Giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống

Đồng chí NGÔ VŨ QUỐC
Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai.

Thành phố Lào Cai là vùng đất cổ, có bề dày truyền thống văn hóa. Sự đa sắc màu của tộc người, với những lễ hội độc đáo, nét văn hóa riêng biệt đã làm nên bức tranh văn hóa đầy màu sắc của thành phố biên cương. Để tiếp nối mạch nguồn lặng lẽ chảy suốt ngàn năm, thành phố Lào Cai đã và đang bảo tồn, phát huy các giá trị để văn hóa thực sự là nền tảng, là trụ cột quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển.

Theo các dấu tích cổ, từ nghìn năm trước, thành phố Lào Cai đã là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa quan trọng, là nơi quần tụ của người Việt cổ ở ven bờ sông Hồng. Từ ngàn xưa tới nay, biết bao thế hệ đồng bào các dân tộc đã bền bỉ khai phá đất đai, chiến đấu với những thách thức của tự nhiên mà lập nên cuộc sống nhộn nhịp từng một thời trên bến dưới thuyền. Đặc biệt hơn cả, những chủ nhân của vùng đất này đã ghi dấu, tạo nên nét văn hóa đặc sắc ở nơi đầu nguồn biên giới.

Thành phố Lào Cai hiện có 19 thành phần dân tộc, trong đó có nhiều dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Xá Phó, Tày, Giáy... Mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng đã cùng hòa quyện, làm nên bức tranh văn hóa đầy ấn tượng.

Điểm qua những sắc màu độc đáo ấy, người Xá Phó sinh sống ở những bản làng vùng cao với bộ trang phục truyền thống độc đáo. Cộng đồng này ghi dấu với nghệ thuật múa được hình thành từ ngàn xưa, thường diễn ra vào dịp tết, lễ hội. Người Tày với chữ Nôm và kho tàng văn nghệ dân gian phong phú như thơ, ca, múa, nhạc. Người Giáy có vốn truyện cổ, thơ ca, tục ngữ, câu đố, đồng dao. Người Dao tiêu biểu với chữ Nôm và sách cổ…

Sinh sống ở những địa bàn khác nhau, mỗi cộng đồng đều có những nét đặc trưng riêng trong đời sống văn hóa, từ đó hình thành nên những nghi lễ truyền thống, trò chơi dân gian và nét ẩm thực độc đáo. Đó nghi lễ cấp sắc, lễ cúng rừng của người Dao; nghi lễ Then của người Tày, lễ cơm mới của người Xá Phó. Về nghề truyền thống trên địa bàn thành phố hiện có nghề làm hương, làm chõ xôi, nghề may thêu, đan lát, làm bánh...

Là thành phố biên cương duy nhất của cả nước có sông Hồng chảy qua, dòng sông Mẹ đã đắp bồi nên nền văn hóa đậm chất riêng của thành phố Lào Cai, với những đền, chùa gắn với tín ngưỡng văn hóa ngàn đời của cư dân vùng ven sông. Hôm nay, hệ thống di tích ấy vẫn đang được bảo tồn, gìn giữ và trở thành chứng tích của lớp văn hóa mang trên mình nghìn năm tuổi.

Minh chứng là trong 5 di tích được xếp hạng cấp quốc gia của thành phố có 3 di tích gắn liền với tín ngưỡng gồm: đền Thượng, đền Mẫu, đền Cấm, cùng với đó là Di tích khu căn cứ cách mạng Cam Đường và địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào Cai; 5 di tích được xếp hạng cấp tỉnh gồm: đền Đôi Cô - chùa Cam Lộ, đền Quan, đền Vạn Hòa, đền Ngòi Bo và Khu di tích lịch sử Trung tâm kỹ thuật nghiệp vụ C17 - Bộ Công An.

Đặc trưng của vùng đất, con người đã tạo nên tổng thể bức tranh văn hóa ấn tượng, rực rỡ sắc màu của thành phố Lào Cai. Hòa mình trong dòng chảy không ngừng của thời đại, cho đến hôm nay, lớp phù sa văn hóa được đắp bồi từ ngàn xưa vẫn luôn là điểm tựa vô giá, tiếp nguồn cảm hứng và chắp cánh cho những ý tưởng phát triển của thành phố bên sông.

