Nghệ thuật binh pháp kinh điển của người Nhật Bản

'Binh pháp gia truyền thư' là cuốn sách kinh điển về nghệ thuật chiến đấu của người Nhật Bản do Yagyū Munenori viết từ thế kỷ 17.

Cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, trong đó có tiếng Anh, tiếng Trung.... Bản dịch tiếng Việt (Nguyễn Mạnh Sơn dịch) Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM vừa mới phát hành dịch theo bản Binh pháp gia truyền thư được in trong tập thứ hai của bộ Hiyaki Daimyo Bunko, do Fukui Kyūzo biên tập, Koseikaku xuất bản, Tokyo, 1937.

 Sách Binh pháp gia truyền thư bản tiếng Việt. Ảnh: QM.

Sách Binh pháp gia truyền thư bản tiếng Việt. Ảnh: QM.

“Kiếm giết người” và “Kiếm cứu người”

Yagyū Munenori (1571-1646) sinh ra trong một gia đình có truyền thống quân sự. Gia tộc Yagyū vốn được nhiều người gọi là gia tộc tình báo. Cha ông là Yagyū Muneyoshi, là một trong những kiếm sĩ nổi tiếng thời ấy. Sau này Munenori trở thành người sáng lập phái Shinkage. Ông là thầy dạy binh pháp, quân sự cho tướng quân Tokugawa Iemitsu. Sau đó ông trở thành daimyo, và lãnh chúa đầu tiên của vùng Yamoto Yagyu. Ông qua đời vì bệnh tật tại Azabu, Edo.

Yagyū Muneyoshi được đánh giá là kiếm sĩ xuất sắc nhất trong số các kiếm sĩ thời đó. Ông có rất nhiều đệ tử đảm nhiệm nhiều chức trách khác nhau, từ tướng quân cho đến các daimyo. Munenori coi kiếm cứu người là lý tưởng của binh pháp, ngay từ đầu không sử dụng vũ lực thì tốt hơn, nhưng nếu phải sử dụng vũ khí để loại bỏ một người mà cứu được cho cả vạn người thì cũng đáng.

Binh pháp gia truyền thư có dung lượng khoảng 100 trang, gồm 4 quyển: Cầu dâng giày (cây cầu để dẫn các môn đệ đến với đạo binh pháp); Sát nhân đao (Hiểu trực nghĩa là đao / kiếm dùng để sát nhân); Hoạt nhân kiếm (Kiếm cứu người); Vô đao (Không dùng đến dao kiếm).

Nói về việc đặt tên các quyển này, Yagyū Munenori viết: “Ta đặt tên cho quyển thượng và quyển hạ là “Kiếm giết người” và “Kiếm cứu người” với ý nghĩa rằng, thanh kiếm các kiếm thủ có thể giết người nhưng cũng có thể mang lại sự sống cho con người. Ở trong thời thế loạn lạc này, nhiều người bị giết một cách vô cớ. Có thể dùng “kiếm giết người để kiểm soát thời loạn lạc, còn vào thời thịnh trị, lẽ nào “kiếm giết người” không trở thành “kiếm cứu người được sao?”.

Binh pháp gia truyền thư không chỉ bàn về kỹ thuật chiến đấu tay đôi giữa kiếm sĩ mà còn đề cập nhiều khía cạnh khác trong khi tác chiến như chiến thuật, chiến lược, tâm lý, và đạo đức.

Thậm chí, người đời nay còn học được từ đó nhiều bài học hữu ích, đó là sự tập trung và kiên trì trong rèn luyện; là việc tìm hiểu và ứng biến trước mọi biến cố đối thủ có thể đưa đến; là đạo đức và tinh thần của chiến binh thực thụ; là năng lực kiểm soát cảm xúc và tâm lý trong quá trình tham chiến; là kỹ năng giải quyết vấn đề khi gặp trường hợp bất trắc; và hơn hết là hiểu và tôn trọng chính mình lẫn đối thủ.

 Tượng Yagyū Munenori (1571-1646). Nguồn: tokumeikan.

Tượng Yagyū Munenori (1571-1646). Nguồn: tokumeikan.

Kiếm thuật còn là nghệ thuật quản trị hòa bình

Theo dịch giả Nguyễn Mạnh Sơn, cùng Ngũ luân thư của Miyamoto Musashi, Binh pháp gia truyền thư của Yagyū Munenori là trước tác binh pháp kinh điển của người Nhật Bản. Trước tác này có ảnh hưởng sâu rộng, không chỉ trong lĩnh vực binh pháp, kiếm thuật mà còn đến nhiều lĩnh vực và trước tác khác ở đời sau, điển hình là Võ sĩ đạo của Inazo Nitobe.

Trước khi hai binh thư nổi tiếng này ra đời, Yagyū Munenori, là một kiếm sĩ, cũng thường được mọi người so sánh với Miyamoto Musashi, bởi hai người sống cùng thời. Thế nhưng dường như quan điểm về kiếm thuật của họ lại hoàn toàn khác nhau.

Thanh kiếm của Musashi thể hiện triết lý của một chiến binh thực thụ với kỹ năng thần diệu trong việc chém đối thủ. Trong khi đó, Munenori lại khao khát tạo ra kiếm pháp có thể lợi dụng con người để thống trị thế giới, có khả năng trấn áp đối thủ ngay cả khi bản thân không có vũ khí. Bởi ông hiểu rằng mục đích luyện kiếm của một vị tướng không phải để trở thành kiếm sĩ mạnh nhất thế giới mà để có được kiến thức và kỹ năng cai trị đất nước.

Trong lịch sử Nhật Bản, Yagyū Munenori là nhân vật hiếm hoi xuất thân tầm thường rồi lên đến daimyo, sau đó trở thành binh pháp gia và chính trị gia nổi danh. Ông luôn tâm niệm rằng, kiếm thuật không chỉ là kiếm thuật mà còn là nghệ thuật quản trị hòa bình, môn khoa học thống trị thế giới, cai trị xã hội samurai hòa bình mà không cần chiến đấu. Có lẽ đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa phái Shinkage với các trường phái khác sử dụng kiếm giết người để giành chiến thắng.

Bên cạnh nội dung chính 4 quyển, để bản dịch tiếng Việt cuốn sách thêm phần trực quan và sinh động, dịch giả còn bổ sung phần mục lục tranh hướng dẫn các thế kiếm của phái Shingake và phụ lục phần dịch trước tác của Takuan Soho, một thiền tăng, mang tên “Bất động trí thần diệu lục”.

Đây là bài giảng của thiền sư Takuan dành cho Munenori về tư tưởng kiếm và thiền là một. Trong bài giảng này Takuan chỉ dẫn cách thức để Munenori có thể phát huy toàn bộ kiếm thuật của bản thân khi phải đối mặt với nhiều đối thủ và khi lãnh đạo nhiều thuộc cấp trong vai trò một chính trị gia.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/nghe-thuat-binh-phap-kinh-dien-cua-nguoi-nhat-ban-post1532001.html
Zalo