Nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh

Hiện báo chí truyền thông đã đi qua một chặng đường dài, ngày càng gần gũi hơn với mọi người. Có lẽ chưa bao giờ báo chí gần với mọi người đến vậy và ranh giới các loại hình báo chí cũng trở nên mỏng manh đến vậy.

Dẫu phát triển hiện đại đến bao nhiêu đi chăng nữa thì những giá trị như sự trung thực, hấp dẫn luôn cuốn hút mọi người, mọi nhà. Chúng ta cũng đang nói nhiều đến việc chuyển đổi số và thực tế thì theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia đến từ các trung tâm truyền thông quốc tế và khu vực, không phải là nền tảng, cách thức hay phương tiện, mà chính là cách nhà báo kể câu chuyện của mình mới là yếu tố quyết định nhất.

“Nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh” - cuốn sách của Julian Hoxter dạy cho bạn những kiến thức cơ bản về nghệ thuật kể chuyện, đồng thời cho phép bạn tự do phát triển khả năng sáng tạo. Cuốn sách cũng nhằm khai phá ý tưởng sáng tạo, xây dựng kịch bản ấn tượng, truyền tải thông điệp hiệu quả.

Câu chuyện là gì? Nói cách khác, nó là một chuỗi logic các sự kiện thiết lập vì một mục đích và sau đó giải quyết mục đích đó theo một cách nào đó. Do vậy nghệ thuật kể chuyện vừa mang tính quy tắc vừa mang tính phá vỡ quy tắc. Nếu bạn đạt đến trình độ thuần thục quy tắc, đó cũng là lúc có thể phá vỡ quy tắc theo ý đồ của mình.

Dù bạn hình dung theo cách nào thì sự thay đổi, quan hệ nhân quả, khuôn mẫu và sự tương đồng là những yếu tố kể chuyện cốt lõi. Công việc của mỗi biên kịch là tạo ra một câu chuyện với một bộ hình ảnh có thể khơi gợi cảm xúc.

Viết kịch bản có rất nhiều quy tắc và có rất nhiều lý do sáng tạo. Nhiều nhà biên kịch vĩ đại bẻ cong, bỏ qua hoặc vượt trội hơn các quy tắc. Nhưng trước tiên, bạn phải học các quy tắc đó là gì.

Một kịch bản cơ bản có hai chức năng; một là một tài liệu văn học; thứ hai là tài liệu kỹ thuật để hướng dẫn mọi người sử dụng trong quá trình phát triển sản xuất và hậu kỳ.

Với châm ngôn không bao giờ là cũ; thể hiện đừng kể lể. Phim là một phương tiện trực quan, vì vậy cố gắng giao tiếp bằng hình ảnh.

Hãy cho mọi người biết những gì họ làm và nói. Chúng ta không thể đọc được suy nghĩ của mọi ngưởi vì vậy đừng kể cho biết nhân vật đang nghĩ gì. Hãy cho chúng tôi biết họ làm gì, hãy cho mọi người biết những gì họ nói. Nếu cảnh phim tốt, tất cả có thể tự suy luận ra những gì còn lại.

Về mặt cấu trúc, một câu chuyện trở nên kịch tính khi nhân vật chính của bạn gặp phải sự phản đối đối với mục tiêu của họ. Có hai cách thực hiện việc đó là nâng cao mức độ rủi ro và thử thách nhân vật. Căng thẳng tăng cao khiến cho câu chuyện thú vị hơn. Chướng ngại vật là một bài kiểm tra nhân vật dù là về mặt cảm xúc thể chất hay về mặt trí tuệ và chúng cho chúng ta thấy nhân vật chính đã đi được bao xa trên con đường đạt được mục tiêu và giải quyết chủ đề của họ.

Sách đã chắt lọc kỹ năng kể chuyện thành 12 yếu tố chính từ việc phát triển câu chuyện đến sửa đổi và viết lại và cuối cùng tạo ra kịch bản của riêng mình. Theo Julian Hoxter, viết kịch bản chuyên nghiệp vẫn là công việc khó khăn và đầy cạnh tranh, tất nhiên cũng là một nghề đáng để khao khát và phấn đấu.

Bởi suy đến cùng, khi theo dõi một câu chuyện khác, của một người khác cũng chính là ngẫm lại câu chuyện của đời mình. Trong khâu viết kịch bản và thực hiện nghệ thuật kể chuyện, theo khuyến nghị của tác giả: Kịch bản là một hình thức viết kỳ quặc. Nó cố gắng giao tiếp bằng hình ảnh theo những cách mà văn xuôi không thể làm được. Nó lên tiếng thông qua những bộ phim nhưng cũng ẩn mình sau đó. Kịch bản là mắt xích quan trọng nhất trong cỗ máy sáng tạo của ngành sản xuất phim.

Bước đầu tiên, hãy tự hỏi: Viết cho ai? Và đó là chính bạn. Nếu bạn đầu tư nghiêm túc vào những con chữ của mình, bạn có nhiều khả năng sẽ cống hiến hết sức lực để dẫn lối kịch bản đi từ bản nháp đầu tiên cho đến bước hoàn thành và vượt qua tất cả các bản sửa đổi phát sinh trong quá trình nỗ lực lớn lao này.

Sách có nhiều phần khác nhau. “Kinh nghiệm của người đi trước” gọi tên những người tuân theo các quy tắc và thành công; “Ngôi sao đang lên” giới thiệu ý tưởng của những người tạo nên con đường của riêng họ. Các chương trình cũng có bài tập “trong phòng biên kịch” để giúp bạn hiểu sâu hơn về quy tắc tương ứng trong quá trình viết. Đây cũng là nơi bạn sẽ đưa ra ý tưởng của mình lên trang giấy.

Ít luôn luôn tốt hơn nhiều; hãy nắm vững các quy tắc căn bản để thuần thục và tự tin phá vỡ quy tắc theo hướng mà mình muốn. Đạo diễn luôn là linh hồn của mỗi bộ phim và tất nhiên một kịch bản tốt chính là một la bàn tốt. Mỗi kịch bản chính là lời thì thầm to nhỏ đầy chiêm nghiệm của tác giả với cuộc đời này.

Nguyễn Hường

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nghe-thuat-ke-chuyen-bang-hinh-anh-31884.htm
Zalo