Phát hiện nhiều dấu tích và hiện vật khi khai quật di tích Đại Cung Môn

Kết quả nghiên cứu và diễn biến địa tầng, những vết tích nền móng kiến trúc xuất lộ trong đợt khai quật khảo cổ đã cung cấp nhiều thông tin quý về Đại Cung Môn, cửa chính vào Tử Cấm thành-trung tâm sinh hoạt hàng ngày của vua và hoàng gia triều Nguyễn...

Ngày 23/4, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã có báo cáo sơ bộ kết quả sau hơn 1 tháng khai quật khảo cổ tại di tích Đại Cung Môn nằm trong Đại Nội Huế.

Khai quật khảo cổ tại di tích Đại Cung Môn ở Đại Nội Huế.

Khai quật khảo cổ tại di tích Đại Cung Môn ở Đại Nội Huế.

Ông Nguyễn Ngọc Chất, Phó trưởng phòng Nghiên cứu - sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, đoàn khảo cổ đã mở 6 hố khai quật và 8 hố kiểm tra trên tổng diện tích hơn 60m2 nhằm xác định rõ quy mô, cấu trúc và kết cấu nguyên gốc của nền móng kiến trúc Đại Cung Môn.

Dựa trên những dấu vết trong các hố khai quật và kiểm tra, đoàn khảo cổ đã xác định rõ cấu trúc mặt bằng nền móng Đại Cung Môn. Cụ thể, di tích Đại Cung Môn nằm theo chiều Đông Bắc - Tây Nam, có hướng đông nam, thẳng trục dũng đạo từ Ngọ Môn đến điện Kiến Trung. Đại Cung Môn nằm cách móng điện Thái Hòa 18,05m và cách móng điện Cần Chánh là 32,11m, tính từ mép chân đá.

Qua khai quật khảo cổ, phát hiện dấu tích 5 dấu vết trụ móng gia cố đỡ chân cột bằng gạch vồ còn nguyên vị trí và 4 dấu vết còn lại của một phần trụ móng gia cố đỡ chân cột… Ngoài ra, đơn vị chuyên môn cũng đã thu thập được 402 mảnh hiện vật, gồm các hiện vật kiến trúc (đá, đất nung), hiện vật đồ gốm men từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 20, đồ sành có niên đại trong khoảng từ thế kỷ 17 - 18 đến thế kỷ 19 - 20, kim loại thế kỷ 20.

Đoàn khai quật khảo cổ phát hiện nhiều dấu tích, hiện vật quan trọng tại di tích Đại Cung Môn.

Đoàn khai quật khảo cổ phát hiện nhiều dấu tích, hiện vật quan trọng tại di tích Đại Cung Môn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Chất, kết quả nghiên cứu và diễn biến địa tầng, những vết tích nền móng kiến trúc xuất lộ trong đợt khai quật khảo cổ này cũng cho thấy Đại Cung Môn là công trình kiến trúc bị phá hủy nghiêm trọng nhất so với các công trình kiến trúc trong Hoàng thành Huế mà đơn vị có dịp nghiên cứu, khai quật.

Theo kết luận bước đầu của đoàn khảo cổ, Đại Cung Môn nằm trùm lên toàn bộ dấu vết của 2 cửa Tả Túc, Hữu Túc và một phần nền móng phía sau của điện Thái Hòa thời Gia Long. Kết quả khai quật cũng xác định được cốt nền nguyên thủy của công trình nhưng qua các giai đoạn tu sửa, cốt nền đã được nâng cao lên khoảng 0,30 - 0,32m, đồng thời cốt nền sân ở phía trước và sau của công trình cũng đã được nâng cao.

Từ việc nghiên cứu, quan sát, đối sánh và bóc tách dựa trên cấu trúc địa tầng, cho phép khẳng định toàn bộ cấu trúc, quy mô mặt bằng nền móng kiến trúc Đại Cung Môn từ khi xây dựng cho đến khi bị phá hủy, tuy đã qua nhiều lần tu sửa, vẫn không hề thay đổi.

Đại Cung Môn là cửa chính vào Tử Cấm thành, gồm 5 gian, trổ 3 cửa (trong đó, cửa chính giữa dành riêng cho nhà Vua) được xây dựng năm 1833, dưới thời vua Minh Mạng. Đại Cung Môn được làm hoàn toàn bằng gỗ cực kỳ tinh xảo, với phần ngói hoàng lưu ly lợp ở phía trên. Tuy nhiên, công trình này cùng với điện Cần Chánh và một loạt cung điện khác trong Tử Cấm Thành đã bị phá hủy trong chiến tranh, chỉ còn lại phần nền móng.

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/phat-hien-nhieu-dau-tich-va-hien-vat-khi-khai-quat-di-tich-dai-cung-mon-i766119/
Zalo