Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân: Nghệ thuật từ tái sinh rác thải

Với nguồn cảm hứng sáng tạo đầy chất riêng với cá tính đặc biệt, quyết liệt, nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân đã mang đến đời sống mới đầy tính nghệ thuật cho các vật liệu phế thải. Từ mong muốn đem đến tư tưởng tích cực, giá trị sống nhân văn đến cộng đồng, những tác phẩm trong triển lãm 'Loài Phế Liệu' của nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân vừa diễn ra tại TP HCM, mang thông điệp sâu sắc về tái chế rác thải, bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn của nhân loại trong thời đại này.

Chân dung nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân bên tác phẩm.

Chân dung nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân bên tác phẩm.

Các tác phẩm từ nguyên liệu rác thải được Nguyễn Quốc Dân thu lượm từ các bãi rác tại Hội An đưa về Xưởng Tái Sinh để sáng tác, sau đó, từ diện mạo mới này, các tác phẩm lại được chuyển từ Hội An đến không gian sang trọng tại trung tâm TPHCM, nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân lặng lẽ quan sát, cảm nhận sự tương tác từ công chúng.

Với ý niệm một loài mới như thể vừa được con người phát hiện, triển lãm “Loài Phế Liệu” nhằm tôn vinh vẻ đẹp ẩn tàng mà bấy lâu nay nơi “phố thị” lãng quên là một điều thú vị và vô cùng mới mẻ đối với công chúng Việt Nam cũng như quốc tế tại một thành phố lớn sôi động như TPHCM.

“Sự tương phản rõ nét của sự xuất hiện loài mới nhưng thực chất rất cũ, với phế liệu được cho là vứt đi, được trưng bày trong không quan hiện đại và sang trọng là một tín hiệu vô cùng thú vị và đầy sự mới mẻ”. Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân chia sẻ. “Mới mẻ không chỉ sự tạo hình, màu sắc, ý niệm của tất cả các tác phẩm, mà mới mẻ ở góc nhìn rất riêng của tác giả với cái chung của thời đại với một xã hội tiêu dùng được cho là văn minh của loài người mà sự hiện diện chính của thời khắc này lại là thứ tưởng chừng vứt đi của xã hội hiện tại, quay lại với sự tái sinh đầy bản sắc và lòng tự tôn”.

Với quan điểm, nghệ thuật nói cho cùng cũng chỉ là nghệ thuật của sự “mị giác” nếu chính tác phẩm không toát lên được vẻ đẹp tự thân thuần khiết, nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân cho rằng, có như vậy, vẻ đẹp ấy mới thật sự tương phản với các vẻ đẹp hào nhoáng của “xã hội tiêu dùng” hoang phí ngoài kia. Từ thực tế suốt thời gian triển lãm, công chúng tới chia sẻ, tương tác và đều “cảm” và “thấy” được thông qua “đối thoại” với tác phẩm để tìm thấy chân lý của một loài mới như “Loài Phế Liệu”.

NQD khong gian trien lam Loai Phe Lieu 2

NQD khong gian trien lam Loai Phe Lieu 2

Không gian triển lãm “Loài Phế Liệu”. Ảnh: NVCC.

Không gian triển lãm “Loài Phế Liệu”. Ảnh: NVCC.

Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân tâm sự, thời gian qua, thật ra anh không hoàn toàn rời xa Sài Gòn mà chỉ thu mình lại một nơi bình yên như Hội An để con tim bớt dao động và có thể tĩnh lặng hơn trong sáng tác. Triển lãm cá nhân tại Sài Gòn lần này là một dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp nghệ thuật của Nguyễn Quốc Dân, cũng như đánh dấu sự “chuyển dịch” từ sáng tác hội họa sang một một bước ngoặt hoàn toàn mới, là sáng tác dựa trên chất liệu là rác thải và phế liệu mà anh từng gọi là “Nghệ Thuật Tái Sinh”. Tính bản thể loài trong phế liệu được Nguyễn Quốc Dân nêu bật và “nhân hóa vật liệu” và anh cũng tạm gọi là “Loài phế liệu - Thực thể tiến bộ” của vật liệu, với mong muốn ngợi ca tính đẹp ẩn mình trong rác thải và phế liệu, hướng đến “Nghệ thuật vị môi trường”. Từ đó, Dân muốn viết tiếp câu chuyện từ Xưởng Tái Sinh, truyền cảm hứng từ các hành trình sáng tác của cá nhân anh, đến đông đảo cộng đồng nghệ sĩ trên thế giới, với mục đích chung tay “Giảm thiểu tác động môi trường”, nhằm hướng tới “Sáng tác xanh”.

