Nghệ sĩ lan tỏa tiếng sáo theo cách của riêng mình

Là thế hệ 8x năng động, sáng tạo và nhiều đam mê, tâm huyết, nghệ sĩ Bùi Công Thơm (giảng viên chuyên ngành Sáo trúc, Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) đã có nhiều nỗ lực để lan tỏa tiếng sáo trúc trên nền tảng số, qua kênh YouTube 'Sáo trúc Bùi Gia', Câu lạc bộ Thiền Sáo... Nhắc về anh là nói đến một nghệ sĩ nổi bật trong làng sáo trúc hiện nay.

Noi gương thầy để theo nghề

Trò chuyện cùng nghệ sĩ Bùi Công Thơm, tôi cũng nhận ra nhiều điều mới về anh. Lúc thì anh hồ hởi nói về phương pháp dạy học mới mà anh mới nghĩ ra, lúc thì anh lại say sưa nói về các dự án mới thu hút đông đảo người học sáo, lúc thì anh khoe về những cô cậu học trò giỏi giang của mình. Tựu trung lại cuộc đời của nam nghệ sĩ gắn bó với hai từ “Sáo trúc”. Anh yêu và mong muốn lan tỏa sáo trúc đến nhiều người, bởi anh thấy ở nó có quá nhiều đặc biệt.

Nghệ sĩ Bùi Công Thơm sinh năm 1988 tại Hà Đông (Hà Nội). Anh biết đến sáo trúc do năm 9 tuổi được bố mẹ gửi đến học nhà thầy giáo Lê Thái Sơn. Hoàn cảnh của thầy Sơn cũng không khá giả nhưng suốt mấy chục năm, thầy đều dạy miễn phí, ai đến thầy cũng động viên học cho tốt. Bởi vậy, cậu học trò Thơm nhỏ bé ngày nào vô cùng ngưỡng mộ và coi thầy như một tấm gương lớn trong nghề. Anh nỗ lực, quyết tâm để theo nghề giống người thầy yêu quý của mình.

 Nghệ sĩ Bùi Công Thơm (thứ 2 bên phải) biểu diễn cùng các nghệ sĩ sáo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nghệ sĩ Bùi Công Thơm (thứ 2 bên phải) biểu diễn cùng các nghệ sĩ sáo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm 11 tuổi, Bùi Công Thơm đã thi đỗ vào chuyên ngành sáo trúc, Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ngay từ khi còn học ở trường, anh đã khẳng định được tài năng với nhiều giải thưởng uy tín. Có thể kể đến là Huy chương vàng Liên hoan hát dân ca và biểu diễn nhạc cụ dân tộc do Cung Thiếu nhi Hà Nội tổ chức vào các năm 1999, 2003; giải Khuyến khích (năm 2003), giải Nhì (năm 2008) Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc…

Không đặt lợi ích kinh tế lên trên

Bùi Công Thơm ngưỡng mộ các thế hệ sáo trúc hàng đầu Việt Nam, như Nghệ sĩ Ưu tú Đinh Thìn, Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Phan… nhưng anh nghĩ mình không thể rập khuôn theo cách của các cụ đã làm. Là thế hệ 8X, khao khát được đổi mới, sáng tạo nên anh đã tận dụng công nghệ số để dạy học cũng như lan tỏa tiếng sáo đến đông đảo mọi người. Năm 2012, anh đã mạnh dạn đưa những bài giảng về sáo trúc lên kênh Youtube “Sáo trúc Bùi Gia” của mình, hiện đã có hàng chục nghìn người theo dõi. Cũng nhờ nhanh nhạy với công nghệ, nên ngoài công việc giảng dạy trực tiếp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, anh đã dạy sáo trúc trực tuyến.

Nhiều người còn khá lạ lẫm với khái niệm dạy sáo trực tuyến, bởi dạy sáo có những đặc thù không thể giống như dạy các môn văn hóa được. Nhưng với anh, việc dạy khó hay dễ là do tâm huyết và mục tiêu mà người dạy đề ra. Anh luôn trăn trở, suy nghĩ tìm cách truyền đạt để học viên tiến bộ, thể hiện được tác phẩm hoàn thiện, tiếng sáo hay như mình hướng dẫn trực tiếp. Cho đến nay, anh đã thiết kế ra hàng trăm bài giảng online mang lại hiệu quả thiết thực cho người học. Những bài giảng này được thiết kế gọn gàng, dễ hiểu, có hình minh họa rõ ràng, sinh động nên khiến người học dễ dàng tiếp thu.

