Nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo: Nặng tình yêu thương, biết ơn và trân trọng!

Là thế hệ lớn lên trong hòa bình khi đất nước thống nhất, nghệ sĩ đàn tỳ bà Vũ Diệu Thảo quyết định trình làng album âm nhạc đặc biệt 54 bản độc tấu nhạc phẩm cách mạng đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm đại thắng mùa xuân 1975 của dân tộc Việt Nam. Con số 54 cũng mang ý nghĩa tinh thần đại đoàn kết dân tộc thông qua sự kết nối âm nhạc của 54 dân tộc anh em. Nữ nghệ sĩ đã có những chia sẻ xung quanh sản phẩm âm nhạc ý nghĩa này.

Tri ân những hy sinh của thế hệ cha ông

+Phóng viên: Chào Diệu Thảo, động lực nào thôi thúc chị thực hiện “chiến dịch” âm nhạc với những bài ca đi cùng năm tháng này?

Nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo: Những ngày tháng này, đất nước đang hân hoan chào đón nhiều dấu mốc lịch sử, những ngày lễ lớn của cả dân tộc như Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 135 năm Ngày sinh của Bác Hồ, 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… Đây là dịp để mọi người cùng nhau ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, sum họp và viết thêm những những ký ức đáng nhớ. Cảm nhận rõ nét không khí ấy, tôi đã được tiếp thêm sức mạnh, động lực để quyết tâm thực hiện dự án này với mong muốn đưa âm nhạc dân tộc, nhạc cụ truyền thống, hòa chung với những bài hát đi cùng năm tháng, những giai điệu quê hương mộc mạc, giản dị, sâu lắng, những ca khúc cách mạng hào hùng. Tất cả được thể hiện bằng các màu sắc âm nhạc đa dạng, sinh động và phong phú của 54 dân tộc Việt, một bức tranh âm nhạc nhiều màu sắc trải dài khắp mọi miền đất nước. Tôi cũng là một người Việt Nam yêu nước. Với lòng tự hào dân tộc, dõi theo lịch sử Việt Nam với biết bao thăng trầm cùng những chiến công hiển hách của thế hệ cha anh đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc, tôi luôn xúc động và đau đáu tâm tư mong muốn có thể làm gì đó để tri ân, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc ấy.

Nghệ sĩ đàn tỳ bà Vũ Diệu Thảo

Nghệ sĩ đàn tỳ bà Vũ Diệu Thảo

PV: Cảm xúc của chị thế nào khi sử dụng cây đàn tỳ bà để thể hiện những nhạc phẩm cách mạng, mang đậm bản sắc văn hóa và tinh thần dân tộc?

Khi thể hiện những bản nhạc này, tinh thần của mỗi ca khúc cách mạng là điều khiến tôi rung động và xúc động nhất. Do các tiết tấu kiểu hành khúc nên phải làm sao để âm nhạc vừa toát ra được sự mạnh mẽ, dứt khoát, lại vừa phải có chiều sâu cảm xúc, biểu cảm của nghệ sĩ cũng phải hòa quyện được vào tác phẩm. Có thể ban đầu khán giả sẽ thấy lạ, thậm chí có chút hoài nghi rằng đàn tỳ bà đánh nhạc cách mạng liệu có hay được không? Vậy ngay khi ra mắt ca khúc đầu tiên trong album, khán giả đã đón nhận, lắng nghe, động viên và mong chờ từng ngày. Điều đó hoàn toàn nằm ngoài sự tính toán của tôi. Sau này, càng ngày càng có nhiều khán giả theo dõi dự án này và tôi thấy mình phải nỗ lực nhiều hơn. Xúc động nhất và cũng tạo động lực nhất là khi tôi đọc được bình luận của một bác cựu chiến binh: “Thay mặt hơn 4 triệu cựu chiến binh, bác cảm ơn cháu Diệu Thảo, cháu nhớ đàn thêm nhiều bài cho mọi người nghe nhé”. Rồi còn: “Nghe cháu đàn quá tuyệt vời. Bác nhớ đến ngày cùng đồng đội tiến vào giải phóng Sài Gòn, đã gần 50 năm…”. Tôi xúc động vô cùng, yêu thương vô cùng, trái tim như vỡ òa khi việc làm nhỏ bé của mình có thể góp phần động viên, khích lệ tinh thần của các thế hệ đi trước.

Trĩu nặng yêu thương…

PV: 54 nhạc phẩm là con số không hề nhỏ, Trong quá trình thực hiện album này, chị có gặp áp lực hay khó khăn nào không?

Vì phải sản xuất liên tục nên áp lực là điều không thể tránh khỏi. Tôi lựa chọn hình thức độc tấu đàn mộc, không âm thanh cầu kỳ, không thu âm, không dàn dựng, cứ vậy mà đánh đàn trước chiếc điện thoại ghi hình sẵn. Thế rồi cứ đều đều các bài được ra đời, khi thì chỉ chơi đàn thôi, khi nào có nội dung thú vị về ca khúc, về tác giả thì tôi lại quay sang trò chuyện với mọi người về tác giả, tác phẩm… Ý tưởng về sự kết nối âm nhạc 54 dân tộc anh em cũng hình thành từ đó, là sợi dây xuyên suốt quá trình tôi lựa chọn tác phẩm. Hơn cả, tôi hiểu mình phải cố gắng hơn, nỗ lực hơn vì mỗi dân tộc cũng có đặc trưng vùng miền, người chơi phải thực sự thấu hiểu, cảm nhận sâu sắc và luyện tập bền bỉ thì mới thẩm thấu rồi truyền đạt đến khán giả được.