“Tôi nghĩ quyết định trở về định cư ở Hội An là một quyết định vô cùng chính xác.” Nguyễn Quốc Dân trò chuyện. “Vì nhờ quay lại Hội An, tôi như ‘cá gặp nước’. Được tắm mình trên quê hương, được hòa mình vào đất trời nắng gió ở vùng đất yên bình, xinh đẹp và cổ kính với thiên nhiên đất trời Hội An là điều không những cá nhân tôi mà rất nhiều người khác mơ ước. Nơi miền quê ấy đã in dấu bao “nét họa” ngây ngô từ khi tôi còn tấm bé về phố cổ trầm tư và những nét đẹp của con người Hội An đầy thuần hậu. Tuổi thơ tôi gắn liền với hoài niệm rong ruổi một mình với sự trầm mặc của phố cổ rêu phong, trên tay có giấy và màu để tự khắc lên trong tâm trí mình nét văn hóa mang bản sắc riêng biệt ấy. Với ý chí sắt đá từ bên trong mình, tôi muốn bản thân an tĩnh hơn, để dành trọn thời gian cho con đường sáng tác nghệ thuật và nhờ vậy tôi mới có những bước chuyển biến tích cực trong ý niệm sáng tác nghệ thuật”.

Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân xóa nhòa ranh giới của khó khăn và may mắn để con tim đủ bao dung cho chính mình, bao dung cho cuộc đời và tự xem số phận của mình là do mình định đoạt và điều khiển. Từng ngày trưởng thành bởi chính bản thân để gội rửa tâm thức sáng hơn nhằm mở đường con tim mang nhiều cảm xúc đối thoại với cuộc đời.

“Khi chúng ta may mắn cảm thức được sự tuyệt diệu của hương vị nhân sinh đó thì chúng ta luôn sẵn sàng đón nhận tất cả đắng cay, ngọt bùi cũng đều thi vị và đáng trân quí. Thế giới hòa sắc có màu nóng phải có màu lạnh, có trắng phải có đen… Và khi chúng ta “hòa cảm” giá trị biến thiên giao cảm của mục đích cuộc đời của chúng ta mới soi sáng được con tim này. Vậy nơi giá trị cuộc đời của tôi phải chính tôi “tỉnh thức” từ rất sớm tôi mới vượt qua chốn nhân gian này một cách thảnh thơi và đầy niềm vui”.

Theo lối tư duy tuyến tính cá nhân, Nguyễn Quốc Dân quan niệm, việc tái chế phế liệu và rác thải này, thời gian dài qua, nhiều người đã quan tâm và làm trước đó không phải riêng gì anh. Trên thế giới, các nghệ sĩ, bao doanh nghiệp, nhiều quốc gia đã và đang nỗ lực tái chế vì “Một hành tinh xanh” với nhiều sáng tạo vượt bậc trong công nghệ cũng như ý tưởng sáng tác nghệ thuật.

Điều may mắn Dân có được là sự quyết tâm và ý chí sắc bén, nhìn thấy tiềm năng sáng tạo rộng mở, cảm nhận thật sự giá trị nghệ thuật từ rác thải, phế liệu bỏ đi: “Nó khai phóng được các ý niệm nghệ thuật thuần khiết nhất mà tôi nhận biết vì ngay từ nhỏ, tôi chính là cậu bé sống nhờ đi lượm ve chai, phế liệu. Không những vậy, nó còn mang lại giá trị nội hàm sâu sắc về ứng dụng của tái chế, giá trị kinh tế, mở đường cho các loại hình nghệ thuật mới về “Nghệ thuật tái sinh” ra đời. Bên cạnh đó, nó còn là câu chuyện không những của thời đại này mà là của cả nhân loại với sự sáng tạo bền vững hơn để thế giới và trái đất tương lai của chúng ta “xanh” hơn, tươi đẹp hơn”.

Nghệ thuật tái sinh có thể nói là một đề tài hay, sâu hơn là một “tín ngưỡng” của chính Nguyễn Quốc Dân. Thông qua triển lãm, anh mong muốn công chúng khi đến thưởng thức, có thêm nhìn nhận khách quan các giá trị hữu hình và vô hình, dẫn nhập họ đắm chìm trong thế giới của nghệ thuật tái sinh và ở đó thông điệp của sự bình đẳng, nhân văn với lòng biết ơn đối với đất mẹ là trái đất đã che chở cho loài người trải qua hàng triệu năm và hiện hữu. Chính vì thế, giờ đây ngay bây giờ, mỗi người phải có trách nhiệm chung tay cùng nhau bảo vệ hành tinh đất mẹ thân yêu: “Nghệ thuật tái sinh” với tôi, là một loại hình nghệ thuật thực hành mang tâm thức khơi gợi lòng biết ơn sâu sắc đến với những thứ được cho là bỏ đi như rác thải và phế liệu, mang đến công chúng, để từ đó chúng ta tự xây dựng cho mình các chuỗi giá trị sâu sắc hơn thông qua quan sát và khai phá các ý niệm mà tác phẩm mang lại”. Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân nói. “Vì lẽ đó, chính tôi cũng mong muốn đây không chỉ coi như cuộc hành trình mà nó phải là cuộc đời để tôi sống chậm lại, có cơ hội lan tỏa mạnh hơn, truyền cảm hứng thật sâu hơn đến với tất cả mọi người. Và ở đâu đó, tôi mong mỏi sẽ có nhiều “Nghệ thuật tái sinh” lan rộng, xưởng tái sinh xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới này.”.

VIỆT QUỲNH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nghe-si-nguyen-quoc-dan-nghe-thuat-tu-tai-sinh-rac-thai-10294149.html
Zalo