Anh chia sẻ, hầu hết những người thổi sáo và đam mê sáo trúc ở Việt Nam đều tiếp cận và chơi theo kiểu truyền miệng, bắt chước nhau. Rất ít người có kiến thức về nhạc lý cơ bản nên gây khó khăn cho người dạy, đặc biệt là khi dạy trực tuyến. “Với việc dạy trực tuyến, tôi cố gắng truyền đạt những kiến thức, kỹ thuật cơ bản một cách dễ hiểu nhất, đồng thời hướng dẫn người học cách thể hiện để tiếng sáo hay hơn, chuyên nghiệp hơn, từ đó thu hút nhiều người chơi”, anh khẳng định.

Với tư duy nhanh nhạy, Bùi Công Thơm không chỉ biểu diễn, giảng dạy, tổ chức các hoạt động giao lưu trao đổi về sáo trúc trên mạng internet, mà còn làm sáo rất giỏi. Anh có xưởng sản xuất riêng khá uy tín. Đành rằng cũng là hoạt động kinh doanh nhưng anh không đặt lợi ích kinh tế lên trên mà quan trọng là đưa sản phẩm tốt nhất đến với người cần nó và nhờ có cây sáo của anh, mọi người có thể chơi tốt hơn, yêu việc thổi sáo hơn.

Học trò của Bùi Công Thơm có ở khắp mọi nơi và đủ mọi thành phần, có thể chỉ là những người yêu sáo chứ không có ý định theo nghề chuyên nghiệp. Cộng đồng những người yêu sáo luôn coi anh như một “thần tượng”. Có đợt Câu lạc bộ sáo gặp mặt tại Hà Nội mà số người tham dự lên đến hàng nghìn người, trong đó có những học viên đến từ miền Nam. Thầy trò gặp nhau rôm rả câu chuyện từ sáng đến quá chiều cũng chưa thể chia tay. Buổi gặp mặt đó mang ý nghĩa rất nhiều về mặt tinh thần, để cho họ bước ra khỏi “thế giới ảo”, tạo nên một “thế giới thật” với những “con người thật”. Trở về qua buổi gặp mặt, ai cũng được tiếp thêm niềm tin, động lực đến gắn bó với sáo trúc.

Làm tất cả để sáo đến gần hơn với nhiều người

Mới đây, nghệ sĩ Bùi Công Thơm đã thành lập Viện Nghiên cứu Đào tạo phát triển âm nhạc Việt Nam (do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cấp phép) với mong muốn tạo dựng một địa chỉ nghiên cứu, giảng dạy sáo trúc một cách chuyên nghiệp, bài bản. “Viện Nghiên cứu Đào tạo phát triển âm nhạc Việt Nam là tổ chức chuyên nghiên cứu về lĩnh vực nghệ thuật trong đó chúng tôi đang chú trọng đến việc tìm các giải pháp chuyển đổi số trong việc giảng dạy âm nhạc với mục tiêu đưa âm nhạc chuyên nghiệp đến gần hơn với cộng đồng. Hệ sinh thái các lớp học của Viện được hình thành từ ngày 27-9-2020 với Câu lạc bộ đầu tiên là Thiền sáo, đến nay Viện đã phát triển và mở rộng với rất nhiều các bộ môn: Sáo trúc - Sáo mèo, Guitar 247, Piano 247, Đàn tranh 247, Thanh nhạc 247, Harmonica”, nghệ sĩ Bùi Công Thơm chia sẻ.

Nghệ sĩ Nhân dân (sáo trúc) Đức Liên, nguyên nhạc công Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, nhận định: “Bùi Công Thơm là nghệ sĩ nhiều tâm huyết, sáng tạo và đầy tài năng của bộ môn sáo trúc. Bên cạnh công việc giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Bùi Công Thơm còn tạo dựng được phong trào chơi sáo trúc trong giới trẻ thông qua các dự án trực tuyến của mình. Có thể nói hiện nay anh có số lượng học viên đông đảo nhất trong các thầy dạy sáo và những hoạt động của anh đã góp phần đem tiếng sáo đến với mọi người, mọi nhà. Việc thành lập Viện Nghiên cứu Đào tạo phát triển âm nhạc Việt Nam đã góp phần nâng tầm tên tuổi, thương hiệu của Bùi Công Thơm trong giảng dạy, nghiên cứu sáo trúc”.

Theo nghệ sĩ Bùi Công Thơm, hiện nay, nhu cầu học sáo trong xã hội là rất lớn vì nó là nhạc cụ nhỏ, gọn, rẻ tiền nhưng lại dễ chơi, gần gũi với đồng quê Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng được tiếp cận với kiến thức về sáo một cách bài bản. Bởi vậy, với tất cả kiến thức, sự tâm huyết, trách nhiệm, lòng nhiệt thành của một nghệ sĩ, một giảng viên chuyên nghiệp, anh sẽ làm tất cả để sáo tiếp tục có chỗ đứng trong làng nhạc cụ truyền thống, để tiếng sáo lan tỏa đến khắp mọi người.

NGÔ KHIÊM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nghe-si-lan-toa-tieng-sao-theo-cach-cua-rieng-minh-799003
Zalo