Nghèo đã là chuyện cũ!
Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là hai huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, đa số dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế - xã hội thấp hơn so với các địa phương trong tỉnh.

Huyện miền núi Khánh Vĩnh xác định phát triển thành đô thị tiểu sinh thái núi rừng. Ảnh: Phan Sáu -TTXVN
Hai huyện này cũng thuộc danh sách 74 huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021 - 2025, được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025. Tháng 2/2025, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công bố 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thoát nghèo. Đây là kết quả, thành tích lớn của toàn hệ thống chính trị tỉnh Khánh Hòa sau chặng đường dài nỗ lực. Việc thoát khỏi danh sách huyện nghèo ở hai địa phương mới chỉ là bước đầu và cần tập trung nhiều tiềm lực trong thời gian tới để nơi đây tiếp tục phát triển.
Nhân kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước, phóng viên TTXVN tại Khánh Hòa thực hiện bài viết, nhìn lại quá trình thoát nghèo, tiềm năng và hướng phát triển của hai huyện vùng cao Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.
Diện mạo nông thôn khởi sắc sau 50 năm giải phóng
Không còn là huyện nghèo, giờ đây đời sống người dân hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh của tỉnh Khánh Hòa đã đổi thay. Hệ thống giao thông thuận tiện, sản xuất được chú trọng đầu tư, thu nhập của người dân cao hơn... đã tạo nên diện mạo vùng nông thôn miền núi khởi sắc. Đây là những kết quả đáng ghi nhận sau 50 năm giải phóng, thống nhất đất nước.
Trước năm 2024, gia đình anh Cao Quốc Kiều, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn vẫn còn là hộ nghèo, nguồn thu nhập là từ đi làm thuê thời vụ. Còn nay, khi vườn sầu riêng trên mảnh đất đồi đã cho quả “ngọt”, gia đình anh Kiều có nguồn thu nhập ổn định hơn.
Anh Kiều cho biết, cuối năm 2024, theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, gia đình anh được hỗ trợ 30 triệu đồng. Hai vợ chồng góp thêm 20 triệu đồng sửa chữa lại căn nhà. Có nhà khang trang, hai con của anh Kiều cũng vui mừng vì có chỗ ngủ và học tập riêng. Nơi ở ổn định đã giúp anh có động lực làm ăn, vươn lên thành hộ gia đình có điều kiện tốt.
Ông Phan Trường Nam, Chủ tịch UBND xã Sơn Trung cho biết, gia đình anh Cao Quốc Kiều cùng các hộ gia đình vừa thoát nghèo tại xã vẫn được quan tâm hỗ trợ các chính sách để làm ăn, phát triển kinh kế, thoát nghèo bền vững. Nếu như đầu năm 2021, xã Sơn Trung có 355 hộ nghèo, 175 hộ cận nghèo; đến cuối năm 2024, xã chỉ còn 58 hộ nghèo, 48 hộ cận nghèo. Có được kết quả ấy là nhờ các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của các cấp và sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân. Hộ nghèo, cận nghèo của xã hiện còn khoảng 6%.
“Xã Sơn Trung tiếp tục thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2026 -2030. Các cấp chính quyền, đoàn thể của xã quan tâm hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được kết nối việc làm thành công, hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp theo nhu cầu”, ông Phan Trường Nam nói.
Còn tại xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh, tiếp giáp trung tâm thị trấn Khánh Vĩnh, nằm trên trục đường 27C nối Khánh Hòa với Lâm Đồng, phần đông người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, số hộ nghèo, cận nghèo ở đây vẫn cao. Để thực hiện giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025, xã chú trọng kết hợp chương trình miền núi và giảm nghèo, trong đó tập trung phát triển sinh kế chăn nuôi bò, dê và xóa nhà tạm, đạt nhiều kết quả nổi bật. Trước kia, toàn xã có tổng số đàn bò 250 con, nay đã tăng lên 350 con. Nhờ các nguồn lực xã hội hóa, từ năm 2023 đến nay, xã đã hỗ trợ 101 căn nhà mới, sửa chữa 72 căn.
Bà Cao Thị Ngọc Thúy, Chủ tịch UBND xã Cầu Bà cho biết, để thực hiện công tác giảm nghèo, xã đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái, nâng cao tác phong làm việc cho người lao động. Ngoài các giải pháp cho “con cá”, xã thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức để mỗi người dân biết cách làm ăn, nỗ lực phát triển kinh tế gia đình; phấn đấu đến cuối năm 2025, xã còn 11% hộ nghèo.