Vừa qua, ngày hội Hương cốm Hợp Thành được tổ chức trong không khí vui tươi, rộn ràng. Người xưa đã truyền lại nét văn hóa này, rằng cứ vào dịp trung tuần tháng 9 âm lịch hằng năm, đồng bào Tày, Giáy cùng nhau tổ chức nghi lễ ăn cơm mới, cúng thần lúa, thần nông, để cảm tạ trời đất đã ban tặng một mùa vàng ấm no và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển. Trong mâm lễ vật dâng lên tổ tiên không thể thiếu đĩa cốm được làm từ những hạt gạo nếp dẻo thơm cấy trên cánh đồng quê hương. Ngày trước, cốm chỉ làm trong mỗi gia đình, làng bản, giờ đây nó được tổ chức thành ngày hội riêng, được nhiều người biết tới.

Sự bảo tồn nét văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc ở Hợp Thành đã mở cơ hội để văn hóa lan tỏa. Đó cũng là lý do lễ hội được duy trì tổ chức trong suốt 4 năm qua. Ngày hội hương cốm đến nay vẫn giữ vẹn nguyên những nét bản sắc văn hóa độc đáo và bầu không khí vui vẻ, hân hoan. Những hạt cốm thơm ngon đượm hương, quyện vị của đất trời được sắp lên mâm, giao hòa cùng những món ăn truyền thống; những bộ trang phục đầy màu sắc của đồng bào Xá Phó, Tày, Giáy… những lời ca, điệu múa nhịp nhàng như gọi mời, giữ chân du khách về với Hợp Thành để có cơ hội tìm hiểu cuộc sống của đồng bào vùng cao.

Có lẽ sẽ không sai khi gọi thành phố biên cương Lào Cai là thành phố thú vị, sôi động với lễ hội. Đó là lễ hội Roóng Poọc của người Giáy; lễ hội Lồng Tồng của người Tày và đặc biệt là lễ hội tạo thành thương hiệu riêng – lễ hội đền Thượng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cứ vào dịp rằm tháng Giêng hằng năm, khi tiếng trống khai hội vang lên, bà con và du khách thập phương lại cùng nhau thành tâm hướng về ngôi đền thiêng để tôn vinh và tưởng nhớ đến công đức của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Những lễ hội đã không chỉ nằm trong khuôn khổ của mỗi bản làng, cộng đồng, vùng miền mà giờ đã tạo dựng được thương hiệu riêng. Không chỉ được bảo tồn, giữ nguyên những nét văn hóa độc đáo mà giờ đây, lễ hội còn được phát huy các giá trị để thực hiện lồng ghép với các mục tiêu phát triển của địa phương.

Với chủ trương bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, thời gian qua, thành phố Lào Cai phối hợp nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng vùng dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn để vừa gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc, vừa tạo việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần nâng cao đời sống.

Đối với các di tích, thành phố đặc biệt quan tâm công tác trùng tu, tôn tạo; hình thành tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng để “đánh thức” tiềm năng và khai thác hiệu quả các giá trị. Đó cũng chính là những mục tiêu thành phố đặc biệt quan tâm và được đề cập trong Đề án số 03 về “Xây dựng và phát triển văn hóa của thành phố, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến 2030”.

Cùng với đó, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức các lớp truyền đạt kỹ năng bảo vệ di sản văn hóa; phục dựng, tái hiện lễ mừng cơm mới của người Xá Phó; phục dựng và bảo tồn lễ hội Xuống đồng của dân tộc Giáy xã Cốc San; chơi các trò chơi truyền thống (kéo co, đánh én, ném còn, đi cà kheo)... Trên địa bàn thành phố hiện có 1 nghệ nhân dân gian và 77,6% thôn có đội văn nghệ duy trì tập luyện. Nhờ đó mà những lời ca, điệu múa vẫn được truyền dạy, duy trì sức sống bền bỉ cho tới hôm nay.

Hòa mình theo xu thế hội nhập, đổi mới và phát triển, bản sắc văn hóa của thành phố đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra cũng không ít khó khăn, thử thách. Từ thực tế đó, cùng với việc đầu tư các nguồn lực, quan tâm phục dựng nghi lễ truyền thống, thành phố Lào Cai đặc biệt quan tâm đến việc phát huy vai trò chủ thể của người dân trong bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp để mỗi người dân không chỉ là người sở hữu, thụ hưởng mà còn là người truyền bá giàu cảm hứng về quê hương, về bản sắc của dân tộc mình.

Với truyền thống hào hùng và bề dày lịch sử văn hóa được tích lũy trong suốt hàng nghìn năm qua, thành phố Lào Cai mang trên mình dấu ấn riêng của vùng đất địa đầu Tổ quốc. Và dải đất ven sông Hồng với sức vóc của đô thị trẻ luôn xác định, văn hóa mãi là nguồn lực nội sinh và động lực phát triển để thành phố Lào Cai vươn mình trên những chặng đường mới.

Báo Lào Cai

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/giu-gin-va-phat-huy-van-hoa-truyen-thong-post393309.html
Zalo