- Việc tìm hiểu và chia sẻ những thông tin xung quanh ca khúc có ý nghĩa như thế nào trong quá trình chị thực hiện album này?

- Tôi quan niệm, mỗi tác phẩm, mỗi ca khúc, khi nghe giai điệu, ca từ, chúng ta thấy hay, thấy đẹp, thì đó mới chỉ là một phần nhỏ. Ẩn sâu bên trong tác phẩm đều có những câu chuyện riêng, có hoàn cảnh sáng tác, có tâm tư tác giả gửi gắm vào đó. Tôi nghĩ, tìm hiểu những điều này không chỉ là sự tò mò. Đối với người nghệ sĩ, việc hiểu sâu sắc về tác phẩm sẽ giúp thể hiện tốt nhất tinh thần bài hát và là sự trân trọng dành cho tác giả. Sự thấu hiểu sẽ khiến tác phẩm hay hơn, đẹp hơn, gần gũi hơn và dễ cảm, dễ mến hơn.

PV: Album lần này được Diệu Thảo thực hiện cũng với mong muốn tri ân những người từng sống, chiến đấu và hy sinh để giành lại độc lập tự do cho đất nước. Chị đã nhận được những phản hồi như thế nào từ họ?

Tôi vô cùng xúc động khi biết nhiều bác cựu chiến binh đã không để lỡ bài nào của mình. Các bác nhận xét rất tỉ mỉ, khách quan và cũng rất quan tâm đến từng ca khúc. Thậm chí có bác nghe xong, ngoài việc khen tặng còn không quên dặn: “Cháu nhớ giữ gìn sức khỏe để tiếp tục ra thêm nhiều bài hay nữa nhé!”, “Bài nào của cháu cũng hay, cháu đánh thêm bài “Tiến bước dưới quân kỳ” nữa nhé!”… Điều ấy có nghĩa là các bác rất quan tâm, nghe xem tôi chơi bài gì, rồi muốn nghe thêm bài gì là các bác ghi rất cụ thể. Điều đặc biệt là khi các bác nhắc đến bài nào thì tôi cũng đều thấy những bài đó rất thân thuộc với mình. Thú thật là tôi không gặp trở ngại nào, cứ băng băng tiến về phía trước với hành lý là một ba lô đầy ắp âm nhạc trên vai, tuy nặng nhưng đó là nặng tình yêu thương, biết ơn và trân trọng.

Âm nhạc dân tộc sẽ phát triển mạnh mẽ

PV: Diệu Thảo nghĩ vị trí của âm nhạc truyền thống trong đời sống hiện đại, đặc biệt là với lớp trẻ, sẽ ra sao nếu được “kể chuyện” bằng cách làm như chị đang làm?

Tôi nghĩ sẽ thú vị lắm. Tôi rất trông chờ điều đó ở các bạn trẻ, điều đó cũng luôn được tôi hiện thực hóa trong hành trình của mình. Minh chứng là các học sinh của tôi vô cùng hào hứng tập luyện cùng cô. Ngoài các bài độc tấu, tôi dàn dựng tốp tỳ bà cho các bạn biểu diễn, đáng yêu vô cùng, xem xong mà muốn rơi nước mắt. Thật sự các bạn trẻ không ngại học hỏi, không ngại luyện tập để có được thành quả đó, thật sự rất xúc động và ý nghĩa với cá nhân tôi cũng như rất nhiều người Việt Nam yêu quê hương. Có lúc, tôi để cho các bạn tự nguyện lựa chọn chơi bài gì và các bạn ấy nói luôn: “Con muốn được tập bài cách mạng giống cô. Khó cô ạ, nhưng con sẽ cố!”. Còn gì ý nghĩa hơn nữa khi tất cả tình yêu thương đó là vô điều kiện. Khi tất cả đều chung một nguyện vọng, ý chí thì tôi tin chắc âm nhạc dân tộc Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, đặc sắc, độc đáo và đậm đà bản sắc vì chúng ta có những người trẻ rất cá tính, thông minh, tài năng và đặc biệt yêu nước, tự hào dân tộc.

PV: Sau album 54 bài hát cách mạng, Diệu Thảo có dự định tiếp tục hành trình âm nhạc theo hướng nào mới không?

Sau album này là hành trình nối dài các tác phẩm âm nhạc mà tôi đang hoàn thiện trong hệ thống bài bản bổ sung cho chuyên ngành đàn tỳ bà của mình. Ngay cả các bài cách mạng mà tôi vừa ra mắt hầu như cũng lần đầu tiên diễn tấu trên đàn tỳ bà. Tôi phải chuyển soạn và nghiên cứu kỹ lưỡng sao cho phù hợp với tính năng của loại nhạc cụ truyền thống này. Vậy nên quá trình này, tôi vẫn đang tích cực thực hiện, chưa hoàn thiện và cũng hy vọng sẽ bổ sung thêm được vào hệ thống bài bản của chuyên ngành đàn tỳ bà, cũng là trăn trở của tôi trong suốt quá trình hoạt động giảng dạy và biểu diễn.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của Diệu Thảo!

Chúc An

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nghe-si-vu-dieu-thao-nang-tinh-yeu-thuong-biet-on-va-tran-trong-post610172.antd
Zalo