm tới 60% do doanh thu giảm sâu, đồng thời giá nguyên vật liệu, bao bì và các chi phí khác cùng tăng so với cùng kỳ, khiến kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng.
Ở phía Bắc, Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã: BHN) báo kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng nhờ tình hình tiêu thụ sản phẩm được cải thiện, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước dần ổn định so với năm trước. Doanh thu thuần tăng 3% so với cùng kỳ, đạt hơn 2.335 tỷ đồng. Biên lãi gộp được cải thiện, tăng từ 26% lên 28%. Lợi nhuận sau thuế đạt 138 tỷ đồng, tăng 29% so với quý III/2023.
Quý này, nhiều doanh nghiệp thuộc Habeco có lợi nhuận tăng trưởng gồm CTCP Thương mại Bia Hà Nội (Mã: HAT), CTCP Bia Hà Nội - Thanh Hóa (Mã: THB), CTCP Bia Hà Nội - Hải Dương (Mã: HAD)...
Triển vọng nào cho doanh nghiệp ngành bia?
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcap, mức tiêu thụ bia sẽ dần phục hồi trong năm 2024 từ mức thấp trong năm 2023, được dẫn dắt bởi đà phục hồi của nền kinh tế mặc dù việc thực thi nghiêm ngặt quy định không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia và cạnh tranh gay gắt vẫn đang diễn ra.
Bên cạnh đó, các công ty sản xuất bia lớn tại Việt Nam, bao gồm Sabeco, Heineken (Việt Nam), và Carlsberg (Việt Nam), đều đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức một con số trong năm 2024.
Kế hoạch của các công ty trên phù hợp với dự báo của Vietcap về đà phục hồi của mức tiêu thụ bia trong năm 2024 từ mức cơ sở thấp trong năm 2023. Ngược lại, Habeco là công ty sản xuất bia lớn duy nhất đặt mục tiêu lợi nhuận giảm trong năm 2024.
Về triển vọng dài hạn, Vietcap cho rằng việc tiếp tục thực thi nghiêm ngặt Nghị định 100 không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia khiến sẽ đà tăng trưởng tiêu thụ bia trong trung hạn chậm lại.
Ngày 27/6 mới đây, Quốc Hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, theo đó tiếp tục quy định nồng độ cồn bằng không. Theo quan điểm của nhóm chuyên gia đến từ Vietcap, việc tiếp tục thực thi nghiêm ngặt quy định không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia có thể sẽ gây tác động tiêu cực đến mức tiêu thụ bia nói chung.
Tuy nhiên, Vietcap cho rằng người tiêu dùng Việt Nam sẽ thích nghi bằng cách chuyển sang kênh mua về hoặc sử dụng các dịch vụ gọi xe sau khi đã tiêu thụ bia ở kênh tại chỗ trong dài hạn.
Trong tương lai, Vietcap kỳ vọng Sabeco và Heineken (Việt Nam) sẽ duy trì vị thế thống trị về mặt sản lượng bán hàng. Ngoài ra, nhóm chuyên gia Vietcap dự báo Sabeco sẽ tiếp tục giành thêm thị phần trong những năm tới. Đối với Habeco, Vietcap dự báo hãng bia này sẽ phải đối mặt với những thách thức do năng lực cạnh tranh yếu.
Vietcap cho rằng kết quả kinh doanh yếu của Habeco là do thiếu sự đổi mới về mặt sản phẩm và hoạt động xây dựng thương hiệu không hiệu quả, cùng với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt tại thị trường lớn nhất của công ty (miền Bắc), nơi Sabeco và Heineken (Việt Nam) đã đầu tư nhiều nguồn lực để giành thêm thị phần.
Xét về tình hình chung, yếu tố thuận lợi là Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng và dự kiến tiếp tục kéo dài thêm 10 năm nữa, với 67% dân số trong độ tuổi lao động từ 15 - 64, trong đó, 36% dân số trong nhóm tuổi 15 - 40, là nhóm tiêu thụ bia chủ yếu. Tiêu thụ bia bình quân đầu người tại Việt Nam vượt xa mức bình quân toàn cầu và có xu hướng tăng mạnh từ 23 lít/người vào năm 2009 lên mức 43 lít/người vào năm 2023 (CAGR đạt 4,7%/năm).
Tuy nhiên những thách thức cũng là không nhỏ, đặc biệt là dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 5/2025 đưa ra các phương án sửa đổi điều chỉnh theo hướng tăng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và thu hẹp lộ trình tăng thuế đối với mặt hàng bia, dự kiến sẽ tác động tiêu cực đến ngành sản xuất bia Việt Nam trong các năm tới.
Chia sẻ với phóng viên, một lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành sản xuất đồ uống cho hay, giá cả bán ra dù chỉ tăng vài trăm đồng/sản phẩm nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất đồ uống. Khi các chi phí nguyên vật liệu đồng loạt tăng, giá bán cũng không thể tăng ngay mà phải qua rất nhiều thời gian định giá, do đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận.